Bài 1. Kỳ tích Bản Phố

Trong cuộc trốn chạy thoát nạn diệt vong, người Mông đã tìm đến vùng đất phương Nam và định cư ở những vùng núi cao hiểm trở. Ở nơi đất lành, người Mông đã đồng cam cộng khổ, gắn bó máu thịt trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng chiến đấu chống lại kẻ thù, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Ngày nay, với những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của cộng đồng người Mông đã và đang đổi thay…

Người Mông ơn Đảng

“Từ năm 1959, với sự săn sóc của Đảng và Chính phủ ta, đồng bào Mèo đã có chữ viết của dân tộc mình. Ở tỉnh Lào Cai có hơn 70 xã Mèo. Năm 1959, sau khi mới có chữ Mèo, chỉ có một người biết đọc, biết viết. Hiện nay, có hơn 300 cán bộ và thầy giáo dạy chữ Mèo và hơn 5.900 người Mèo học các lớp.

Đó là một thắng lợi mới về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta và thắng lợi đầu tiên của đồng bào Mèo về mặt văn hóa. Có thắng lợi đó là do Tỉnh ủy Lào Cai lãnh đạo thiết thực, do đồng bào Mèo cố gắng học hành và đồng bào xã Bản Phố đã tiến bộ khá nhất”.(*)

Trích bài báo “Một thắng lợi mới” của Bác Hồ đăng trên báo Nhân dân, số 3149, ngày 8/11/1962.

Đến lớp học theo ánh lửa của trái tim

Năm nay đã 68 tuổi, nhưng ông Lý Xuân Diu, ở thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà vẫn không quên hình ảnh lớp bình dân học vụ hơn nửa thế kỷ trước trên quê hương mình. Ngày đó, nhà ông ở thôn Quán Dín Ngài (nay là thôn Háng Dù). Mới hơn 10 tuổi, tối tối cậu bé Diu lại theo bố là ông Lý Seo Giả men theo triền đồi ghập ghềnh và lập lòe ánh đuốc đến lớp học của thầy giáo Phạm Văn Tuấn, người Bắc Ninh về dạy học. Ông Lý Seo Giả đã là cán bộ xã nhưng không biết chữ, vì vậy khi có phong trào bình dân học vụ, ông tích cực tham gia.

Ông Lý Xuân Diu cho biết công tác khuyến học của dòng họ Lý.

Theo lời kể của ông Diu, lớp học này chỉ có vài người, bàn ghế tận dụng từ mọi vật dụng; đường đến lớp luôn cận kề với hiểm nguy từ thú rừng và phỉ, nhưng không vì thế ngăn cản khát vọng biết chữ của người Mông Bản Phố. Từ lớp học đầu tiên này đã có người đi học chữ Mông để về dạy tiếng Mông cho mọi người.

“Những năm qua, tỷ lệ chuyên cần của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Bản Phố luôn đạt trên 97%, tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 99%, số học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%. Giai đoạn 2017 - 2020, nhà trường có 1 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 13 học sinh giỏi cấp huyện và 57 học sinh giỏi cấp trường...”

Thầy giáo Ngô Xuân Thành

(Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Bản Phố)

Lịch sử Đảng bộ xã Bản Phố ghi: “Sự nghiệp văn hóa - xã hội ở Bản Phố giai đoạn 1954 - 1960 đạt được bước tiến bộ rõ rệt, trước khi thành lập Trường PTCS Bản Phố, thời gian này, phong trào bình dân học vụ khá phát triển, phần lớn cán bộ đến hoạt động và tăng cường xuống chỉ đạo xã đều thực hiện bình dân học vụ cho nhân dân với phương châm người biết nhiều dạy cho người biết ít, 1 lớp vỡ lòng và 1 lớp bình dân học vụ. Thời gian học tập chủ yếu vào các buổi tối và tại thôn Quán Dín Ngài hiện nay…”.

