Bài 2: Động lực bứt phá

Thực hiện đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, năng lực giao thông của thành phố đã có bước lớn mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án tầm vóc, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.

Trang3: Hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu được hoàn thành góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3. Ảnh: Nhật Nam

Trang3: Hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu được hoàn thành góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3. Ảnh: Nhật Nam

Nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, là chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa đã khẳng định vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của Vùng Thủ đô.

Thời gian qua, thành phố đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn, như đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; nút giao thông trung tâm quận Long Biên; cầu vượt nút Bắc Hồng (huyện Đông Anh); đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái cùng các công trình chống ùn tắc trong nội đô như cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh; đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đường Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32…

Năm 2020, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn Thủ đô đạt 23.395km (tăng 3.683km so với năm 2010). Tỷ trọng diện tích đất dành cho giao thông trên đất đô thị đạt 10,07%. Hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội thông tin, chỉ tính riêng trong năm 2022, ngoài các dự án trọng điểm, Ban đã hoàn thành, thông xe nhiều dự án, như hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...

Theo Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành, song song với việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung, Hà Nội đã dành nhiều công sức, nguồn lực phát triển các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và trục đường hướng tâm, các tuyến đường vành đai, tuyến kết nối trong nội đô, cầu lớn vượt sông, các nút giao, cầu vượt cho người đi bộ, tuyến đường sắt đô thị, hạ tầng giao thông đường thủy, hạ tầng giao thông tĩnh, hạ tầng vận tải công cộng bằng xe buýt. Giai đoạn hiện nay, những dự án có vai trò đặc biệt quan trọng như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang khẩn trương về đích, trở thành trợ lực cho giao thông Thủ đô ngay trong năm 2023.

Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, mạng lưới xe buýt Hà Nội gồm 154 tuyến đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở đã phối hợp với các ngành giải quyết được 8/35 điểm và 18/26 “điểm đen” về tai nạn giao thông trong năm 2022. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế tình trạng ùn tắc giao thông vẫn là nguy cơ thường trực. Tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị rất chậm. Tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng thấp (dưới 20%). Tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao. Nhiệm vụ xây dựng hạ tầng giao thông chưa theo kịp tiến độ đô thị hóa và chưa đồng đều…

“Năm 2023, với dấu mốc 15 năm mở rộng địa giới hành chính, cũng sẽ là năm Hà Nội phải tập trung hành động mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tiếp tục đưa thêm nhiều dự án hạ tầng giao thông từ trên giấy ra thực địa”, ông Phan Trường Thành nêu.

Nguồn lực mới cho phát triển

Nhiều năm qua, hàng loạt dự án giao thông khung của Hà Nội nằm im trên bản đồ quy hoạch, trong khi áp lực phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng, vượt thiết kế của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Một số dự án đã triển khai xây dựng gặp nhiều vướng mắc, thậm chí có thời điểm phải “đắp chiếu” như đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1, tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội; hầm chui Kim Đồng; quốc lộ 1 cũ; quốc lộ 6…

Tháo gỡ khó khăn, tồn tại cho các dự án này cũng như hoàn thiện hệ thống đường vành đai cho Thủ đô, Hà Nội đã quyết tâm mạnh mẽ, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đồng thuận trên dưới. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là minh chứng rõ ràng. “Chưa có một dự án giao thông nào được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quan tâm sát sao và hậu thuẫn lớn như đường Vành đai 4 bởi đây là con đường chiến lược giảm tải cho đường Vành đai 3, kết nối Hà Nội với Vùng Thủ đô và cả nước, kỳ vọng sẽ mang đến nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phục vụ đắc lực cho các mục đích an ninh, quốc phòng, văn hóa”, ông Phan Trường Thành nêu cảm nhận.

Những tuyến đường huyết mạch thay đổi diện mạo tương lai của thành phố đã được định hình rõ nét. Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai, trong đó đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng.

Thành phố đồng thời hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô, phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.

Với hướng đầu tư, phát triển nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nêu quan điểm, trước mắt thành phố cần tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung, xác định đây là khâu đột phá. Để có nguồn lực thực hiện, thành phố cần rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác theo từng giai đoạn; đồng thời xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng, huy động nguồn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, xã hội hóa đầu tư thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch.

Sau điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã và đang từng bước vươn mình phát triển, khẳng định tầm vóc của một Thủ đô văn minh, hiện đại. Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vừa là dấu ấn, thành tựu đáng tự hào đã đạt được và tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm được thành phố lựa chọn để tạo nên nguồn lực phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa.

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-2-dong-luc-but-pha-636761.html