Bài 2: Chính sách ưu việt, đảm bảo đầy đủ quyền con người

Không chỉ được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo chế độ ăn uống..., người bị tạm giữ, tạm giam còn được tham gia bầu cử; phạm nhân được hỗ trợ dạy nghề để tái hòa nhập cộng đồng.

 Các can phạm nhận được tuyên truyền giáo dục pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề để khi trở về họ có thể tìm được công việc phù hợp, dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Các can phạm nhận được tuyên truyền giáo dục pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề để khi trở về họ có thể tìm được công việc phù hợp, dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Không chỉ hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người, đặc biệt là với người bị tạm giữ, tạm giam, trong những năm qua, Việt Nam còn thực hiện chủ trương, chính sách ưu việt khi cho phép người bị tạm giữ, tạm giam được quyền tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân theo luật định.

Cùng với đó, các can phạm nhận được tuyên truyền giáo dục pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề để khi trở về họ có thể tìm được công việc phù hợp, dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời và sống có ích cho gia đình và xã hội.

100% người bị tạm giữ, tạm giam được tham gia bầu cử

Như chúng tôi đã đề cập trong bài trước, nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT), nhiều năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả công ước.

Một trong số đó là việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo cho công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và đảm bảo quyền, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam. Vì thế, ngay sau khi luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, Chính phủ và Bộ Công an đã ban hành 3 nghị định, 14 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam…

Theo đó, cùng với các chính sách đảm bảo quyền con người tại các trại tạm giam ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, những năm qua, người bị tạm giữ, tạm giam còn được tham gia bầu cử theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015).

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thượng tá Phạm Chiến Thắng - Phó Giám thị Trại tạm giam số 1 (Công an thành phố Hà Nội) cho hay thực hiện thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, trong hai nhiệm kỳ qua, tất cả những người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Việc này thể hiện chính sách ưu việt, rất nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người bị tạm giữ, tạm giam.

“Bên cạnh đó, việc người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện bầu cử cũng thể hiện rằng họ chỉ bị hạn chế một số quyền và họ chưa hẳn là người phạm tội, chưa bị tòa kết án nên vẫn được quyền bầu cử. Việc này cũng sẽ giúp họ phấn khởi và tin vào chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, qua 2 kỳ bầu cử vừa qua (vào năm 2016 và 2021), 100% người bị tạm giữ, tạm giam được quyền tham gia bầu cử và không ai từ chối,” Thượng tá Thắng nói.

Trong đợt bầu cử gần đây nhất, sáng 23/5/2021, các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên cả nước đã đồng loạt tổ chức cho người bị tạm giam, tạm giữ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, trong ngày bầu cử, cả nước có hơn 30.000 cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền bầu cử đúng theo quy định của pháp luật.

 Thượng tá Phạm Chiến Thắng - Phó Giám thị Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thượng tá Phạm Chiến Thắng - Phó Giám thị Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tại Trại tạm giam số 1 (Công an thành phố Hà Nội), 2.608 cử tri là cán bộ, giám thị và người bị tạm giam, tạm giữ đã lần lượt tham gia bỏ phiếu bầu cử (trong đó có 2.190 người bị tạm giam, tạm giữ). Trước ngày bầu cử 23/5/2021, các cán bộ, chiến sĩ quản giáo đã chuẩn bị tài liệu, nội dung tuyên truyền về bầu cử, chuẩn bị danh sách, thông tin các đại biểu cho những người bị tạm giữ, tạm giam tìm hiểu, nắm rõ để chọn ra những người ưu tú nhất vào các cơ quan quyền lực Nhà nước.

Khẳng định tính ưu việt của chế độ Việt Nam khi đã tích cực, chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: “Thực hiện thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, thời gian qua, Trại tạm giam số 2 đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến người bị tạm giữ, tạm giam để họ nắm được nội dung của luật và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công an; trong đó quy định cụ thể những quyền mà họ được làm.”

Theo đó, trong thời gian qua, những quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, luôn được Trại tạm giam số 2 đảm bảo theo luật định. Cụ thể, khi vào nhập trại, người bị tạm giữ, tạm giam sẽ được phổ biến quyền và nghĩa vụ, được học nội quy, kiểm tra sức khỏe đầu vào. Trong quá trình tạm giữ, tạm giam, họ được tiếp cận, gặp thân nhân và nhận quà theo đúng quy định của pháp luật, được bảo trợ và trợ giúp pháp lý, được tiếp cận luật sư khi có yêu cầu của cơ quan điều tra.

