Bài 2: Chung tay xây miền ấm no theo khát vọng của cử tri

Theo chân chị Cao Xe Mẩy – người đại biểu HĐND nhiệt tình, chúng tôi có dịp vòng quanh vùng lê lớn nhất Bát Xát. Nậm Pung có 4 thôn thì 4 thôn đều trồng giống cây có nguồn gốc từ nước ngoài. Kin Chu Phìn 2 là thôn xa nhất xã, nằm giữa những hẻm núi cao vút và cũng là thôn nghèo khó nhất. Thôn có 100% đồng bào Hà Nhì sinh sống. Lần này trở lại, chúng tôi được tận mắt thấy cuộc sống mới đang dần hiện hữu ở bản nhỏ. Những ngôi nhà đất, mái cỏ trước kia đã được thay thế bằng mái tôn chắc chắn. Nhiều gia đình còn sắm được 2, 3 chiếc xe máy, rồi tủ lạnh, ti vi đời mới…

Mặt trời đã đứng bóng, mà trong thôn vắng tanh, chỉ có vài cụ già và em nhỏ chơi ở đầu bản. Theo hướng tay chỉ, chúng tôi vòng qua nhà văn hóa đi theo con đường nhỏ nội đồng để đến khu sản xuất của bà con. Trên những sườn núi thoai thoải là những vườn lê được trồng theo hàng lối, quét vôi trắng xóa gốc để phòng bệnh.

Được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn, bà con Hà Nhì nắm kỹ thuật chăm sóc lê “trong lòng bàn tay”. Giờ đang là mùa đông rét lạnh, nên những cây lê rụng hết lá, vươn cành khẳng khiu. Đây là thời điểm lý tưởng để người trồng lê tỉa hoa trái vụ, vặt bỏ lá mầm, vin cành, bón phân, vun gốc để cho mùa hoa, quả sang năm.

Chị Lý Gì Su cầm chiếc cuốc nạo vào đất ràn rạt, nở nụ cười tươi rói: Nhà mình có 200 gốc lê, 1/3 số đó đã cho thu hoạch 2 năm nay. Trước đây, diện tích trồng lê này chủ yếu để trồng ngô. Thời tiết khắc nghiệt, nên ngô cho năng suất không cao. So với trồng ngô, thì trồng lê cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần.

Cũng như chị Su, hơn 140 hộ người Hà Nhì và hơn 200 hộ người Dao đỏ ở 4 thôn của xã Nậm Pung đang kiên trì phát triển kinh tế gia đình với giống cây mới, coi đây là loại cây “cứu cánh” trong mỗi gia đình. Mùa xuân đến, trên khắp các sườn đồi, lưng núi, trong vườn nhà, hoa lê nở trắng xóa cả vùng trời. Đến mùa tháng 6, tháng 7, cây kết quả trĩu cành.

Nậm Pung đang dần "thay da” với sự phát triển của cây lê - cây trồng mũi nhọn của xã, trở thành vùng lê lớn nhất Bát Xát với diện tích gần 170 ha (trong tổng diện tích 301 ha của toàn huyện), diện tích cho quả khoảng 60 ha. Năm 2023, bà con toàn xã thu được 70 tấn quả, mang lại nguồn thu gần 1.8 tỷ đồng.

Những cây lê đầu tiên được đưa về đồng đất Nậm Pung đã 14 năm nay. Sau 4 năm đầu cho quả, cây lê tỏ rõ sự phù hợp về sự sinh trưởng, phát triển cũng như nguyện vọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chọn cây thích hợp cho năng suất cao của bà con.

Tuy nhiên, đây là giống cây ăn quả dài ngày, 4 năm mới cho thu hoạch lứa đầu, nên việc đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc, hệ thống tưới nước rất lớn. Với các hộ gia đình vùng khó thì đó quả là bài toán không dễ tìm lời giải.

Là người con của bản Hà Nhì, sống trong lòng dân, lại được lắng nghe ý kiến của dân qua những cuộc họp ở thôn, xã, những cuộc tiếp xúc cử tri, nên hơn ai hết chị Cao Xe Mẩy, đại biểu HĐND xã Nậm Pung, đại biểu HĐND huyện Bát Xát thấu hiểu những khó khăn đó.

Tại các kỳ họp HĐND xã và HĐND huyện, chị Mẩy đã nêu các ý kiến, truyền tải mong muốn, nguyện vọng chính đáng của bà con. Trên cơ sở những ý kiến, góp ý của bà con, huyện Bát Xát và xã Nậm Pung đã khảo sát và xác định lê VH6 là cây trồng thế mạnh và tiềm năng; đồng thời, đưa ra chủ trương xây dựng thành vùng sản xuất chuyên canh lê VH6 tại Bát Xát, tập trung ứng dụng công nghệ cao. Nhiều chủ trương khuyến khích sản xuất nông nghiệp được thực hiện trên địa bàn, trong đó có việc hỗ trợ đồng bào mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới.

Như ở Nậm Pung, từ 5 ha thử nghiệm năm 2009, đến nay toàn xã đã có gần 170 ha. Toàn bộ diện tích lê này đều được Nhà nước hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, xây dựng nông thôn mới... Mới đây nhất, 63 hộ dân xã Nậm Pung được thụ hưởng Dự án trồng lê VH6 50 ha của huyện với kinh phí đầu tư trên 4 tỷ đồng.

