Bạch Mã và những dự định dở dang

Trong trào lưu 'quy hoạch xây dựng cáp treo' nở rộ tại Fansipan, Phú Quốc và Quảng Bình đưa khách đại trà vào các vùng lõi sinh thái, dự án tại Vườn quốc gia Bạch Mã cũng đề xuất một hệ thống cáp treo kéo từ khu cơ sở lên đỉnh núi...

Khi nhiều người nhốn nháo đi tìm một không gian hợp lý đối phó với việc cắt điện luân phiên giữa những ngày nhiệt độ tăng cao kỷ lục gần đây, đoàn 30 người chúng tôi đến Vườn quốc gia Bạch Mã với lời hứa hẹn tận hưởng món quà ưu đãi của thiên nhiên về một không gian mát mẻ, trong lành, nơi chỉ cách trung tâm thành phố Huế khoảng 50 cây số.

Một ngày trong vườn quốc gia

Sau khi mua vé tại cổng với giá 60 ngàn đồng/người, chúng tôi di chuyển lên cao hơn bằng xe chuyên dụng trên con đường đổ bê tông dài khoảng chục cây số với nhiều khúc quanh co và nhiều đoạn đường xuống cấp. Cậu hướng dẫn đoàn cho biết trong khi du khách nước ngoài thường đi bộ từ cổng vườn lên đỉnh, khoảng 20 cây số, thì du khách Việt và đoàn đông người đều thuê xe máy hoặc xe chuyên dụng lên lưng chừng đến một khu chuyển tiếp. Nơi đây có nhiều biệt thự bỏ hoang, bắt đầu hành trình leo bộ lên đỉnh Bạch Mã.

Vì đoàn có người cao tuổi, trẻ em và nhiều người lần đầu đi trekking nên chúng tôi đi xe nửa đoạn đường rồi mới đi bộ. Đoạn đường lên đỉnh được đổ bê tông mỏng sạch sẽ, xuyên qua một số địa điểm đáng chú ý, như hệ thống địa đạo mà bộ đội Việt Nam từng dùng trong chiến tranh, hay khu bãi đáp trực thăng và một số khuôn viên riêng tư của các biệt thự xưa. Người hướng dẫn là một nhân viên của vườn quốc gia giới thiệu cho chúng tôi hàng loạt thực vật và côn trùng độc đáo làm nên nét riêng biệt của vườn.

Không tới một tiếng đồng hồ chúng tôi đã lên đến Vọng Hải Đài, ở độ cao xấp xỉ 1.450m. Nơi này hiện là điểm check-in nổi tiếng trong giới trẻ. Một quả chuông, một cột mốc, hệ thống bậc thang và hai tượng ngựa trắng đã được thêm vào quần thể xưa vốn chỉ có một tòa tháp để ngắm nhìn núi đồi, hồ biển, vịnh bãi cát trắng trải dài phía xa. Cảnh vật khiến cả đoàn tốn cả giờ đồng hồ để ngắm nhìn, chụp hình, check-in.

Vọng Hải Đài ở độ cao xấp xỉ 1.450m xây bằng đá, hiện được sử dụng như một trạm nghỉ chân tránh mưa nắng.

Sau bữa trưa, chúng tôi men theo tuyến đường mòn về hướng Ngũ Hồ dài hơn 2 km xuống núi. Đường đi không quá khó vì đã có những hệ thống hỗ trợ như bậc thang, dây bám, tuy nhiên vẫn có vài đoạn với địa hình thách thức người lần đầu tham gia, như những đoạn dốc trơn, leo vách đá, lội qua suối hay vượt qua những tảng đá có rêu. Thời gian di chuyển không quá 30 phút nhưng có thể bạn sẽ tốn mấy tiếng đồng hồ vì bị khung cảnh tự nhiên níu chân.

Hành trình đi qua Ngũ Hồ là men theo dòng suối chảy thông nhau giữa 5 hồ nước nhỏ, hình thành nhờ địa hình suối chảy tự nhiên từ cao xuống thấp qua các vách đá. Nước hồ trong vắt, mát lạnh. Du khách thường dừng chân tại một trong những chiếc hồ này để ăn nhẹ, ngâm chân, tắm suối, thư giãn.

Anh hướng dẫn giải thích khi được tìm ra, vùng rừng nguyên sinh ở đây còn rất rộng, với hơn 2.000 loài thực vật, hơn 1.700 loài động vật đa dạng độc đáo, thảm thực vật phát triển ổn định. Nhưng sau khi bị chất độc hóa học hủy diệt, rồi đến nạn khai thác gỗ, đất rừng làm rẫy trong thời gian dài, hiện diện tích rừng nguyên sinh còn ít, chủ yếu là rừng tái sinh, rừng phục hồi.

Nhiệt độ và độ ẩm tại Vườn quốc gia Bạch Mã tương đối ổn định nhờ vị trí địa lý thuận lợi, địa hình núi cao, lớp phủ thực vật dày với nhiệt độ trung bình trong năm 16 - 220C. Thời tiết có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Lý tưởng và an toàn để tổ chức các hoạt động dã ngoại là vào mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 4, trong khi mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển và nhiều rủi ro khi trekking xuyên rừng.

Đường đi xuyên qua khu vực Ngũ Hồ với 5 hồ nhỏ.

