Bài 1: Món quà quý nhất với Bác Hồ

'Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích Thi đua ái quốc...' - đó là câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 6/1949 khi một nhà báo đặt câu hỏi về món quà quý nhất tặng Người nhân dịp sinh nhật.

75 năm - vang mãi lời hiệu triệu thi đua của Bác

Tháng 6 này là tròn 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023). 75 năm đã trôi qua nhưng lời kêu gọi thi đua của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, luôn là lời hiệu triệu, lôi cuốn, động viên, thôi thúc người dân Việt ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào công cuộc dựng xây, bảo vệ đất nước. Nhân dịp này, Báo Nhà báo & Công luận có loạt bài viết: 75 năm - vang mãi lời hiệu triệu thi đua của Bác.

Thi đua để “giúp dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”

Tháng 8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, kết thúc chế độ thuộc địa gần 100 năm của thực dân Pháp và phát xít Nhật trên mảnh đất hình chữ S. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Nước Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, trở thành một nước tự do và độc lập, nhân dân lao động được giải phóng thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than, trở thành công dân của một nước tự do, độc lập.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc tại Hà Nội ngày 23/5/1957. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc tại Hà Nội ngày 23/5/1957. Ảnh: TTXVN

Nhưng bên cạnh niềm vui lớn lao ấy, là muôn vàn thử thách cam go: thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt. Việc xây dựng chính quyền bảo vệ thành quả cách mạng ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Bối cảnh gian lao ấy, đòi hỏi nhất là ở lòng người, ở sự quyết tâm. Nhận diện rõ điều đó, cũng là để khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.

Ngày 01/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban. Nội dung Sắc lệnh gồm 6 Điều, quy định thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến khu, tỉnh, huyện, xã và thành phần của Ban Vận động, đồng thời cũng quy định nhiệm vụ của Ban vận động thi đua ái quốc các cấp.

Nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc,động viên đồng bào, chiến sỹ phát huy truyền thống yêu nước thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước “Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Kiến quốc nhất định thành công”. Theo Người, thi đua ái quốc sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi khó khăn cùng mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Lời “hịch” giàu sức thuyết phục

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch thực sự là một lời “hịch” giàu sức thuyết phục với cách viết ngắn gọn, rành mạch, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, mộc mạc… hàm chứa nhiều tư tưởng lớn về thi đua ái quốc. Chỉ trong một dung lượng từ vựng không quá lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện, những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện từ một phong trào thi đua yêu nước, từ mục đích đến vai trò, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng, kết quả và sức lan tỏa của phong trào thi đua ái quốc.

 Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Chỉ với 10 từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ sự phân tích đánh giá sâu sắc về ba “nạn” – nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm – đang đe dọa sự sống còn của chính quyền cách mạng vừa mới ra đời còn non trẻ. và đề xuất ba nhiệm vụ cấp bách phải tập trung giải quyết là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, phải tập trung diệt giặc đói trước để lo cho cuộc sống của người dân “muốn làm được việc lớn cần “ấm cái bụng”. Tiếp đến là diệt giặc dốt để làm cho “Toàn dân biết đọc, biết viết”, chỉ có như vậy mới lao động sản xuất và đánh giặc ngoại xâm được. Khi đã có ăn, có cái chữ rồi chúng ta có sức mạnh và nhanh chóng đánh được thực dân Pháp.

Sau mục đích là “cách thi đua”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cụ thể và ngắn gọn với 8 từ: “dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”.

Về đối tượng của phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”. Người yêu cầu thi đua với tinh thần khẩn trương và hiệu quả không phải làm cho mau mà không chú ý đến chất lượng, làm cho mau nhưng mà phải đảm bảo chất lượng tốt, đồng thời tạo ra nhiều của cải cho xã hội “làm cho nhiều”.

Đặc biệt, trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhớ ngay tới: “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”; “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Như vậy lực lượng thi đua là rất đông đảo không phân biệt thành phần, lứa tuổi ngành nghề “bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ”… Tất cả đều có trách nhiệm tham gia vào phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực với tinh thần vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Người khẳng định: “Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân”.

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới “thành quả” của thi đua là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”.

Cũng trong ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết thư biểu dương nhiều tấm gương tiêu biểu như chiến sĩ Trần Văn Diên là “anh hùng đánh địa lôi”; cụ Nguyễn Văn Đản, “người đã có tuổi, mà vẫn chịu khó học, thi đỗ nhất trong giới phụ lão”; chị Phạm Thị Phượng, người đã tích cực trong việc học bình dân học vụ; chị Phạm Thị Tỵ - người đã đứng thứ nhì trong kỳ thi quốc ngữ.

Một năm sau đó, ngày 11/6/1949, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Cứu quốc, trả lời câu hỏi về việc nhân dân kỷ niệm sinh nhật Bác, Bác Hồ đã nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích Thi đua ái quốc như: bộ đội, dân quân thi đua giết giặc; đồng bào thi đua tăng gia sản xuất và học tập; các nhân viên chính quyền và đoàn thể thi đua sửa đổi lối làm việc; đồng bào điền chủ thi đua giảm địa tô và quyên ruộng; chị em phụ nữ thi đua tình nguyện góp quỹ tham gia kháng chiến; các cháu nhi đồng cũng hăng hái thi đua; đồng bào trong vùng địch thì thi đua kháng chiến một cách âm thầm nhưng oanh liệt; đồng bào hải ngoại cũng thi đua kháng chiến bằng nhiều hình thức”. Người nói thêm: “Nhưng tôi chắc món quà ấy mới là một phần nhỏ, đồng bào và chiến sĩ ta còn tiếp tục cố gắng, tôi sẽ nhận được món quà to hơn nhiều nữa, món quà đó tên là: Tổng phản công thắng lợi hoàn toàn”.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-1-mon-qua-quy-nhat-voi-bac-ho-post247228.html