Bạch hầu - Bệnh dễ lây và nguy hiểm

Bạch hầu (Diphtheria) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do một loài trực khuẩn gây ra.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Tác nhân gây bệnh tấn công vào hệ thống niêm mạc hầu họng và tiết ra độc tố có khả năng đi vào máu làm tổn thương tim và hệ thống thần kinh gây tử vong (khoảng 20%) nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Dễ thành dịch

Bệnh bạch hầu đã được thầy thuốc Hippocrate - Thủy tổ Y học Thế giới mô tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Tuy nhiên, mãi đến năm 1883 - 1884 các nhà vi sinh vật mới xác định được vi khuẩn gây bệnh và đến cuối thế kỷ thứ XIX mới chế tạo được kháng độc tố bạch hầu.

Tác nhân gây bệnh bạch hầu là loài trực khuẩn có tên Corynebacterium Diphtheriae. Loài vi khuẩn này rất dễ lây lan và có khả năng gây bùng nổ thành những đợt dịch nghiêm trọng.

Trực khuẩn bạch hầu thuộc nhóm vi khuẩn gram dương, hiếu khí. Khi soi dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn chúng có dạng hình que thẳng hoặc cong nhẹ, không di động, không có vỏ và cũng không sinh bào tử.

Trong tự nhiên, Corynebacterium Diphtheriae tồn tại dưới 3 dạng Gravis, Mitis và Intermedius, song chỉ những loại vi khuẩn nào có khả năng sinh ra ngoại độc tố thì mới gây ra bệnh cảnh nghiêm trọng.

Vi khuẩn của người bệnh từ các giọt bắn nhỏ li ti khi ho, hắt hơi, chảy mũi xâm nhập trực tiếp vào đường hô hấp trên của người lành qua mũi, miệng rồi tấn công vào các lớp niêm mạc mũi, hầu họng và các xoang cạnh mũi. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu còn có thể lây gián tiếp qua các vật dụng nhiễm bệnh từ chất bài tiết của bệnh nhân.

Thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 5 ngày hoặc lâu hơn tùy điều kiện phát triển và số lượng vi khuẩn bị nhiễm. Nếu người khỏe mạnh chưa được chủng ngừa phòng tránh bệnh, tức là chưa có miễn dịch thì sẽ mắc bệnh bạch hầu.

Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có khả năng sản sinh ra một loại độc tố mà trong chuyên môn gọi là ngoại độc tố (external toxin). Ngoại độc tố của trực khuẩn gây bệnh bạch hầu có độc tính và khả năng xâm nhập rất mạnh, gây thương tổn cho nhiều bộ phận trong cơ thể. Điển hình nhất là các tổn thương ở tim, hệ thống thần kinh và thận.

Do tính chất nghiêm trọng của bệnh mà từ năm 1984, việc tiêm phòng bệnh bạch hầu cho trẻ nhỏ được đưa vào Chương trình tiêm chủng quốc gia mang tính chất bắt buộc. Đây là một trong 6 bệnh cơ bản cần tiêm phòng ở trẻ nhỏ, gồm: Lao - bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt và sởi.

Nhờ đó mà tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu giảm từ 84,4/100 nghìn dân (năm 1984) xuống còn 0,04/100 nghìn dân (năm 2005). Nhìn chung, sau hơn 20 năm đầu thực hiện Chương trình tiêm chủng quốc gia, bệnh bạch hầu đã được khống chế một cách rõ rệt. Tỉ lệ mắc bệnh rất thấp, chỉ xảy ra rải rác và hiếm. Tuy nhiên, vẫn có những thời điểm bệnh lại bùng nổ thành dịch cục bộ tại một địa phương nào đó.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Tiêm vắc-xin để phòng tránh

Các biểu hiện chính của bệnh là ho, sốt, khàn tiếng, đau họng, chán ăn, nổi hạch cổ, sưng nề vùng dưới hàm, yếu người và có hiện tượng viêm nghiêm trọng ở niêm mạc bị vi khuẩn xâm nhập. Điển hình cho sự tổn thương niêm mạc vùng hầu họng là sự xuất hiện của lớp giả mạc có màu trắng ngà, dày dai và có khả năng bám rất chặt.

Lớp giả mạc này có khả năng lan rất nhanh, trùm kín toàn bộ bên trong vùng mũi họng và thanh khí quản gây cản trở hô hấp và thậm chí là tắc nghẽn hô hấp và suy hô hấp. Tuy hiếm, nhưng hiện tượng giả mạc còn có thể thấy ở những vùng niêm mạc khác ngoài đường hô hấp như ở niêm mạc mắt, niêm mạc vùng sinh dục và thậm chí là trên da.

Khi giả mạc bắt đầu xuất hiện trong vùng hầu họng, người bệnh thay đổi giọng nói, nói khó, nuốt khó và dễ bị sặc khi ăn uống. Hệ thống thần kinh trung ương bị độc tố tấn công gây lơ mơ, lú lẫn dần, rơi vào hôn mê và tử vong trong bối cảnh nhiễm trùng nhiễm độc và suy hô hấp.

Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu gây biến chứng viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim có thể dẫn đến suy tim hoặc viêm các dây thần kinh ngoại biên gây rối loạn dẫn truyền tín hiệu giữa não, tủy sống với các cơ quan đích, làm suy giảm nhiều chức năng, điển hình nhất là hạn chế sự vận động và cảm giác...

Nói chung, người mắc bệnh nếu không được điều trị tích cực sẽ tử vong trong vòng 6 - 10 ngày.

- Hướng điều trị: Người bệnh được cho dùng kháng sinh liều cao, loại có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu. Đặc biệt, sử dụng thuốc giải độc tố. Các trường hợp thở khó phải hỗ trợ hô hấp hoặc mở khí quản. Nếu rối loạn nhịp tim nặng phải đặt máy tạo nhịp...

- Cách phòng bệnh: Bệnh bạch hầu có thể phòng tránh được nhờ tiêm chủng vắc-xin. Tất cả trẻ em đều phải tiêm phòng vắc-xin phòng tránh bệnh bạch hầu theo Chương trình tiêm chủng quốc gia. Người lớn chưa có miễn dịch về bệnh bạch hầu có thể tiêm ngừa tại các cơ sở tiêm phòng hiện có ở khắp các tỉnh, thành. Việc tiêm phòng vắc-xin cần phải đúng lịch và đủ liều mới đảm bảo hiệu quả phòng tránh bệnh. Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp phòng bệnh với nhiều loại vắc-xin khác, kiểu như 4 trong 1; 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.

Lưu ý, cách ly ngay và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người nghi mắc bệnh bạch hầu cho đến khi bệnh đã được xác định loại trừ.

Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bach-hau-benh-de-lay-va-nguy-hiem-post658349.html