Bài 1: Tạo bước chuyển biến mới, mang tính đột phá

Tỷ trọng sản xuất công nghiệp ở Quảng Ninh chiếm gần 52% tổng sản phẩm trên địa bàn,do vậy để đảm bảo sản xuất xanh, nhiều giải pháp được triển khai.

Nhận diện các nguy cơ gây ô nhiễm

Ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh trong thời gian qua. Chỉ tính riêng năm 2023, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GRDP ước đạt 51,9%. Trong nhóm ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh Quảng Ninh: Khai thác, chế biến khoáng sản; nhiệt điện; chế biến, chế tạo (dệt may, đóng tàu, chế biến thực phẩm), khai khoáng đã và đang là một ngành quan trọng của tỉnh.

Hệ thống xử lý nước thải của công ty Yazaki tại KCN Đông Mai- Quảng Ninh (Ảnh: Thu Hường)

Hiện, Quảng Ninh có 7 khu công nghiệp, cùng 5 cụm công nghiệp đã đi vào khai thác, hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất công nghiệp và khai khoáng, đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên, tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường. Tích tụ hoặc phát tán chất thải đã tàn phá mặt đất, ảnh hưởng lớn đến rừng và thảm thực vật, thay đổi bề mặt địa hình. "Hình thành các moong khai thác với diện tích, độ sâu lớn và những bãi thải đất đá thải... đã làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, gây suy giảm môi trường không khí, có nguy cơ sạt lở rất cao, đặc biệt là sau các đợt mưa lũ kéo dài, làm ảnh hưởng ít nhiều đến các hộ dân xung quanh khu vực các bãi thải...” - ông Nguyễn Như Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh - cho biết.

Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện phát sinh nhiều loại chất thải, bao gồm: Bụi thải, khí thải, chất thải rắn có tro xỉ, rác bẩn; chất thải lỏng với dầu cặn, nước ẩm có lẫn dầu sau khi làm mát thiết bị, nước thải có lẫn hóa chất, nước thải sinh hoạt... gây ô nhiễm không khí; ô nhiễm nước; ô nhiễm đất; ô nhiễm nhiệt; tiếng ồn và rung động. Đặc biệt, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng là một trong những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất, trong đó, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là bụi phát sinh từ quá trình nung, nghiền xi măng.

Hệ thống xử lý nước thải trong khai thác khoáng sản được đầu tư hiện đại, kiểm soát tốt các nguồn thải trong quá trình sản xuất tại doanh nghiệp (Ảnh: Môi trường TKV cung cấp)

Trong công nghiệp đóng tàu, nhiên liệu xăng dầu sử dụng nhiều phát sinh một lượng dầu thải lớn trong các công đoạn thi công. Ngoài ra, còn phải kể đến lượng chất làm sạch bề mặt tại khu vực đóng tàu phát tán vào môi trường biển, làm tăng khả năng ô nhiễm nước và trầm tích khu vực. Một số cơ sở chế biến thực phẩm, bia, nước giải khát mở rộng quy mô sản xuất làm gia tăng lượng chất thải, nước thải đổ vào thủy vực nước mặt và biển ven bờ. “Do đó, công tác kiểm soát môi trường trong sản xuất công nghiệp tại Quảng Ninh nói chung và trong khai thác, chế biến khoáng sản nói riêng luôn nhận được sự quan tâm lớn, vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền địa phương, các ngành liên quan, nhất là hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT), tập trung giải quyết điểm nóng, các vấn đề môi trường bức xúc, quyết tâm tạo sự chuyển biến mới trong công tác BVMT” - ông Nguyễn Như Hạnh nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm soát

Để đảm bảo sản xuất xanh, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng, điều chỉnh và tích cực hoàn thiện các văn bản pháp luật về BVMT, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường theo hướng hội nhập, đáp ứng yêu cầu BVMT trong tình hình mới. Hàng năm, tỉnh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác môi trường. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về BVMT và các nội dung đã cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Ông Nguyễn Như Hạnh- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Thu Hường)

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn đã được tăng cường và đẩy mạnh. “Chúng tôi đã tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các sở, ngành đã xây dựng các quy chế phối hợp, xác định rõ trách nhiệm giữa các ngành, cấp trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT”- ông Hạnh thông tin.