“Đặc biệt, chúng tôi đã đảm bảo thực hiện quyền dân chủ trong trại giam, trại tạm giam. Đơn cử như năm 2021, chúng tôi đã tổ chức cho hơn 1.000 người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền bầu cử của mình và đã được các cơ quan bầu cử - nơi đơn vị đóng quân, đánh giá rất cao. Việc này đã giúp họ phấn khởi, nhận thức được quyền, nghĩa vụ của mình, đặc biệt là thấy được tính ưu việt của chế độ đối với họ, khi họ cầm lá phiếu với những người mà họ tin tưởng, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật,” Thượng tá Nguyễn Xuân Nam nhấn mạnh.

Trao “cần câu” giúp phạm nhân ‘làm lại cuộc đời’

Cùng với chủ trương, chính sách đảm bảo quyền con người, quyền công dân đối với người bị tạm giữ, tạm giam, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam còn ban hành Nghị định số 09/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Được Bộ Công an, Công an Thành phố Hà Nội lựa chọn làm điểm triển khai thí điểm mô hình trên, vừa qua, Trại tạm giam số 1 đã phối hợp Trường Cao đẳng Điện tử điện lạnh Hà Nội, mở một “lớp học đặc biệt” đào tạo nghề điện dân dụng trình độ sơ cấp cho học viên là phạm nhân sắp mãn hạn tù, có thành tích cải tạo tốt.

Ở đó, những người đã từng lầm lỡ ngày ngày được các giảng viên giảng dạy cách cầm tua vít sao cho chắc, cho đúng; phân biệt đâu là dây dẫn điện dương, điện âm, học cách kiểm tra, sửa bình nóng lạnh, nồi cơm, máy bơm nước,… qua đó giúp các phạm nhân có thêm hành trang kiến thức, cho “ngày trở về” làm lại cuộc đời.

 "Lớp học đặc biệt" ở Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

"Lớp học đặc biệt" ở Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chia sẻ với chúng tôi ngay trong khuôn viên “lớp học đặc biệt” trên, Thầy giáo Trần Liêm Hiệu - Trưởng khoa Điện tự động hóa (Trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội) cho biết “lớp học này như một xã hội thu nhỏ,” bởi các can, phạm nhân, mỗi người có một hoàn cảnh, độ tuổi, trình độ khác nhau. Do vậy, mỗi giáo viên ngoài kiến thức phải có cách giao tiếp, tâm thế, biện pháp giáo dục thích hợp.

“Với lẽ đó, chúng tôi đã lựa chọn những thầy, cô có đủ phẩm chất trên để đào tạo cho các học sinh của lớp học. Chúng tôi xác định vừa là bạn, là thầy, cũng là người thân để giúp họ an tâm học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề phấn đấu làm lại cuộc đời, có ích cho gia đình và xã hội,” ông Hiệu nhấn mạnh và bày tỏ niềm vui và sự tự hào khi được giảng dạy tại “lớp học đặc biệt” để thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người đang chấp hành án phạt tù.

Theo thông tin từ Thượng tá Phạm Chiến Thắng - Phó Giám thị Trại tạm giam số 1, lớp học sửa chữa điện dân dụng tại trại có 25 học viên. Người trẻ nhất lớp sinh năm 2004, người lớn tuổi nhất sinh năm 1974. Lớp được khai giảng từ tháng 10/2023. Thời gian học nghề của lớp là 300 giờ, diễn ra trong 3 tháng, với 70% thời gian thực hành trên thiết bị thực và mô hình. Lớp học được tổ chức vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ học nghề của Trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội.

Bày tỏ sự phấn khởi khi được tham gia “lớp học đặc biệt” trên, học viên Nguyễn Trần Nhất (46 tuổi, quê ở Xuân Đỉnh, Hà Nội) cho hay: “Tôi học nghề sửa chữa điện dân dụng ở trại đã được hơn 1 tháng và đã sửa được những nồi cơm điện bị hư hỏng. Kết thúc khóa học này, chúng tôi sẽ có chứng chỉ học nghề. Mong rằng khi tái hòa nhập xã hội sẽ có nghề ổn định, giúp ích được cho gia đình, cho xã hội.”

