Bài 1: Các giải pháp tài khóa chưa từng có tiền lệ

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Những chính sách hỗ trợ trong giai đoạn vừa qua cho thấy sự thận trọng và chặt chẽ của Chính phủ trong công tác điều hành, đồng thời vẫn phát huy được vai trò quan trọng trong duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục của hệ thống doanh nghiệp.

Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chưa từng có tiền lệ

Nhìn lại giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kéo dài đã gây ra những tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước. Thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp phải đứng trước những thách thức chưa từng có. Không những vậy, những khó khăn này đã kéo dài đến cả thời điểm hiện tại với các hệ lụy không nhỏ tác động tới doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong giai đoạn khó khăn này, thông điệp “Doanh nghiệp - động lực phát triển kinh tế của Đất nước” luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và là mục tiêu, định hướng trong hầu hết các chính sách. Chính vì vậy, đầu năm 2022, các giải pháp hỗ trợ lớn chưa từng có tiền lệ đã được triển khai thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 do Quốc hội ban hành, với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Theo đó, Quốc hội giao các bộ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 17 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện ngay từ quý I/2022, nhất là những chính sách hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, các cấp, ngành ở trung ương và địa phương đã tuyên truyền, phổ biến thông tin nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về các chính sách của Chương trình để thực hiện hiệu quả, sớm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã có 3 công điện đôn đốc, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành 20 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.

Có thể khẳng định, đây là nỗ lực rất lớn khi nhiều chính sách có nội dung mới, chưa từng có tiền lệ nhưng đã được nghiên cứu, xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được đánh giá kỹ lưỡng tác động ở nhiều chiều trước khi ban hành. Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu “khoan thư sức dân”

Theo thống kê, các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị Chương trình phục hồi. Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành, để vừa đảm bảo dự toán thu ngân sách, vừa đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán Quốc hội phê duyệt, chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh và chi an sinh xã hội.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã xây dựng nhiều chính sách nhằm “khoan thư sức dân” trong khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như những thách thức, khó khăn chung của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (như gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, với nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 196 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng).

Có thể thấy, những chính sách này đã được xây dựng, đề xuất dựa trên quan điểm: Bộ Tài chính luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp. Thông qua các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

Dành lời khen cho sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sức mạnh trong việc thực hiện chính sách tài khóa đến từ việc Chính phủ, Bộ Tài chính đã duy trì một lập trường tài khóa linh hoạt, hiệu quả khi thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí. Nhưng cái được lớn hơn là doanh nghiệp phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và quay trở lại đóng góp cho nguồn thu ngân sách. Nhiều chính sách hỗ trợ tiếp tục được duy trì và chính sách tài khóa vẫn được coi là bệ đỡ, là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Đất nước.

Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế suất thuế GTGT áp dụng trong năm 2022 và nửa cuối năm 2023, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), trong các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế, các biện pháp hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa đóng một vai trò hết sức quan trọng. Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, Chính phủ với sự tham mưu tích cực của Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách tài khóa tiếp sức cho doanh nghiệp ngay từ năm 2020 khi đại dịch này xuất hiện và các năm 2021, 2022, 2023. Trong khi các giải pháp về tiền tệ có độ trễ nhất định, các giải pháp tài khóa hầu hết đều có tác dụng trực tiếp, ngay lập tức như chính sách giảm thuế GTGT, giảm thuế BVMT với xăng dầu… Đặc biệt, các chính sách này sau khi được Chính phủ, Quốc hội thông qua đã được Bộ Tài chính triển khai rất nhanh, kịp thời với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa.

“Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các chính sách được triển khai với mục tiêu tăng sức chống chịu cho nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được trong bối cảnh khó khăn. Khi dịch bệnh giảm dần, chính sách tài khóa được thiết kế với mục tiêu dài hơi hơn, hỗ trợ, kích thích phục hồi kinh tế thông qua việc thúc đẩy cả cung và cầu. Thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao”, ông Nguyễn Văn Thân chia sẻ.

Linh Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-1-cac-giai-phap-tai-khoa-chua-tung-co-tien-le.html