Bài 1: Sang chiết, kinh doanh gas lậu và nguy cơ mất an toàn cháy nổ

Khí hóa lỏng (gas) là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, việc quản lý thị trường này đang tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn hậu họa khó lường.

* Bài 1: Sang chiết, kinh doanh gas lậu và nguy cơ mất an toàn cháy nổ

Công an quận Cẩm Lệ hướng dẫn người dân cách xử lý dập tắt đám cháy do khí gas gây ra.

Tại TP Đà Nẵng nói riêng và nhiều tỉnh, thành cả nước nói chung, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ liên quan đến khí gas, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe con người. Rõ nhất là chiều tối 21-1-2024, tại điểm thu gom vỏ bình gas ở đường Nguyễn Trọng Quyền (TP Cần Thơ) xảy ra vụ nổ khí gas gây rúng động cả khu vực, làm 4 người thương tích.

Trước đó (ngày 3-9-2023), trên địa bàn P. Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) xảy ra vụ nổ bình gas làm 3 người trong một gia đình bị thương nặng. Ở khu vực miền Trung, chiều 3-11-2023, tại Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) xảy ra nổ khí gas hầm chứa Cty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất làm 9 người bị thương. Tại TP Đà Nẵng, năm 2016, từng xảy ra vụ nổ khí gas tại quán nhậu trên đường Lê Văn Đức làm chủ quán bị bỏng toàn thân.

Theo tìm hiểu của Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, từ lâu, khí gas là nguồn nhiên liệu được sử dụng phổ biến trong các hộ gia đình. Tuy nhiên, trong thời điểm nắng nóng như hiện nay thì việc sử dụng khí gas không đúng cách sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của việc rò rỉ khí gas gây cháy nổ, nhưng thực tế cho thấy, sự chủ quan và thiếu hiểu biết của các cá nhân, hộ gia đình và những bất cập trong việc kinh doanh từ các cơ sở sản xuất là nguyên nhân dẫn đến những sự việc đáng tiếc.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CHCN Công an quận Cẩm Lệ cho biết, nguyên nhân cháy nổ khí gas chủ yếu là do gas rò rỉ, phát tán ra môi trường. Khi gặp tia lửa điện sẽ bắt cháy, gây ra hỏa hoạn. Bản thân các vỏ bình gas không phát nổ, nhưng quá trình gas phát tán ra không khí thường gây cháy nổ hết sức nghiêm trọng. Vậy nên, khi tuyên truyền cho người dân cảnh giác, phòng ngừa về nguy cơ cháy nổ do sử dụng gas để nấu ăn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN khuyến cáo phải thường xuyên giám sát thiết bị bếp gas và bình chứa gas, tránh việc để rò rỉ gas ra môi trường.

Với những nhà có sử dụng bếp gas khi đun, nấu thức ăn thì cần phải khóa van bình gas sau khi sử dụng. Và trước khi vào nhà cần để ý đến mùi gas, nếu phát hiện trong nhà rò rỉ gas thì phải mở cửa cho thông thoáng trước khi bật công tắc thiết bị điện, đề phòng tia lửa điện tử công tắc làm kích hoạt gas bốc cháy. Thêm nữa, phải thường xuyên để ý đến dây dẫn ống gas, thay thế những thiết bị quá cũ cũng như không sử dụng những vỏ bình gas mini chiếc nạp nhiều lần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tất cả các cơ sở muốn đăng ký kinh doanh phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứng nhận đảm bảo về PCCC, giấy phép kinh doanh khí hóa lỏng, giấy phép kinh doanh địa điểm… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại một số điểm kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát ở các khu dân cư, tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho xã hội. Kiểu hoạt động này được giới kinh doanh trong nghề gọi là “Gas Cream”.

Hiện trường sang chiết gas lậu tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang).

Phương thức thủ đoạn hoạt động của “Gas Cream” là tự in tờ rơi dán, phát ở các khu dân cư đông người để quảng cáo về việc cung cấp gas tại nhà. Hằng ngày, các đối tượng này sử dụng địa chỉ lưu trú ở các khu dân cư làm điểm tập kết khoảng trên dưới 10 bình gas trôi nổi, kém chất lượng, có giá trị thấp hơn giá thị trường để cung cấp tận nơi cho người dân nhằm hưởng lợi nhuận. Bản thân những người này không có chứng nhận nghiệp vụ PCCC, không có điểm chứa gas, không có kinh nghiệm tháo lắp và bảo trì bảo dưỡng thiết bị. Họ chỉ có xe máy vận chuyển vào khu dân cư và tiếp cận thị trường bán với giá rẻ hơn để hưởng tiền chênh lệch.

Để hiểu rõ hơn về hoạt động của kiểu kinh doanh này, phóng viên nhiều lần thực tế hiện trường, phát hiện ở khu vực gần chợ Hòa Khánh, âu thuyền Thọ Quang, các khu dân cư ở các tuyến phố Nguyễn Tri Phương, Lê Độ, Phan Châu Trinh… có hiện tượng “Gas Cream” hoạt động. Ghi nhận của phóng viên có tình trạng tập kết nhiều vỏ bình gas ở những nơi không đảm bảo về điều kiện PCCC.

Ngoài hiện tượng “Gas Cream”, điều đáng lo ngại là việc sang chiết gas từ bình lớn sang bình nhỏ để thu lợi bất chính. Theo quy định, các loại bình gas mini chỉ được dùng 1 lần, nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng vi phạm sang chiết nhiều lần vào những bình đã qua sử dụng để lén lút bán ra thị trường. Nếu người dùng sử dụng những bình gas loại này thì rất dễ dẫn đến cháy nổ vỏ bình gas.

Tại TP Đà Nẵng, ngày 27-9-2023, Công an xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) kiểm tra đột xuất trạm trung chuyển T.P trên địa bàn, phát hiện cơ sở đang sang chiết, nạp gas trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an bắt quả tang 5 người đang có hành vi sang chiết, nạp gas từ bình loại 36,8 - 37kg sang bình gas mini. Vụ việc sau đó được chuyển cho Công an huyện Hòa Vang xử lý theo thẩm quyền. Tại Hải Châu, trước đó (năm 2020), qua kiểm tra nhà số K1/2-Phạm Ngũ Lão (Đà Nẵng) lúc 9 giờ ngày 12-5, Công an phường Hải Châu 2 (Q. Hải Châu) phát hiện Lê Thị Thu Thảo (1993) đang sang chiết gas trái phép nên đã lập biên bản tạm giữ 1 bình gas loại 12kg, 50 vỏ bình gas mini, 19 bình gas mini đã chiết xong, 1 bộ dụng cụ sang chiết gas và 1 cân nhựa…

Đinh Nga (còn nữa)

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/an-hoa-khon-luong-tu-kinh-doanh-khi-hoa-long-trai-phep-post294923.html