Không chỉ là “cầu nối” đưa ý kiến của cử tri đến các cấp có thẩm quyền, với vai trò là đại biểu HĐND cấp xã, huyện và là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Cao Xe Mẩy còn nêu gương trong phát triển cây ăn quả, trở thành điển hình trồng lê, tạo địa chỉ để bà con đến học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc lê và thực hiện nhiều mô hình kinh tế khác, như nuôi lợn đen bản địa, trồng rau vụ đông. Từ đó, nhiều gia đình phụ nữ nghèo đã vươn lên thoát nghèo.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó Nậm Pung, Cao Xe Mẩy cũng như những đứa trẻ khác có một tuổi thơ gian khổ, lại thêm là con gái, nên những phụ nữ Hà Nhì như Mẩy phải chịu nhiều sự bất bình đẳng đầy rẫy thiệt thòi do hủ tục trọng nam, khinh nữ.

Mẩy sinh năm 1986. Bố mất sớm, mẹ lại hay ốm yếu, nên nhà Mẩy thuộc diện nghèo nhất, nhì thôn. Cái nghèo bó buộc, chật vật lắm mẹ mới nuôi Mẩy học hết bậc THPT.

Ngày ấy, ở quê Mẩy, sự học là điều gì đó rất xa vời, số ít học để biết mặt cái chữ, còn phần lớn là không đi học. Đặc biệt, theo nếp xưa của người Hà Nhì, con gái không có quyền đi học. Con gái chỉ như cái cây, con thú trên rừng tự lớn lên rồi lấy chồng, sinh con, bó hẹp trong “lũy tre làng”.

Việc Mẩy đi học hết cấp 2, cấp 3 trường nội trú huyện và tỉnh rồi thi đỗ vào Đại học Văn hóa Hà Nội hệ chính quy năm 25 tuổi được ví như chuyện lạ. Mẩy là người Hà Nhì đầu tiên của xã đỗ đại học hệ chính quy. Người ta bàn ra tán vào việc đi học xa dễ nhiễm thói hư, tật xấu, người ác miệng còn bảo “như cái cây khô” rồi ế đến già.

Con đường học hành của cô gái Hà Nhì lần đầu tiên dám chống lại lệ cả bản đầy rẫy khó khăn. Tuy nhiên, với mong muốn đi học để thay đổi cuộc đời, Mẩy đã vượt qua tất cả, kiên định đến cùng con đường mình đã chọn.

Năm 2015, tốt nghiệp đại học, Mẩy có khá nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp ở nơi khác nhưng mong muốn được gắn bó, được chung tay giúp quê hương phát triển, Mẩy quyết định về quê và được chính quyền xã tin tưởng, giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Pung. Cùng năm đó, Mẩy được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho đến nay.

Năm 2016 đánh một dấu mốc mới với Mẩy khi chị được cử tri tín nhiệm và trở thành đại biểu HĐND xã Nậm Pung nhiệm kỳ 2016 - 2021. Với sự miệt mài, trách nhiệm vì cộng đồng, niềm tin được nhân lên, năm 2021, Cao Xe Mẩy lại tiếp tục được cử tri bầu làm đại biểu HĐND xã Nậm Pung và đại biểu HĐND huyện Bát Xát nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Năm 2017, Mẩy vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Gánh trên vai nhiều trọng trách, Cao Xe Mẩy luôn tự hào bởi sự tin tưởng của tổ chức, sự tin yêu của người dân dành cho mình và tự hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi hủ tục trong cộng đồng dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Tâm niệm vậy, nên trong quá trình công tác, nhiệm vụ nào cũng được Xe Mẩy thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trở thành đại biểu HĐND 2 cấp, chị Mẩy cũng có khá nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi, cầu thị, Xe Mẩy chủ động trau dồi, nắm rõ quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND để làm tròn vai trò của người đại biểu do dân cử.

Bên cạnh đó, chị dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chính sách, văn bản mới của các cấp, các ngành để việc tuyên truyền, giải thích tới Nhân dân thuận lợi, việc tham gia các ý kiến sát với thực tế. Nhiều vấn đề tại địa phương là trăn trở của cử tri đã được cử tri đã được chị Mẩy gửi tới các cấp, các ngành, từ đó gỡ khó cho địa phương, như làm đường giao thông nông thôn, nâng cấp tỉnh lộ đoạn đi qua xã, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, cải tạo tập quán lạc hậu...

Đồng chí Lý Lù Mẩy, Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Pung cho biết: “Sinh ra từ bản làng, lại luôn gần dân, sát dân, lắng nghe và chia sẻ với Nhân dân nên đồng chí Cao Xe Mẩy đã có nhiều đóng góp trong công tác đại biểu dân bầu tại địa phương. Đồng chí đã thực hiện tốt vai trò “cầu nối”, thắt chặt mối liên hệ với cơ sở, kịp thời truyền tải ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của cử tri tới các cấp, các ngành”.

Xã vùng cao Nậm Pung dù đã có nhiều khởi sắc, cuộc sống của bà con dù có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn lắm gian nan. Tuy nhiên, những cử tri nơi miền đất khó đang tràn đầy tin tưởng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các đại biểu như chị Cao Xe Mẩy luôn chung sức vì cộng đồng, thì miền ấm no là con đường đi và cũng sẽ là đích đến ở tương lai.

Bài 1: Nữ đại biểu quyết tâm “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì

Bài 3: Cô gái Hà Nhì “ thắp lửa” niềm tin

Bài cuối: Đại biểu HĐND chung tay vì sự tiến bộ của phụ nữ Hà Nhì

Nội dung: Tuấn Ngọc - Tô Dung
Trình bày: Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-2-chung-tay-xay-mien-am-no-theo-khat-vong-cua-cu-tri-post376618.html