Bài 2: Hậu quả khôn lường của việc mua bán đất giấy tay

Việc một số văn phòng luật sư (VPLS) làm chứng mua bán đất giấy tay không có giá trị pháp lý và tiềm ẩn hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong giao dịch. Đặc biệt, sau khi giao dịch xong, người dân có thể phải đối mặt với tranh chấp pháp lý bất cứ lúc nào.

Cán bộ tư pháp - hộ tịch P.Trảng Dài (trái) trao đổi với đoàn công tác của Sở Tư pháp về khó khăn trong giải quyết các vụ tranh chấp đất bằng giấy tay. Ảnh: A.Nhơn

Cán bộ tư pháp - hộ tịch P.Trảng Dài (trái) trao đổi với đoàn công tác của Sở Tư pháp về khó khăn trong giải quyết các vụ tranh chấp đất bằng giấy tay. Ảnh: A.Nhơn

Trực tế trên địa bàn Đồng Nai thời gian qua đã xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai ngày càng nhiều và đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi là người dân.

* Hàng loạt vụ tranh chấp đất

Trong những ngày qua, gia đình bà N.T.M.T. (ngụ KP.2, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đứng ngồi không yên vì đất của gia đình bỗng dưng bị một nhóm người lạ tự ý đến dựng nhà tạm rồi chiếm giữ.

Bà T. cho biết, tháng 6-2021, bà có mua của ông P.V.A. một lô đất rộng 250m2 tại KP.3, P.Trảng Dài. Việc mua bán đất bằng giấy tay và có thông qua VPLS Mai Thị Kim Sa (trụ sở ở KP.3, P.Trảng Dài) làm chứng. Đến tháng 11-2021, bà T. đã bán miếng đất này cho vợ chồng người chị ruột và cũng thông qua VPLS Mai Thị Kim Sa làm chứng.

“Gia đình tôi cứ nghĩ việc mua bán đất có sự làm chứng của luật sư sẽ an tâm hơn. Ai ngờ vào dịp lễ 30-4, 1-5 vừa rồi, một nhóm người lạ ngang nhiên đến dựng nhà tạm chiếm giữ vì cho rằng đất của họ. Gia đình có báo cơ quan chức năng đến làm việc và lập biên bản, nhưng sau đó nhóm người này vẫn ngang nhiên quay lại chiếm giữ đất. Hiện gia đình gửi đơn đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhờ can thiệp để giúp chúng tôi đòi quyền lợi” - bà T. bộc bạch.

UBND P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đã tiếp nhận và giải quyết 21 hồ sơ tranh chấp đất đai mua bán giấy tay vào năm 2021 và 36 hồ sơ vào năm 2022. Còn từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương đã tiếp nhận hơn 10 hồ sơ tranh chấp đất đai. Đa số các vụ tranh chấp đất mua bán giấy tay đều hòa giải không thành.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, trên địa bàn P.Trảng Dài trong thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ tranh chấp đất mua bán bằng giấy tay. Điều đáng nói, trong số đó có không ít vụ tranh chấp đất có VPLS đứng ra làm chứng trong hợp đồng mua bán. Nhiều trường hợp không tự giải quyết được nên người dân đã gửi hồ sơ đến chính quyền địa phương nhờ đứng ra tổ chức hòa giải nhằm giải quyết tranh chấp.

Trong đơn gửi đến UBND P.Trảng Dài nhờ can thiệp vào tháng 3-2023, ông N.N.N. (ngụ KP.3, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) trình bày, năm 2017, ông mua của gia đình ông Đ.V.C. (ngụ KP.5, P.Trảng Dài) một lô đất rộng 100m2 tại KP.4B, P.Trảng Dài. Việc mua bán đất diễn ra tại VPLS Hoàng Đình Bảy (tại địa chỉ 6B/54 KP.9, P.Hố Nai) và có sự làm chứng của luật sư Hoàng Đình Bảy.

Theo ông N., nguồn gốc đất trên thuộc diện phân lô bán nền và đã sang nhượng cho nhiều người. Vì đất không đủ điều kiện sang nhượng theo quy định nên đa số người dân đều đến VPLS nhờ làm chứng, xác nhận việc mua bán cho yên tâm. Ông N. là người thứ 4 mua lại lô đất trên và đã quản lý ổn định gần 5 năm nay.

Tuy nhiên, ngày 2-4-2022, khi ông N. vào thăm đất thì bất ngờ một người khác đến xây dựng bờ rào bao quanh lô đất của gia đình. Ông N. ngăn cản nhưng họ vẫn ngang nhiên xây dựng, thậm chí còn dựng chòi chiếm giữ. Nhiều lần ông N. liên hệ phía tranh chấp để trao đổi bàn hướng giải quyết nhưng không thành công. Do vậy, ông đã gửi đơn nhờ cơ quan chức năng vào cuộc can thiệp.

