Bài 1: Xứng đáng với trọng trách Đảng, Nhân dân giao phó

LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng Ban kinh tế - xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhPhát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần 'Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt'. Nằm trong hệ thống chính trị, có thể khẳng định Quốc hội và HĐND các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm trước Đảng, trước cử tri và nhân dân. Điều này thể hiện rõ nét trong những kết quả đạt được trên các lĩnh vực, nhất là trong ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời.

Đúng đắn, kịp thời trong những quyết sách

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng nổ đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân nhiều thách thức. Cùng với đó, tình hình thế giới có những biến động, cạnh tranh gay gắt thì các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, các thế lực xấu, thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng tình hình này để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nhằm chống phá cách mạng Việt Nam khiến nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề; đặc biệt là nền kinh tế gặp phải nhiều bất lợi.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Xuân Hoa

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Xuân Hoa

Đứng trước bối cảnh đó, dưới ánh sáng soi đường của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong từng giai đoạn phát triển, nhất là trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, Quốc hội và HĐND các cấp đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.

Điển hình, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngay tại kỳ họp đầu tiên của Khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/NQ-QH15 ngày 28.7.2021 quyết định 8 nhóm giải pháp cấp bách để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thời mới". Có thể khẳng định, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, thích ứng với tình hình mới là minh chứng cho tính đúng đắn, kịp thời của Nghị quyết số 30, qua đó thấy rõ vai trò, trách nhiệm của một Quốc hội hành động, vì dân.

Theo cử tri Lê Hải Dương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, điểm đặc biệt tôi cho là rất kịp thời và sát thực tiễn của Nghị quyết số 30 đó chính là việc Quốc hội rất quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là quyết định chi chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ sự chủ động, linh hoạt này mà Việt Nam có vaccine phòng dịch và dần bao phủ toàn quốc, nhờ đó dịch bệnh mới được kiểm soát.

"Việt Nam chúng ta đã thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19, huy động được mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vaccine phòng Covid-19, truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng, phòng, chống dịch và đã sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng…”, cử tri Lê Hải Dương đánh giá.

Nghị quyết 30 cũng là tiền đề quan trọng để HĐND các địa phương linh hoạt trong quyết định các quyết sách phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hoàn thành “mục tiêu kép” như Đảng đã lãnh đạo chỉ đạo, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Một quyết sách của Quốc hội phải kể đến có tác dụng to lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng vào hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó chính là Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.01.2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Chính quyết sách này đã mở đường cho nhiều chính sách quan trọng góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tạo đà cho HĐND các địa phương chủ động, linh hoạt trong quyết định các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình địa phương.

Quá trình thực thi cho thấy, Nghị quyết 43 đã đi và thực tiễn, các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường.Nghị quyết 43 cũng là đòn bẩy quan trọng để các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022. Một trong số các mục tiêu lớn của Nghị quyết số 43 là phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Xét một cách toàn diện, mục tiêu này cơ bản đã được thực hiện gần như hoàn thành. Các gói hỗ trợ nhà ở, giải quyết việc làm cho người lao động và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được hấp thu có hiệu quả trong thực tế.

Lan tỏa tinh thần kiến tạo phát triển, vì dân

Gần nửa nhiệm kỳ, chuẩn bị bước sang kỳ họp thường lệ thứ Năm với nhiều quyết sách quan trọng, điểm nhấn trong nhiệm kỳ này phải kể đến là việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường để kịp thời tháo gỡ những vấn đề cấp bách của thực tiễn. Cùng với đổi mới công tác điều hành, nội dung thì việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan dân cử được Quốc hội đẩy mạnh thực hiện. Theo dõi diễn biến các kỳ họp qua truyền hình trực tiếp, qua phản ánh của báo chí, dễ dàng nhận thấy Quốc hội tiếp tục có những đổi mới, linh hoạt trong điều hành của Chủ tọa, trách nhiệm của ĐBQH, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách trong các Ủy ban của Quốc hội; đây là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của kỳ họp.

“Tên kỳ họp là bất thường nhưng cử tri nhận thấy các nội dung Quốc hội bàn thảo và quyết định là bình thường như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường”. Bình thường là bởi tính chất kỳ họp được Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội quy định. Đó là việc tổ chức kỳ họp Quốc hội khi thực tiễn cuộc sống yêu cầu thì những quyết sách cần phải nhanh chóng ra đời để bảo đảm sự phát triển của xã hội, bảo đảm đời sống của người dân. Sự “bình thường” của phiên họp “bất thường” cũng thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, của các ĐBQH với những vấn đề cấp bách đặt ra của đất nước, của người dân mà thẩm quyền Quốc hội mới quyết định được. Đó cũng là sự thể hiện một Quốc hội kiến tạo, phát triển, vì dân” - cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Tinh thần kiến tạo, phát triển, vì dân cũng đã và đang được thẩm thấu và lan tỏa sâu rộng đến hoạt động của HĐND các cấp.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1%C2%A0%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8Bxung-dang-voi-trong-trach-dang-nhan-dan-giao-pho-i329575/