Bài 2: Nhà chính trị vì dân

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng có lần tâm sự: 'Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó'. Thật vậy, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc; ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Đại tướng không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc trên chiến trường, ông còn là một nhà chính trị tiêu biểu – Nhà chính trị vì dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người dân Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người dân Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Chiến lược hòa bình trong độc lập, tự do

Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp D.Ba-ri về chiến lược của Việt Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Chiến lược của chúng tôi là chiến lược hòa bình”. Cũng với câu hỏi tương tự khi trả lời Z.Brezinski, nguyên cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ trong một lần sang thăm Algeria, Đại tướng nói: Chiến lược của tôi là hòa bình, hòa bình trong độc lập tự do.

Thật vậy, hòa bình trong độc lập tự do, đó là lý tưởng mà Đại tướng đã phấn đấu, hy sinh để giành về cho đất nước. Ngược dòng thời gian về những ngày đầu chuẩn bị Toàn quốc kháng chiến, tháng 3-1946, nhằm tránh cho đất nước phải bước vào một cuộc chiến ngoài ý muốn, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ ta xuống Hải Phòng để gặp viên Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp Leclerc. Nội dung cuộc gặp được Đại tá Trần Trọng Trung viết trong cuốn Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh: Sau cái bắt tay và mấy câu nghi lễ xã giao, Leclerc nói: “Tôi yêu nước Pháp. Tôi muốn bất kỳ ở đâu danh dự của nước Pháp cũng được tôn trọng”.

Đáp lại giọng điệu không lấy gì làm nhã nhặn đó của kẻ xâm lược, Võ Nguyên Giáp kiềm chế đáp: “Tôi là một người cộng sản chiến đấu cho độc lập của đất nước chúng tôi”.

Để chuẩn bị cho một cuộc điều đình giữa Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chính phủ Pháp tại Fontainebleau vào đầu tháng 7-1946, cả hai phía nhất trí cử đoàn đại biểu gặp nhau tại Đà Lạt. Võ Nguyên Giáp được cử làm Phó trưởng đoàn Chính phủ Liên hiệp.

Các ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Tam và phái đoàn Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Ảnh tư liệu

Các ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Tam và phái đoàn Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Ảnh tư liệu

Do nắm được vai trò của Võ Nguyên Giáp, nên một số thành viên Phái đoàn Pháp như Messmer, Bousquet và Salan rất để tâm “săn đón” ông. Salan đã từng quen biết Võ Nguyên Giáp qua những ngày đầu đàm phán ở Hà Nội. Tại hội nghị này, mỗi lần có bất đồng căng thẳng trong tranh luận, nhất là các vấn đề về quân sự, Salan thường đến gặp Võ Nguyên Giáp để dàn xếp, nhưng viên tướng Pháp thường vấp phải cái mà sau này trong hồi ký ông ta gọi là “những lập luận cứng rắn được che đậy bằng thái độ mềm mỏng lịch thiệp”.

Trong một cuộc họp của Tiểu ban Chính trị bàn về vấn đề đình chiến ở miền Nam, Võ Nguyên Giáp đặt vấn đề: Lúc này tiếng súng vẫn nổ ở trong Nam. Phía Pháp các ngài nói rằng đó là dẹp giặc. Xin hỏi, nếu nói quân đội chúng tôi ở miền Nam là giặc thì quân, du kích Pháp chiến đấu chống phát-xít Đức trong Thế chiến II cũng là giặc hay sao? Tiếp đó, trong một phiên toàn thể tranh luận về vấn đề Nam Bộ, Võ Nguyên Giáp khẳng định: Người ta không thể dùng những cuộc hành binh càn quét để buộc quân và dân yêu nước ở miền Nam Việt Nam hạ vũ khí. Khi lên án âm mưu Pháp về vấn đề Liên bang Đông Dương, Võ Nguyên Giáp nghiêm nghị nói: Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố kết liễu thời đại của các vị toàn quyền. Nếu Nam Bộ bị cắt khỏi Việt Nam thì tất cả tinh thần và nghị lực của dân tộc chúng tôi sẽ hướng vào cuộc đấu tranh để kéo Nam Bộ trở lại khối Việt Nam thống nhất.

