Bài 1: Phát triển cụm công nghiệp: Từ chủ trương đúng đắn của Đảng đến quyết liệt trong triển khai thực hiện

Từ Nghị quyết của Đảng đến sự quyết liệt triển khai trong thực tế, cụm công nghiệp đã và đang góp sức vào công cuộc công nghiệp hóa nông thôn.

Chỉ đạo xuyên suốt qua nhiều Nghị quyết của Đảng

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là chủ trương xuyên suốt qua nhiều Nghị quyết của Đảng. Trong đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo TS. Bùi Xuân Dũng - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, một trong hai vấn đề chính trong nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trong giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở nông thôn.

Cụm công nghiệp đang tạo mặt bằng cho sản xuất công nghiệp ở nông thôn

Nội dung này gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ quản lý của Bộ Công Thương, trong đó có lĩnh vực cụm công nghiệp (CCN). Với chức năng là nơi sản xuất công nghiệp, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh, CCN “gánh” trên vai nhiệm vụ là mặt bằng sản xuất, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

Trên thực tế những năm qua, theo xu hướng phát triển của công nghiệp nông thôn (CNNT) các CCN “nở rộ” về số lượng. Tổng hợp số liệu từ Sở Công Thương và quy hoạch tỉnh của các địa phương thời kỳ 2021-2030, đến năm 2030, cả nước có 2.058 CCN với tổng diện tích hơn 92.800 ha.

Lũy kế đến hết năm 2023, cả nước đã thành lập 1.062 CCN với tổng diện tích hơn 39.700 ha. Trong đó, có 569 CCN (chiếm 53,6%) do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các CCN còn lại do Trung tâm phát triển CCN, Ban quản lý CCN cấp huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư.

Thống kê cũng cho thấy, vùng có tỷ lệ CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng cao là Đông Nam Bộ (69,1%), Tây Nam Bộ (65,4%), Trung du miền núi Bắc Bộ (64,2%), Đồng bằng Sông Hồng (60%). Ở chiều ngược lại, vùng có tỷ lệ doanh nghiệp làm chủ đầu tư thấp là Duyên hải miền Trung (36,6%), Tây Nguyên (14,9%).

Các địa phương trên cả nước đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với 1.032 CCN với tổng diện tích hơn 37.000 ha, đã phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với 757 CCN, tổng diện tích khoảng 26.500 ha.

Những đóng góp quan trọng trong thực tiễn

Sự phát triển nhanh chóng của CCN đều được các địa phương ghi nhận tầm quan trọng và đóng góp lớn vào sức phát triển công nghiệp nói chung, CNNT nói riêng tại địa phương. Bên cạnh bài toán kinh tế, các CCN còn góp phần ổn định an sinh xã hội khi thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, giúp người lao động “ly nông bất ly hương”, làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Cụ thể theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2023 cả nước có 705 CCN, tổng diện tích 23.400 ha đi vào hoạt động, chiếm 66,4% số CCN đã thành lập; thu hút gần 14.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh cả thể; đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 65,9%, tạo việc làm cho hơn 666.000 lao động, chủ yếu là lao động tại địa phương; 216 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động (chiếm 30,6% số cụm hoạt động, tăng 37 cụm so với năm 2022); tại các CCN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong CCN tự xử lý trước khi xả ra môi trường.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Logitex tại cụm công nghiệp Vũ Ninh, tỉnh Thái Bình

Ở góc độ địa phương, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Mai Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển CCN trong thời gian qua đã tạo điều kiện tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất, thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào CCN tại địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Hơn hết, các cơ sở sản xuất trong CCN đã tạo hàng chục nghìn việc làm cho lao động tại địa phương với mức lương bình quân từ 4,5-5,5 triệu đồng/người/tháng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế” - ông Võ Mai Hưng nói.

Các CCN đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thu hút được 430 dự án đăng ký đầu tư với diện tích 740,7ha, bình quân 1,7ha/dự án (so cả nước 1,3ha/dự án), chủ yếu là các ngành nghề thế mạnh của tỉnh. Trong đó, có 303 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 109 dự án đang triển khai và 18 dự án đang tạm ngừng hoạt động. Tổng vốn đầu tư của các dự án trong các CCN là 15.690,8 tỷ đồng, vốn thực hiện 7.962,8 tỷ đồng, đạt 50,7% với suất đầu tư bình quân 36,5 tỷ đồng/dự án (so cả nước 23,5 tỷ đồng/dự án)... phù hợp với mục tiêu đầu tư xây dựng CCN.

Với vai trò quan trọng đó, đến năm 2025 Bình Định tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các CCN, ít nhất mỗi địa phương từ 20-30ha/năm nhằm đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút đầu tư các dự án mới theo chủ trương của tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các CCN đã được thành lập, trong đó, ưu tiên bố trí 335,5ha đất phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong CCN.

Tỉnh sẽ thu hút và ưu tiên các doanh nghiệp đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật từ 8-10 CCN thành lập mới, mở rộng; thực hiện chuyển đổi mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN từ đơn vị sự nghiệp nhà nước (đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ hạ tầng kỹ thuật từ ngân sách nhà nước) sang doanh nghiệp làm chủ đầu tư và xử lý tài sản công đã đầu tư.

Thêm nữa, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN phải lập kế hoạch, tổ chức thực hiện xúc tiến đầu tư và thu hút ít nhất 2 dự án/năm trở lên. Tỉnh sẽ phấn đấu tỷ lệ lấp đầy đạt 75% diện tích đất công nghiệp cho thuê tại các CCN vào năm 2025. Và số lượng CCN đi vào hoạt động có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định đến năm 2025 đạt 100%.

Tương tự tỉnh Bắc Giang, được đánh giá là địa phương thuộc top đầu khu vực phía Bắc trong phát triển CCN. Tính đến hết năm 2023, tỉnh đã thành lập 54 CCN, tổng diện tích 2.254ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng khoảng 17.603 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn của doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng. Hiện đã có 35 CCN đi vào hoạt động, tổng diện tích 1,254ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 601ha.

Khẳng định các CCN đã và đang là thành phần quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội cho tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Các dự án sản xuất công nghiệp trong CCN đã thu hút được hơn 45.000 lao động. Riêng các doanh nghiệp ngành may mặc sử dụng số lao động tương đối lớn từ 2.000 - 7.000 người, góp phần tạo việc làm cho địa phương có CCN, giảm áp lực cho các khu vực tập trung khu công nghiệp lớn như Quang Châu, Vân trung, Song Khê - Nội Hoàng.

Cụm công nghiệp với vai trò tạo mặt bằng sản xuất đã đồng hành cùng các địa phương phát triển sản xuất công nghiệp ở nông thôn, chung tay thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo định hướng của Đảng.

Bài 2: Bộ Công Thương nỗ lực "xây nền chính sách" cho phát triển cụm công nghiệp

Hải Linh - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-phat-trien-cum-cong-nghiep-tu-chu-truong-dung-dan-cua-dang-den-quyet-liet-trong-trien-khai-thuc-hien-315046.html