Bài 1: Winston Churchill - phóng viên của mọi chiến trường

LTS: Họ đều đã hoặc đang nắm giữ những cương vị quan trọng, thậm chí là người đứng đầu một quốc gia. Giữa họ còn có một điểm chung, đó là trước khi dấn thân vào chính trường và chèo lái con thuyền đất nước, họ từng có giai đoạn ngồi cầm bút trong các tòa soạn hoặc vác balo, máy ảnh lăn lộn khắp nơi. Bởi thế, họ được gọi là những nhà báo-chính trị gia.

Tên đầy đủ của ông là Winston Leonard Spencer-Churchill (1874-1965), người được biết tới như một trong những nhà lãnh đạo tài ba và quan trọng nhất trong lịch sử nước Anh và là Thủ tướng Anh thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Người ta thường nhắc tới Churchill trên nhiều vai trò: Một người lính, một họa sĩ, một tác gia, và trên hết là một nhà báo chiến trường. Cuộc đời và châm ngôn làm báo ở những mảnh đất lửa đạn của Churchill có thể được lột tả qua câu nói nổi tiếng của chính ông: "Tuyệt đối không chịu lùi hay né tránh nguy hiểm".

 Cố Thủ tướng Anh Churchill khi còn là phóng viên. Ảnh: The Independent

Cố Thủ tướng Anh Churchill khi còn là phóng viên. Ảnh: The Independent

Churchill là một nhân vật đặc biệt, trước hết là bởi số lượng các cuộc chiến tranh mà ông đã chứng kiến và trải qua. Điển hình như cuộc chiến tranh Boer ở Nam Phi, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và Chiến tranh thế giới lần thứ hai... Chính những cuộc chiến tranh ấy đã tạo ra một nhà báo Churchill tài ba, một nhà lãnh đạo huyền thoại của nước Anh. Năm 2002, trong cuộc bình chọn do BBC tổ chức, Churchill được xếp đầu danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất.

Năm 1895, nhà báo tuổi đôi mươi Churchill bắt đầu dấn thân vào chiến trường khi ông được tờ The Daily Graphic cử đến Cuba để phản ánh về cuộc chiến đấu của quân du kích Cuba chống lại sự cai trị của Tây Ban Nha. Một năm sau đó, qua mối quan hệ thân quen, ông tiếp tục được điều tới đưa tin về cuộc chiến đấu của lực lượng dã chiến Malakand chống lại các bộ lạc Pathan ở biên giới Tây Bắc Ấn Độ với tư cách là người viết các phóng sự chiến tranh cho tờ The Pioneer và The Daily Telegraph. Chuyến đi ấy không chỉ là trải nghiệm quý giá cho hành trình cầm bút sau này của Churchill mà còn giúp ông thu thập được khối tư liệu đồ sộ từ thực địa, để rồi cho ra đời cuốn sách đầu tay mang tên “Câu chuyện về lực lượng dã chiến Malakand”, xuất bản tháng 3-1898. Cũng trong quãng thời gian đó, Churchill đến đưa tin về cuộc chiến tranh Sudan. Những hồi ức khốc liệt của cuộc chiến tranh này được ông truyền tải một cách chân thực, sống động trong hàng loạt bài viết gửi về cho tờ The Morning Post, và đặc biệt là trong cuốn sách thứ hai xuất bản năm 1899 mang tên “Cuộc chiến trên sông”.

Nhưng Churchill chỉ thực sự trở thành một “anh hùng” trong làng báo xứ sở sương mù cũng như thế giới khi cuộc chiến tranh Boer lần hai bùng nổ ở Nam Phi vào cuối năm 1899. Với tư cách là phóng viên hợp đồng của tờ The Morning Post, bất chấp nguy hiểm, ông đi sâu vào vùng bom đạn để lấy tin, đưa tin. Trong một lần tác nghiệp, chiếc tàu hỏa chở vũ khí của quân đội Anh mà Churchill đi nhờ bị trúng mìn phục kích, ông bị bắt làm tù binh. Không cam chịu phận tù đày, Churchill tìm cách trốn thoát, vượt qua những con đường dài tổng cộng gần 500km, nhiều lần đối mặt với cái chết để về Mozambique. Sau này, hành trình vượt ngục ly kỳ của phóng viên chiến trường Churchill đã được báo giới Anh và thế giới khai thác một cách triệt để.

Chính những bài báo, những cuốn sách ra đời trong chiến trường khốc liệt đã khiến Churchill dần nổi lên thành tâm điểm chói sáng của báo giới. Cũng từ đó, mỗi tác phẩm báo chí, mỗi bước chân ông đều được người dân toàn nước Anh háo hức ngóng theo.

Trở về từ những chiến trường và trở thành nghị sĩ, Churchill lại có thêm nghề diễn thuyết với những chuyến đi dài từ Anh đến Mỹ, được gặp những người nổi tiếng. Dù xuất hiện ở đâu thì người nghe luôn khát khao được nghe ông kể về cuộc đời làm phóng viên và cuộc vượt ngục huyền thoại ở Nam Phi. Và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn là một Churchill gan dạ, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để theo đuổi đam mê và công việc của mình. Chuyện kể rằng, có lần, trước buổi diễn thuyết tại một thành phố ở phía Tây nước Mỹ, Churchill nhận được cảnh báo của cơ quan an ninh rằng một số phần tử đang âm mưu ám sát ông. Giới chức thành phố ngay lập tức ra lệnh hủy bỏ buổi diễn thuyết, song Churchill nhất quyết cự tuyệt. Chia sẻ về quyết định của mình, trong bài diễn thuyết hôm ấy, ông nói: "Khi nguy hiểm đến gần, tuyệt đối không được quay đầu chạy trốn, nếu không nguy hiểm sẽ tăng lên rất nhiều lần. Ngược lại, nếu bạn có thể dũng cảm đối mặt với nguy hiểm thì nguy hiểm sẽ giảm đi một nửa".

Ngày nay, nói về cố Thủ tướng Anh Churchill, người ta vẫn coi ông là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử nước Anh, một nhân vật huyền thoại của thế giới. Riêng trong con mắt của báo giới, Churchill đáng kính đơn giản vì ông là một người cầm bút có nghề và vì nghề, sẽ không bao giờ lùi bước.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bai-1-winston-churchill-phong-vien-cua-moi-chien-truong-663029