Trong lúc không khí hội nghị rất căng thẳng, ngột ngạt, Võ Nguyên Giáp bỗng đứng phắt dậy dõng dạc tuyên bố: “Nếu các ông cố tình phá hoại cuộc thương thuyết để tiếp tục chiến tranh xâm lược thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành mảnh đất buộc người Pháp các ông phải đền tội”. Nói xong ông cắp cặp bước ra khỏi phòng.

Hội nghị trù bị Đà Lạt không đạt được thỏa thuận nào, nhưng ta đã thể hiện một lập trường cứng rắn, gạt bỏ những điều không phù hợp với quyền lợi và ý nguyện của dân tộc. Mặc dù vẫn bám vào lập trường thực dân, nhưng người Pháp đã nhận thấy ý chí độc lập tự do của dân tộc Việt Nam toát lên từ lời nói và thái độ của vị Phó trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp. Chính viên trưởng đoàn đám phán cũng phải thừa nhận Võ Nguyên Giáp là “một nhà biện lý đáng gờm, một nhà thương thuyết đáng kính nể”.

“Nhà biện lý đáng gờm” Võ Nguyên Giáp thay mặt Cụ Hồ đến hội nghị với mục đích sau cùng là tìm kiếm cơ hội hòa bình cho đất nước, tránh cuộc chiến tranh đổ máu, trong đó có cả nhân dân Pháp. Tiếc rằng, giới cầm quyền thực dân đã khước từ thiện chí đó.

Người đặt viên gạch đầu tiên cho nền hành chính vì dân

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập. Võ Nguyên Giáp được giao đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, với trọng trách tham mưu cho Chính phủ xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, theo dõi, điều hành công tác nội trị, ….Tuy thời gian làm bộ trưởng không lâu chỉ 06 tháng (từ ngày 28-8-1945 đến ngày 2-3-1946), nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã có công lao to lớn cho nhiệm vụ này.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ viết: “Trong khoảng thời gian ngắn này, Ông đã kịp tham mưu cho Chính phủ ban hành trên 100 sắc lệnh, trong đó có khoảng 30 sắc lệnh do chính Ông ký, có tính chất pháp quy hành chính trên nhiều ngành, lĩnh vực. Với khối lượng công việc đồ sộ trong khoảng thời gian ngắn mà đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp chính là người đã tham gia đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng nền hành chính vì hạnh phúc của người dân Việt Nam!”

Ngày 2-9-1945, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã có bài diễn văn quan trọng nêu lên tám vấn đề cấp bách của Chính phủ cách mạng lâm thời. Diễn văn nhấn mạnh: “... chỉ nay mai Chính phủ lâm thời sẽ ra sắc lệnh triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ. Các đại biểu của Quốc hội đều do dân bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Quốc hội sẽ đem lại cho chúng ta một Hiến pháp và một Chính phủ chính thức”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2-3-1946). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2-3-1946). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của Tổng tuyển cử, được sự tin cậy, giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời số 14 ngày 8-9-1945, trong đó nêu rõ trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Theo đó, tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường…

Sắc lệnh số 14 đã góp phần làm nên thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta vào ngày 6-1-1946, đưa người dân thực sự trở thành chủ nhân của đất nước. Ngay sau đó, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã công nhận Chính phủ chính thức, qua đó mở đường cho việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, vì dân - nền tảng để chăm lo cho cuộc sống ấm no về vật chất, đầy đủ về tinh thần, vì hạnh phúc của người dân Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc thành lập Ban dự thảo Hiến pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Dự thảo Hiến pháp đã được trình lên Quốc hội khóa I thông qua. Trong tiến trình đó có công lao đóng góp to lớn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp.