Bức ảnh về những người tham gia lớp bình dân học vụ hơn nửa thế kỷ trước ở Bản Phố, trong đó có bố ông Diu, luôn được ông gìn giữ như báu vật.

Sự quan tâm chăm lo của Đảng và tinh thần hiếu học của người dân xã Bản Phố đã viết lên kỳ tích là xã người Mông đầu tiên xóa xong nạn mù chữ, được Ủy ban Hành chính tỉnh tặng Cờ. Năm 1962, Bác Hồ có bài viết “Một thắng lợi mới” đăng trên Báo Nhân dân để khen ngợi phong trào học tập ở Bản Phố. Sau khi khen ngợi, Bác nêu: “Mong rằng đồng bào các xã miền ngược thi đua với Bản Phố trong công việc xóa nạn mù chữ, đồng bào Bản Phố thì nên thi đua học bổ túc văn hóa để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết của mình…”. Bác cũng căn dặn cán bộ miền xuôi lên công tác ở miền ngược: “… Nếu không biết tiếng địa phương thì như nửa câm, nửa điếc khó gần gũi quần chúng. Cho nên, cán bộ miền xuôi lên công tác ở miền ngược cần phải học tiếng địa phương…”.

Phát huy truyền thống hiếu học

Có lẽ, trong những ngày theo cha đến lớp bình dân học vụ hằng đêm, tinh thần hiếu học đã thấm sâu vào cậu bé Diu, tạo động lực để cậu học tập và trở thành thầy giáo Lý Xuân Diu sau này.

Tương tự, cũng từ những lớp tiếng Mông cách đây nửa thế kỷ, ông Thào Seo Sùng (sinh năm 1949, hiện ở thôn Kháo Sáo) đã trưởng thành, nhập ngũ và theo học văn hóa, khi về địa phương ông tiếp tục công tác, trở thành Chủ tịch UBND xã Bản Phố. Ông nghỉ hưu năm 2004. Ông Sùng nói rằng, thời kỳ phong kiến, cả xã Bản Phố chỉ có con của lý trưởng, thủ lĩnh và 2 gia đình giàu có mới được đi học ở Bắc Hà, còn lại đều mù chữ. Nhưng sau ngày giải phóng Lào Cai, nhờ có Đảng, có Bác Hồ, các lớp bình dân học vụ mở ra, đa số dân nghèo mới có cơ hội đến trường học tập, mở mang tri thức.

Ông Thào Seo Sùng (bên phải) kể về những ngày học lớp tiếng Mông.

Đồng chí Lý Seo Sùng, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phố tự hào: Tinh thần hiếu học là cái gốc, lại được Đảng và Nhà nước chăm lo nên con em địa phương luôn tích cực học tập, lập thân, lập nghiệp. Từ mảnh đất này, nhiều người con Bản Phố đã trưởng thành, nhiều người trở thành những cán bộ cốt cán, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, như cố Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; bà Giàng Thị Mỷ, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Lý Seo Chúng, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; bà Lý Thị Xé, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa); bà Lý Thị Phổng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát…

“Xã Bản Phố hiện có khoảng 150 em đang theo học và đã tốt nghiệp đại học, bình quân hằng năm có khoảng 30 em thi đỗ đại học”.

Đồng chí Lý Seo Sùng, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phố

Xã Bản Phố cũng là địa phương đầu tiên trong huyện Bắc Hà thành lập dòng họ Lý hiếu học. Đến nay, dòng họ Lý đã có 27 người học đại học, 2 người có trình độ thạc sỹ; tổng số có 72 con cháu có học vấn từ trung cấp trở lên, chiếm 9,9% dân số trong dòng họ. Một điều đặc biệt nữa trong lĩnh vực giáo dục, giáo viên là con em dòng họ Lý ở Bản Phố đang có số lượng lớn nhất trong số các dòng họ ở huyện Bắc Hà. Ông Lý Xuân Diu, Trưởng dòng họ Lý ở Bản Phố cho hay: Các cụ cao tuổi trong dòng họ thường dạy bảo con cháu biết noi gương tổ tiên, cách làm người nhân nghĩa, có chí cầu tiến, tinh thần cầu thị… Từ những lời răn dạy này, con cháu trong dòng họ luôn ghi nhớ và thực hiện để giữ gìn và phát huy truyền thống tổ tiên để lại.