Tương tự, năm 2019, bà Đ.T.M. (ngụ KP.4B, P.Trảng Dài) có mua 1 lô đất rộng 100m2 cũng tại KP.4B, P.Trảng Dài với giá hơn 400 triệu đồng. Việc mua bán đất diễn ra tại VPLS Mai Thị Kim Sa và được luật sư Mai Thị Kim Sa ký tên, đóng dấu đỏ làm chứng cho hợp đồng chuyển nhượng.

Bà M. cho biết thêm, nguồn gốc đất này cũng thuộc diện phân lô bán nền và đã sang nhượng cho nhiều người. Bà M. là người thứ 9 mua lại miếng đất trên và đã quản lý ổn định trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, năm 2022, bà M. vào thăm đất thì phát hiện người khác đã xây dựng hàng rào chiếm 3 lô đất liền kề nhau, trong đó có lô đất của gia đình. Bên tranh chấp còn dựng nhà tạm và cho người trực canh giữ đất.

Bà M. đã nhiều lần chủ động liên hệ bên tranh chấp để thương lượng cách giải quyết, nhưng họ một mực từ chối vì cho rằng đây là đất của họ. Ngày 23-3-2023, bà M. gửi đơn đến UBND P.Trảng Dài nhờ hòa giải để đòi quyền lợi.

* Gây khó khăn trong công tác hòa giải

Cán bộ tư pháp - hộ tịch P.Trảng Dài Nguyễn Thành Hưng cho biết, tình trạng mua bán đất trái quy định pháp luật xảy ra rất nhiều trên địa bàn phường. Đa số đất không đủ điều kiện sang nhượng nên không thể ra văn phòng công chứng để thực hiện việc chuyển nhượng theo đúng quy định pháp luật. Do vậy, nhiều người dân đã đến một số VPLS để nhờ làm chứng hợp đồng mua bán giấy tay.

Nhiều vụ tranh chấp đất có sự làm chứng trong hợp đồng mua bán của Văn phòng Luật sư Hoàng Đình Bảy và Văn phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa

Nhiều vụ tranh chấp đất có sự làm chứng trong hợp đồng mua bán của Văn phòng Luật sư Hoàng Đình Bảy và Văn phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa

Theo ông Hưng, thời gian qua, từ các vụ tranh chấp đất đai của người dân trên địa bàn P.Trảng Dài cho thấy, 2 VPLS thường xuyên nhận dịch vụ làm chứng xác nhận mua bán đất giấy tay cho người dân tại P.Trảng Dài là VPLS Hoàng Đình Bảy và VPLS Mai Thị Kim Sa. Người dân ngộ nhận rằng, hợp đồng do luật sư làm chứng là được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực cho việc mua bán của họ. Nhiều người nghĩ rằng luật sư là người hiểu luật và có vị trí nhất định trong xã hội nên chữ ký của luật sư và đóng dấu đỏ của VPLS sẽ giúp việc mua bán hợp lệ. Trong khi người dân không hiểu rằng, việc làm chứng của luật sư không có giá trị pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục xác lập quyền sử dụng của họ đối với giao dịch mua bán đất giấy tay.

Những năm qua, UBND P.Trảng Dài đã tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai. Trong đó, nhiều người cùng tranh chấp 1 thửa đất là tình trạng phổ biến nhất hiện nay. Theo đó, cùng một thửa đất nhưng đã sang nhượng qua nhiều người, thậm chí có tình trạng tạo hồ sơ giả để mua bán dẫn đến tranh chấp xảy ra.

Qua nghiên cứu các hồ sơ tranh chấp của người dân, UBND P.Trảng Dài nhận thấy hầu hết các vụ tranh chấp đất đai đều đã thông qua VPLS làm chứng trong hợp đồng mua bán. Thậm chí, có hồ sơ chuyển nhượng đất đai qua rất nhiều người và mỗi lần chuyển nhượng đều thông qua luật sư làm chứng. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết tranh chấp của người dân.

“Khi chúng tôi tổ chức hòa giải thì các bên đều chứng minh việc mua bán của họ đã có VPLS làm chứng. Các bên đều tự bảo vệ lợi ích của mình rằng việc mua bán đất có luật sư làm chứng là hợp pháp. Điều này khiến công tác hòa giải gặp nhiều khó khăn, không thể thương lượng giữa các bên. Do vậy, đa số các vụ việc tranh chấp đất đai đều hòa giải không thành” - ông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.

Cũng theo ông Hưng, trước thực trạng các VPLS làm chứng cho việc mua bán đất giấy tay và gây ra nhiều vụ tranh chấp xảy ra thì chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

An Nhơn

Bài 3: Cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202306/nhung-chieu-tro-lach-luat-de-truc-loi-cua-van-phong-luat-su-bai-2-hau-qua-khon-luong-cua-viec-mua-ban-dat-giay-tay-3167712/