Lo cho dân những điều thiết yếu nhất

Sau Cách mạng Tháng Tám, thấu hiểu vấn đề cấp bách và nhu cầu trên hết của người dân lúc bấy giờ là cơm ăn, áo mặc. Để chống “giặc đói”, thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời số 07 ngày 5-9-1945.

Sắc lệnh này đã góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong việc vận chuyển, buôn bán thóc gạo, chống lại nạn đầu cơ, tích trữ lương thực trong bối cảnh nạn đói đang hoành hành dữ dội khi đó. Cũng nhờ đó, việc buôn bán, chuyên chở thóc gạo ở Bắc Bộ hoàn toàn được tự do, Chính phủ cần thóc gạo dùng vào việc công sẽ mua thẳng của tư gia. Còn đối với những người có hành vi đầu cơ, tích trữ gạo mà làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thì sẽ bị nghiêm phạt theo luật và bị tịch thu gia sản.

Việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp kịp thời ký ban hành Sắc lệnh số 07 cũng chính là việc làm thiết thực, kịp thời của Chính phủ, phản ánh sinh động một thực tế rằng, nền hành chính dân chủ non trẻ buổi đầu ấy đã luôn biết đặt lợi ích, nhu cầu của người dân Việt Nam lên trên hết, biết vì hạnh phúc của người dân bắt đầu từ những điều dung dị nhất là cơm ăn, áo mặc.

Bên cạnh “giặc đói” là “giặc dốt”, phải giải quyết làm sao cho nhân dân được hưởng niềm hạnh phúc thực sự cả vật chất lẫn tinh thần, để làm được điều đó nhất thiết phải xóa nạn mù chữ. Ngay trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ vào ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu việc cấp bách, trong đó, việc chống nạn mù chữ xếp thứ hai, chỉ sau nạn đói. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ” (Hồ Chí Minh toàn tập).

Một lớp Bình dân học vụ. Ảnh: baotanglichsu.vn

Thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành liền ba Sắc lệnh số 17, số 19 và số 20. Từ những sắc lệnh này, phong trào Bình dân học vụ diễn ra rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, nhân dân đi học không phải mất tiền, thoát khỏi cảnh không thể viết tên mình.

Chỉ trong một năm (từ tháng 8-1945 đến tháng 8-1946), phong trào Bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học. Sau 5 năm (đến ngày 30-6-1950), gần 12,2 triệu người biết chữ. 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ (Sách Việt Nam chống nạn thất học, NXB Giáo dục, 1980).

Thành công của cuộc chiến chống “giặc dốt” đã đặt nền móng quan trọng cho việc cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí rất quan trọng của nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, vì hạnh phúc của người dân mà chúng ta đang xây dựng hiện nay. Như Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch... Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”.

Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của bậc trưởng lão

Nhớ lời Bác Hồ dạy rằng nước có độc lập mà dân không có tự do và cơm no áo thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến khi đã về với đời thường, bằng tâm huyết và trí tuệ của mình vẫn thường xuyên đề xuất với Đảng và Chính phủ vấn đề cần làm, cần tránh, sao cho chính phủ ta thực sự là chính phủ của dân, do dân, vì dân. Trong nỗi lo chung ấy, Đại tướng đặc biệt quan tâm tầng lớp nông dân nghèo, vốn chiếm 80% dân số.

Ngay từ năm 1937, khi cùng với đồng chí Trường Chinh viết cuốn “Vấn đề dân cày”, ông đã đề cập thực trạng về cuộc sống của người dân cày dưới chính sách phản động của đế quốc phong kiến, vị trí của họ trong cách mạng Việt Nam. Đến khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, nhiều giải pháp được đặt ra trong “Vấn đề dân cày” đã được hiện thực hóa.