Công tác khuyến học, khuyến tài ở Bản Phố được quan tâm từ các gia đình, các dòng họ đến cộng đồng. Xã hiện có 18 chi hội khuyến học với hơn 850 hội viên, chiếm 21,6% dân số của địa phương. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, xã có 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia; trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường và tạo điều kiện thuận lợi để học tập. Tại vị trí lãnh đạo địa phương đọc bài báo của Bác Hồ biểu dương tinh thần học tập chống nạn mù chữ của người Mông ở Bản Phố năm 1962, nay là điểm trường thuộc Trường Tiểu học Bản Phố. Điểm trường này có hơn 90 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 dành cho con em 4 thôn xa nhất xã là Háng Dê, Hấu Dào, Bản Phố 1 và Trung La đến học tập.

“Hằng năm, Đảng ủy xã đều có nghị quyết lãnh đạo công tác giáo dục, trên cơ sở đó, chi bộ các nhà trường cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch triển khai nhiệm vụ cụ thể, phù hợp tình hình thực tế” - Bí thư Đảng ủy xã Lý Seo Sùng nói.

Ngay nay, công tác giáo dục ở Bản Phố luôn được quan tâm, coi trọng.

Minh chứng sinh động hơn cho sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bí thư Sùng dẫn chúng tôi “mục sở thị” công tác giáo dục và đào tạo tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã. Thầy giáo Phó Hiệu trưởng Ngô Xuân Thành chia sẻ: Chi bộ tích cực tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về phát triển giáo dục; hằng năm Ban Giám hiệu tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân trên địa bàn về các vấn đề giáo dục, xã hội hóa trong nhà trường, tạo sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục đào tạo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Phố những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

“Vào dịp tết Thanh minh và dịp lễ giải hạn cho dòng họ, các cụ cao tuổi trong dòng họ thường dạy bảo con cháu biết noi gương tổ tiên, cách làm người nhân nghĩa, có chí cầu tiến, tinh thần cầu thị theo phương châm “Đáng khâm phục nhất của đời người là ý chí vươn lên; tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe; lễ vật lớn nhất đời người là khoan dung, độ lượng; thất bại lớn nhất của đời người là tự cao, tự đại, ích kỷ”… Từ những lời răn dạy này, con cháu trong dòng họ luôn ghi nhớ và thực hiện để giữ gìn và phát huy truyền thống tổ tiên để lại”.

Ông Lý Xuân Diu, Trưởng dòng họ Lý ở xã Bản Phố

Dẫu còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tinh thần hiếu học chính là hành trang quý giá để con em người Mông ở Bản Phố tích cực học tập, nâng cao trình độ. Bài báo Bác Hồ khen ngợi thành tích xóa mù chữ của Bản Phố năm xưa là lời nhắn nhủ, mong muốn của Bác đối với đồng bào dân tộc Mông. Ngày nay vẫn luôn là nguồn động lực to lớn để cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc Mông xã vùng cao Bản Phố thi đua học tập, rèn luyện xứng đáng với sự tin yêu của Người.

(*) Trích bài báo “Một thắng lợi mới” của Bác Hồ đăng trên báo Nhân dân, số 3149, ngày 8/11/1962.

Bài 2: Chuyện đánh Pháp trên đỉnh Khau Co

Thành Phú - Phạm Sơn - Phạm Đức

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/giai-bua-liem-vang/bai-1-ky-tich-ban-pho-z91n20201007162132427.htm