Vườn quốc gia Bạch Mã nằm trong danh sách các khu vực bảo tồn tự nhiên lớn và quan trọng nhất tại Việt Nam. Rất nhiều loại thực vật, côn trùng, bò sát và cá được phát hiện tại vườn, đăng ký mang tên gốc Bạch Mã. “Năm nào cũng có chục đoàn về đây thực địa và nghiên cứu”, một bảo vệ của vườn kể. Nhiều mẫu thực vật quý cũng được đưa ra các viện nghiên cứu trung ương tìm hiểu và nhân giống. Sự đa dạng này giúp vườn tổ chức thêm các tour chuyên sâu như ngắm, chụp hình và nghiên cứu chim chóc, voọc chà vá chân nâu, các loại côn trùng và thực vật độc đáo trong vườn.

Chỉ về dòng thác mang tên Đỗ Quyên cao khoảng 300m sau khi chúng tôi kết thúc đoạn qua Ngũ Hồ, anh hướng dẫn nói khi mùa xuân đến, dòng thác trông như một bức họa khổng lồ giữa đất trời, nổi bật giữa thảm hoa nhiều màu sắc nở rộ hai bên...

Những kế hoạch bỏ dở

Ngày xưa người Pháp đã có kế hoạch xây dựng nơi đây thành khu bảo tồn thiên nhiên khi phát hiện ra loài gà lôi trắng xuất hiện trong vùng từ năm 1925.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi chính thức được phê duyệt, vùng rừng núi này đã thu hút sự chú ý của kỹ sư trưởng Sở Công chánh Trung kỳ, Michael Girard, khi ông được giao nhiệm vụ “tìm nơi xây dựng khu nghỉ dưỡng cho quan chức Pháp đang làm việc ở kinh đô Huế”, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Trong thập niên 30 của thế kỷ trước con đường mòn và đề án quy hoạch khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi này chính thức thành hình. Khi Thế chiến thứ II kết thúc, 130 căn biệt thự bằng đá và gỗ lần lượt được xây dựng trên các đỉnh núi. Người lớn tuổi tại Huế vẫn còn kể chuyện ngày xưa người thân và họ hàng từng được thuê vác đá và vật liệu lên núi để xây dựng những biệt thự này.

Năm 1986, Chính phủ Việt Nam thành lập khu rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân và năm 1991 thì thành lập vườn quốc gia. Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên đưa Bạch Mã vào danh sách vùng sinh thái ưu tiên bảo vệ tại Đông Dương. Cách đây 10 năm, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế có ý định xây dựng dự án khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Bạch Mã, tổng diện tích gần 400 ha, chia làm hai khu vực. Khu trạm cơ sở 100 ha nằm ở vùng đệm chân núi, làm nơi tiếp đón khách và các dịch vụ. Khu vực đỉnh Bạch Mã chiếm hầu hết khu vực đỉnh núi khoảng 300 ha, dành cho các hoạt động dã ngoại, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng, gồm cả khu tâm linh có chùa lớn và lễ hội hành hương. Tham vọng đón 1 triệu người/năm vào năm 2030.

Một bảng gỗ trong vườn nhắc nhở du khách về thái độ ứng xử với thiên nhiên.

Trong trào lưu “quy hoạch xây dựng cáp treo” nở rộ tại Fansipan, Phú Quốc và Quảng Bình đưa khách đại trà vào các vùng lõi sinh thái, dự án tại Vườn quốc gia Bạch Mã cũng đề xuất một hệ thống cáp treo kéo từ khu cơ sở lên đỉnh núi. Theo Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, mật độ xây dựng tại khu trạm cơ sở khoảng 5% và khu vực đỉnh Bạch Mã khoảng 2%. Song song đó, khoảng chục biệt thự cũ được trùng tu, hoặc nền cũ được xây dựng lại, đưa vào làm các phòng nghỉ đơn và tập thể, các nhà hàng, điểm đón khách tham quan.

Các khảo sát ban đầu đã được thực hiện và đưa ra lấy ý kiến, song gặp rất nhiều phản đối từ giới bảo vệ môi trường do lo ngại việc xây dựng và đưa khách vào đại trà sẽ phá hủy môi trường, gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của vườn quốc gia.

Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các bước tiếp theo xây dựng dự án khu du lịch tâm linh nghỉ dưỡng không được nhắc tới. Vườn phải đóng cửa trong 3 năm. Từ đầu năm 2023, vườn quốc gia thông báo khai thác 4 biệt thự làm nhà nghỉ, một khu cắm trại và dịch vụ ăn uống. Khi chúng tôi ghé thăm, du khách khá ít dù là ngày cuối tuần, các biệt thự cũng ngưng đón khách. Ông bảo vệ nói rằng gần đây chủ yếu chỉ có mấy đoàn nghiên cứu động thực vật đến thực địa.

Hy vọng trận đại dịch cũng giúp các nhà quản lý, khai thác vườn học được bài học về xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững, kiềm chế lòng tham về lợi nhuận, doanh thu mà chú ý hơn đến yếu tố bảo tồn, gìn giữ.

Bài và ảnh: Ninh Hạ

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bach-ma-va-nhung-du-dinh-do-dang-40484.html