Bài 2: Cần chính sách hỗ trợ đào tạo cho thanh niên nông thôn có kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp

Muốn có nông nghiệp công nghệ thì người nông dân phải ứng dụng được công nghệ vào sản xuất. Máy móc hỗ trợ, nhưng vận hành là con người. Vì thế, con người phải là yếu tố then chốt cho sự phát triển của nông nghiệp số, phải đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Những bước đi bền vững của ngành nông nghiệp Hà Nội

Đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao công nghệ cho người nông dân trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao công nghệ cho người nông dân trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao

Nếu như trước đây mọi công đoạn trong chăn nuôi gà đẻ trứng của hộ ông Kiều Văn Hiện – Xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất đều thực hiện bằng thủ công thì những năm gần đây, từ khâu cho gà ăn đến xử lý môi trường, khử trùng chuồng nuôi đều được hộ gia đình ông Kiều Văn Hiện thực hiện bằng máy và chế phẩm vi sinh. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm gia đình ông Hiện đã chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 2,5 vạn con gà đẻ/4 chuồng nuôi, cung cấp trên 2 vạn quả trứng mỗi ngày.

Mô hình chăn nuôi gà đẻ của hộ gia đình ông Kiều Văn Hiện là một trong những mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Thạch Thất. Theo ông Hiện, việc áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp giảm nhiều nhân công lao động, giảm bớt các chi phí trong chăn nuôi vì thế lợi nhuận trong chăn nuôi cũng được tăng lên. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, định hướng trong năm nay của gia đình ông Hiện là tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, Hà Nội đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân giàu tri thức, giàu nghị lực, sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin: Hà Nội sẽ tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý; giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, chính xác, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Do vậy, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

“Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích: Dự báo nhu cầu thị trường chính xác, giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu hóa hoạt động... Đặc biệt, chuyển đổi số không chỉ giúp thực hiệnnhững công việc con người khó thực hiện, mà còn tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn với giá cả hợp lý…”, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) cho hay.

Xác định nhiệm vụ đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng là hết sức quan trọng, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông thành phố luôn là những người đồng hành, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân, giúp cho bà con nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tổ chức sản xuất…

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo từng vùng, địa bàn và lĩnh vực sản xuất; trang bị cho người dân kiến thức về thị trường, liên kết, hợp tác trong sản xuất. Thông qua các hoạt động này, các hộ nông dân sẽ được tiếp cận và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đạt kết quả cao, từng bước thay đổi nhận thức từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

9 tháng đầu năm, Trung tâm đã phối hợp với hệ thống khuyến nông các cấp và cơ quan nghiên cứu, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 6.450 lượt học viên là đội ngũ cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông các cấp, nông dân, thành viên hợp tác xã...

Bên cạnh đó, các diễn đàn khuyến nông, Nhịp cầu nhà nông do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các quận, huyện tổ chức đã giúp bà con nông dân gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, được giải đáp về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, bảo vệ thực vật, công nghệ sinh học và chính sách hỗ trợ các chương trình nông nghiệp.

Đây thực sự là diễn đàn kết nối một cách có hiệu quả nhất giữa bà con nông dân với các nhà khoa học, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua việc tư vấn, giải đáp kỹ thuật của các nhà khoa học tại diễn đàn.

Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, các mô hình cây trồng giống mới cho năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất, các mô hình nuôi thủy đặc sản… đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học công nghệ, đòi hỏi hoạt động khuyến nông về chuyển giao khoa học kỹ thuật ngày phải nâng cao để phù hợp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội là khoảng trống lớn. Bởi, thanh niên ngoại thành hiện nay có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Lao động nông nghiệp chỉ còn người già, trung niên, rất dễ an phận với cách sản xuất truyền thống, ngại tiếp thu khoa học kỹ thuật mới. Muốn có chuyển đổi số mà người nông dân vẫn theo cách làm cũ, yếu kỹ năng công nghệ thì rất khó thực hiện.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, Hà Nội, GS.TS Phạm Văn Cường cho rằng, nên có chính sách hỗ trợ đào tạo từ sơ cấp, trung cấp... đến đại học cho thanh niên nông thôn tham gia nắm bắt kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi có nguồn nhân lực chất lượng cao, chắc chắn nông nghiệp Hà Nội sẽ hình thành nên các mô hình nông nghiệp tiêu biểu.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Không những thế, ứng dụng công nghệ số còn là “chìa khóa” mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ.

Hà Nội là loại đô thị đặc biệt, song ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Trong số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận có sản xuất nông nghiệp. Với hơn 10 triệu dân, hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Hà Nội, đã và đang đặt ra vấn đề cấp thiết phải phát triển một nền nông nghiệp vừa có tính chất đô thị vừa tiệm cận với những công nghệ thông minh và phải phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô.

(Còn nữa)

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-2-can-chinh-sach-ho-tro-dao-tao-cho-thanh-nien-nong-thon-co-kien-thuc-trong-linh-vuc-nong-nghiep-360878.html