Khi trao đổi với báo chí, Đại tướng từng cảnh báo về những bất cập trong tiến trình công nghiệp hóa ở nông thôn, những thiếu sót, cho rằng chúng ta “có lỗi với người nông dân”. Đại tướng vui vì những chuyện xưa cũ như: Hằng năm, nhà thợ cày phải ăn đói đến bảy, tám tháng đã lùi về dĩ vãng nhưng lại trăn trở vì đời sống vật chất, tinh thần của nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, thiệt thòi. Ông nhắc lại nghịch lý khi kiểm tra ở thủy điện Hòa Bình: Người dân hy sinh cả nhà cửa, ruộng vườn vì dòng điện của Tổ quốc nhưng nhà máy xây xong, có chỗ sát thủy điện mà lại không… có điện.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần đến thăm vườn ươm cây giống của Anh hùng lao động Phạm Thị Nghèng ở Quảng Bình. Nguồn: quangbinh.gov.vn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần đến thăm vườn ươm cây giống của Anh hùng lao động Phạm Thị Nghèng ở Quảng Bình. Nguồn: quangbinh.gov.vn

Một ví dụ khác nói lên sự thấu hiểu và trăn trở của Đại tướng về cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả của người nông dân, được ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ trong một bài viết, như sau: Năm 2000, ngành thuế dự thảo chính sách dự kiến đưa đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (những hộ có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/năm trở lên) vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, kinh doanh nông nghiệp của đại đa số nông dân, kể cả nông dân sản xuất giỏi vẫn phải chịu nhiều rủi ro, trong khi đó bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa được triển khai. Vì vậy Hội Nông dân Việt Nam đã lên tiếng kiến nghị ngành thuế chưa đưa nông dân vào diện đóng thuế thu nhập cá nhân để tạo điều kiện cho phong trào nông dân sản xuất giỏi phát triển mạnh hơn nữa. Biết được tin này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi điện, viết thư, đề nghị Đảng và Nhà nước chưa đánh thuế thu nhập đối với các hộ nông dân giỏi có thành công bước đầu. Sau đó, việc thu thuế thu nhập đối với các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã không trở thành chính sách. Đại tướng là người góp tiếng nói chung để có kết quả này.

Năm 2000, tham gia cuộc Hội thảo về quá trình hình thành, phát triển và vai trò của Quốc hội, lấy tư cách là một người đã tham gia cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên, là đại biểu Quốc hội từ khóa I, Đại tướng phát biểu: “Chính phủ phải coi trọng dân sinh, lo cho dân mọi mặt, tôn trọng nhân tài. Phải nâng cao dân trí... Những người nào có tài đức phải được mời ra phục vụ đất nước…”

Hay như có lần Đại tướng đã viết: “Tôi nghĩ rằng phải làm đúng tư tưởng của Bác Hồ, là có dựa vào nhân dân mới chống được tham nhũng. Phải định ra cơ chế để phát huy vai trò giám sát, kiểm soát của cơ quan dân cử: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể quần chúng đối với công tác chống tham nhũng. Phải định ra cơ chế, để nhân dân phát hiện, tố giác những người tham nhũng, tạo mọi điều kiện để phát huy hết trách nhiệm của các cơ quan pháp luật, cơ quan kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước. Hết sức tránh lối làm việc vừa đá bóng vừa thổi còi, vì tự mình kiểm tra mình thì khó lòng chống được tham nhũng”.

Tất cả những suy nghĩ, trăn trở của Đại tướng xuất phát từ tấm lòng thiết tha với dân với nước, tin tưởng ở khả năng của Đảng và con đường đi lên của dân tộc. Đúng như cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết năm 2006, nhân mừng đại thọ tuổi 95 của Đại tướng: “Tuy là tuổi của lớp người trưởng lão, nhưng hàng ngày, Đại tướng vẫn rất chăm chú theo dõi tình hình đất nước và quốc tế. Những ý kiến đầy trách nhiệm và tâm huyết của Đại tướng gửi tới Đảng và nhà nước rất sâu sắc, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, trước kia đã vậy, nay cũng vậy”.

NGUYỄN VĂN DUYÊN

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/bai-2-nha-chinh-tri-vi-dan-669248