Sinh năm 2004, là người trẻ nhất trong lớp học, Nguyễn Việt Tiến (ở huyện Đông Anh) cũng chia sẻ niềm vui khi đang có “cần câu” kiến thức nghề nghiệp để gieo hy vọng làm lại cuộc đời. “Em chưa một lần làm việc nhà đỡ đần bố mẹ. Trước đây, những vật dụng trong nhà hỏng hóc em đều mặc kệ. Bây giờ học được nghề, em mong sớm được trở về nhà, tự tay làm những công việc này,” Tiến chia sẻ.

Với quan niệm trao “cần câu” hơn trao “con cá,” Trại tạm giam số 1 đang đặc biệt quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Đây cũng là giải pháp thiết thực, giúp các phạm nhân có thêm hành trang cho “ngày trở về” làm lại cuộc đời, có ích cho gia đình, xã hội.

 Người bị tạm giữ, tạm giam tại Trại giam số 1 (Công an thành phố Hà Nội) gặp gỡ người thân, nói chuyện qua điện thoại. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Người bị tạm giữ, tạm giam tại Trại giam số 1 (Công an thành phố Hà Nội) gặp gỡ người thân, nói chuyện qua điện thoại. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định những chính sách ưu việt trên đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Đó cũng là công cụ sắc bén để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc khi cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền trong việc đối xử, giam giữ, không quan tâm tới các vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe đối với người bị tạm giữ, tạm giam hoặc điều kiện môi trường nơi trại giam không đảm bảo.

Nỗ lực của Việt Nam được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao

Theo Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) Phạm Anh Tuấn, các thành tựu của Việt Nam trong công tác bảo vệ, phát huy quyền con người đã được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Điều này đã được thể hiện cụ thể qua việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu ủng hộ cao.

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028; Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Đây là những là văn bản quan trọng, mang tính định hướng cho công tác thông tin đối ngoại nói chung, thông tin đối ngoại về quyền con người nói riêng thời gian tới.

Đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (trong đó có quyền của người bị tạm giữ, tạm giam), bà Ramla Khalidi - Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh thời gian qua, vai trò tiên phong của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và phát triển bền vững đã được các cơ quan của Liên hợp quốc ghi nhận.

“Gần đây nhất là trong chuyến thăm Việt Nam của Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển vào đầu tháng 11/2023, Giáo sư Surya Deva đã khen ngợi các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và tăng bao phủ an sinh xã hội. Chuyên gia Liên hợp quốc cũng ghi nhận sáng kiến và vai trò chủ trì của Việt Nam trong việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết ‘Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna’ đầu năm 2023,” bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

 Bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm xây dựng Báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, diễn ra trong năm 2023, đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc cũng khẳng định các cơ quan Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực bảo đảm quyền con người nói chung; trong đó có quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Chúc mừng nỗ lực của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT, đại diện Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác với Hà Lan đồng thời khuyến nghị một số nội dung Việt Nam có thể tiếp tục triển khai tốt hơn như: Cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trại giam; cai nghiện bắt buộc; đảm bảo sự tham gia của luật sư trong quá trình tố tụng; thăm gặp lãnh sự và mời các cơ quan đại diện nước ngoài tham dự các phiên tòa…

Về phía cơ sở, Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết để tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ quan này tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Công an về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Đặc biệt, Công an thành phố Hà Nội sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sĩ các cơ sở giam giữ và cơ quan điều tra các cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót, vi phạm, tiêu cực trong công tác quản lý giam giữ và các hoạt động tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Cùng với đó, Công an thành phố Hà Nội sẽ đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ quan điều tra và các cơ sở giam giữ thuộc công an thành phố để đảm bảo đầy đủ điều kiện thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý giam giữ và trong hoạt động điều tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

“Chúng tôi cũng sẽ nâng cao hiệu quả quan hệ, phối hợp giữa các cơ sở giam giữ với các cơ quan, đơn vị có liên quan (như cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, ban pháp chế hội đồng nhân dân thành phố,…); đẩy mạnh hợp tác quốc tế, để đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành và các các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia,” Đại tá Hải nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bai-2-chinh-sach-uu-viet-dam-bao-day-du-quyen-con-nguoi-post918345.vnp