Để kiểm soát nguồn thải, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo tăng cường năng lực quan trắc, giám sát môi trường trên địa bàn tỉnh, triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, dự báo ô nhiễm, công khai thông tin môi trường.

Đến nay, cơ bản các chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ với 47 trạm quan trắc môi trường giám sát hoạt động xả khí thải và 87 trạm quan trắc môi trường giám sát nước thải. Căn cứ số liệu quan trắc của các đơn vị truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp đảm bảo việc xả thải theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường và phổ biến tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức, cá nhân được biết, thực hiện. Đây là công cụ kỹ thuật, cơ sở pháp lý thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất hội nhập, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến để cải thiện sản xuất, xử lý chất thải, tiết kiệm năng lượng...

Trạm quan trắc môi trường tự động về nước thải tại khu vực Tràng Khê-Hồng Thái do Tập đoàn TKV đầu tư (Ảnh: TKV cung cấp)

Đối với công tác quản lý chất thải rắn (CTR) và chất thải nguy hại (CTNH), Quảng Ninh kiên quyết không xem xét, không đề xuất các dự án có dây chuyền cũ, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của các khu - cụm công nghiệp. Bước đầu, tỉnh chú trọng phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, tăng cường xử lý CTNH.

Hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, khắc phục ô nhiễm môi trường cũng được triển khai đồng bộ. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành dứt điểm các dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, chủ yếu do hoạt động khai thác than (tổng số 558/558 hộ), chấm dứt hoạt động 77/77 lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vào các CNN.

Tỉnh cũng đã chấm dứt hoạt động Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng từ ngày 31/12/2018, xây dựng và đưa Trung tâm Chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai tại Hà Khánh - Hạ Long vào hoạt động ổn định sản xuất từ năm 2019 để đảm bảo môi trường, việc làm cho người lao động… Ngoài ra, công tác cải tạo cảnh quan môi trường dọc theo hành lang và chất lượng nước sông, suối chảy qua các khu dân cư tập trung chịu ảnh hưởng của khai thác than cũng được tăng cường đầu tư...

Nhằm giảm thiểu chất thải do quá trình phát triển các ngành công nghiệp cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải, hiện tỉnh Quảng Ninh đang hướng dẫn, đồng hành cùng các đơn vị ngành than tập trung đẩy mạnh triển khai giải pháp sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp đang ngày một lớn, phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. “Việc sử dụng đất đá thải từ các mỏ than làm vật liệu san lấp góp phần giảm độ cao, diện tích bãi thải, giảm nguy cơ sạt lở; giảm tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường qua việc hạn chế sử dụng diện tích đổ thải, hạn chế phá hủy thảm thực vật khi không phải khai thác tại các mỏ đất; giảm bớt các chi phí phải trồng rừng hoàn nguyên, hỗ trợ di dời dân khỏi những điểm có nguy cơ sạt lở. Các bãi thải hiện đã đóng cửa hoàn nguyên, sau khi được khai thác đất đá, giảm độ cao, tạo mặt bằng an toàn, có thể tạo thêm quỹ đất để phát triển dự án kinh tế - xã hội khác”- ông Hạnh cho hay.

Song song với đó, 7/7 đơn vị sản xuất điện than đã xây dựng và phê duyệt Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của đơn vị, được chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp mặt bằng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12249:2018. Một số đơn vị sản xuất xi măng nghiên cứu, thử nghiệm đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường tại nhà máy; tận dụng tro, xỉ thải nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung… Qua đó, đã góp phần giảm thiểu phát thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Công tác kiểm kê phát thải khí thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện; khuyến khích các cơ sở giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Bài 2: Đảm bảo sản xuất xanh, giảm phát thải

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-tao-buoc-chuyen-bien-moi-mang-tinh-dot-pha-313135.html