Bài 2: Giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (Quyết định 22) đã và đang là điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương trên mọi vùng miền vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, kiến tạo cuộc sống mới. Quyết định đã giúp các đối tượng xóa nhòa ranh giới tự ti, mặc cảm, tự tin làm lại cuộc đời...

Trao cơ hội

Chấp hành xong án phạt tù gần 3 năm, tháng 11 năm 2021, anh Nguyễn Anh Tuấn trở về địa phương sống cùng cha mẹ ở khu 3, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Được trở về cuộc sống xã hội, anh Tuấn đã cố gắng rèn luyện bản thân để trở thành công dân tốt. Anh Tuấn tập trung làm nghề mộc, nghề mà anh được học và làm thuê từ nhiều năm trước ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, để duy trì được nghề ổn định thì cần phải có vốn, trong khi kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, bố mẹ Tuấn đã già yếu, nên việc đầu tư vốn để sản xuất là không hề dễ dàng.

"Khi nhận được thông báo đủ điều kiện vay vốn theo Quyết định 22, em rất phấn khởi, nhất là bố mẹ, họ đã phải vất vả vay tiền khắp nơi để đầu tư xưởng mộc cho em. Nay có nguồn vốn vay hỗ trợ cho những người chấp hành xong án phạt tù, gia đình em mừng lắm. Với những người như em, Quyết định 22 thực sự là "phao cứu sinh" để em làm lại cuộc đời, ổn định cuộc sống", anh Tuấn chia sẻ.

Ngay khi Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, anh Tuấn là một trong những người đầu tiên trên địa bàn huyện Tam Nông thuộc diện được tiếp cận và nhanh chóng được giải ngân vốn vay với số tiền 100 triệu đồng. Số tiền này đã giúp gia đình anh Tuấn đầu tư cho xưởng mộc.

Từng lầm lỡ và đã được trở về với gia đình sau thời gian chấp hành án, giờ đây, anh Nguyễn Duy Tuân ở khu Lũng, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn chỉ có mục tiêu lớn nhất là cố gắng lao động, sản xuất để chăm lo cho gia đình. Anh Tuân xúc động chia sẻ: "Những người đã có tiền án, tiền sự khi trở về cuộc sống đời thường không tránh khỏi mặc cảm. Hơn nữa, nhiều người thấy chúng tôi "có án", ai cũng e ngại không muốn cho vay. Nay được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, thật sự chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều vì đã tạo điều kiện cho chúng tôi có thêm niềm tin yêu cuộc sống".

Tại Kiên Giang,anh Trần Thanh Phong ở ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận cũng là người vay đầu tiên tại huyện trong chương trình tín dụng người chấp hành xong án phạt tù. Năm 2002, anh bị tuyên phạt án tù chung thân nhưng do nỗ lực trong cải tạo nên tháng 10.2022, anh được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù, trở về địa phương.

Tuy nhiên, trở về không một đồng vốn trong tay nên dù có 16 công đất anh Phong cũng không thể xoay xở để có cuộc sống ổn định. Khi nhận thông tin về chính sách cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù, anh Phong đã trình bày nguyện vọng với UBND xã và Công an xã Vĩnh Phong để được đưa vào danh sách vay vốn. Vui mừng đón nhận 40 triệu đồng từ NHCSXH, anh Phong cho biết, sẽ dùng số tiền cải tạo ao nuôi tôm và hứa sẽ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để có việc làm ổn định, có thu nhập giúp gia đình trang trải cuộc sống, bù đắp cho vợ và các con những ngày anh vắng nhà...

Bà Hữu Thị Thê và con trai vay vốn chính sách để cải tạo ao nuôi tôm Ảnh: V. Hải

Tại tỉnh Bạc Liêu, bà Hữu Thị Thê ở ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu cũng không giấu nổi xúc động khi đón người con trai đã chấp hành xong án phạt tù trở về. Cũng chỉ vài ngày sau, bà nhận được thông báo con trai được NHCSXH TP. Bạc Liêu cho vay 100 triệu đồng để đầu tư cho mô hình sản xuất của gia đình. "Với số vốn này, mẹ con tôi sẽ cải tạo ao nuôi tôm để phát triển kinh tế gia đình" - bà Hữu Thị Thê tâm sự.

Dệt tương lai

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, ngay sau khi Quyết định 22 đi vào cuộc sống, đã có rất nhiều trường hợp được tiếp cận nguồn vốn. Đây không chỉ là cơ hội đối với bản thân và gia đình người chấp hành xong án phạt tù mà đối với chúng tôi - những người làm công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội, cũng như chính quyền địa phương cũng cảm thấy nhẹ lòng.

Quyết định 22 đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người có quá khứ phạm tội. Đây được xem là cánh cửa mở ra một trang mới cho người từng lầm đường lạc lối hòa nhập với cộng đồng.

Là người trực tiếp thực thi Quyết định 22, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ - Trương Việt Phương cho biết, qua rà soát nhanh, năm 2023, tỉnh Phú Thọ đã có trên 40 người chấp hành xong án phạt tù được giải ngân với số tiền 3,99 tỷ đồng. Hiện, Chi nhánh NHCSXH tỉnh vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu vay vốn của các đối tượng.

Dự kiến, trong năm 2024, tỉnh có 180 người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn. Chi nhánh cũng đang phối hợp Công an tỉnh tham mưu trình UBND tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương chuyển sang, kết hợp xây dựng kế hoạch nguồn vốn từ Trung ương chuyển về để bảo đảm trong thời gian tới đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các đối tượng trong diện thụ hưởng.

Tại Bạc Liêu, ngay khi Quyết định 22 ban hành, Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện, cấp xã triển khai việc tiến hành rà soát, xác định danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chuyển NHCSXH làm căn cứ cho vay theo đúng quy định.

Theo Đại tá Bùi Quốc Khởi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, đây là một chính sách mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, thể hiện rất rõ phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế nhất trong xã hội hiện nay, là những người chấp hành xong án phạt tù, đang khát khao được quay trở lại hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời sau những sai lầm, vấp ngã trong quá khứ.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/bai-2-giup-nguoi-hoan-luong-tai-hoa-nhap-cong-dong-i364797/