Bắc Trung Bộ liên kết phát triển kinh tế biển

Thời gian qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã triển khai nhiều hoạt động liên kết, hợp tác để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Từ đây, các lĩnh vực như du lịch biển, cảng biển, khai thác thủy sản, đô thị biển, năng lượng tái tạo... đã có nhiều bước tiến mới.

Liên kết cơ sở hạ tầng

Chúng tôi có mặt tại đường bộ ven biển nối thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) với cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Tại đây, những chuyến xe container chở gỗ dăm, vật liệu xây dựng trung chuyển hàng hóa qua lại tấp nập, nhộn nhịp nối nhau về bến cảng và các khu chế xuất.

 Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam kết nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế biển. Ảnh: HỒ CHIẾN

Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam kết nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế biển. Ảnh: HỒ CHIẾN

Những năm qua, hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đẩy mạnh hợp tác, phối hợp trong giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Hai tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phù hợp, thống nhất, tránh cạnh tranh về chính sách nhằm đưa vùng Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An trở thành vùng kinh tế tổng hợp, đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo gắn liền với kinh tế biển.

Hoạt động liên kết hữu hình nhất là hai tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng, như: Tuyến đường bộ ven biển; trục đường Nghi Sơn-Bãi Trành... Hai tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và khu vực Hoàng Mai, Đông Hồi (Nghệ An) tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp giao thương, hợp tác sản xuất, kinh doanh, thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Hiện có gần 20 doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An đang thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng thông tin: “Cùng với việc triển khai, cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An, hai tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi nhằm tăng cường liên kết, hợp tác.

Đặc biệt, từ năm 2022, lãnh đạo 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã ký bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh và mở rộng không gian phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi địa phương, vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Theo đó, 3 địa phương thống nhất tổ chức hội nghị luân phiên hằng năm để đánh giá kết quả và thống nhất các giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác giữa 3 địa phương”.

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh có mối quan hệ đặc biệt, có nhiều nét tương đồng về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa. Hai tỉnh đã phối hợp triển khai quy hoạch vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp huy động nguồn lực, đầu tư, khai thác hạ tầng liên kết vùng, cùng với các tỉnh trong khu vực triển khai hiệu quả.

Rõ nhất là các dự án hạ tầng kết nối liên vùng như: Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, đường ven biển, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng cầu Cửa Hội, cầu Thọ Tường... Năm 2022, 3 tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề: "Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm".

Quảng Bình, Quảng Trị là hai địa phương có lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo. Hai tỉnh đang triển khai liên kết, hợp tác với các địa phương trong khối Hà Nội-Quảng Bình-Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế; các tỉnh thuộc “Con đường di sản miền Trung”; các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan cùng khai thác cơ sở hạ tầng để phát triển sản phẩm du lịch.

Trong lĩnh vực thủy sản, đẩy mạnh khai thác xa bờ theo hướng bền vững, kiểm soát đánh bắt ven bờ, liên kết hình thành các nghiệp đoàn nghề cá lớn liên tỉnh trong việc khai thác các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ cũng như bảo đảm an toàn trước các tác động của thiên tai trên biển.

Đối với ngành năng lượng, Quảng Bình là một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang khảo sát đầu tư điện tái tạo tại khu vực ven biển và ngoài khơi, góp phần bảo đảm nhu cầu về điện năng để phát triển kinh tế-xã hội của vùng và cả nước.

Liên kết về quy hoạch, định hướng phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự liên kết giữa các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ để phát triển kinh tế biển còn một số khó khăn. Sợi dây liên kết chưa xuyên suốt, thiếu tổng thể và cụ thể; một số nội dung đang dừng lại ở mức độ xây dựng kế hoạch, gặp gỡ trao đổi, chưa đề ra được những cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình hợp tác, liên kết thống nhất vì lợi ích chung.

 Biển Cửa Lò, một trong những bãi biển đẹp và hút khách của vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: HỒ CHIẾN

Biển Cửa Lò, một trong những bãi biển đẹp và hút khách của vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: HỒ CHIẾN

Liên kết vùng Bắc Trung Bộ hiện nay mới chỉ manh nha ở các tỉnh khu vực phía Bắc của vùng, chủ yếu là liên kết bề nổi như hạ tầng, hoạt động du lịch mà chưa có nhiều hoạt động, hợp tác chuyên sâu, đa chiều, đa lĩnh vực.

Mới đây, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18-7-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thành công nghị quyết, đưa Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh giá: “Liên kết phát triển vùng Tây Bắc Nghệ An, Tây Nam Thanh Hóa gắn với khu vực Nghi Sơn, Hoàng Mai kết quả đạt được chưa rõ nét. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung huy động nguồn lực để phát triển cảng Nghi Sơn và cảng Đông Hồi, lấy thế mạnh của cảng nước sâu Nghi Sơn để hình thành cụm cảng Nghi Sơn-Đông Hồi; tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư để hình thành trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ lưu kho, vận chuyển, ký gửi hàng hóa...

Phối hợp thu hút các dự án chế biến thủy sản lớn, có tính liên vùng, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với ngư dân và người nuôi trồng thủy sản; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú tàu thuyền, hình thành đô thị nghề cá”.

Đề cập tới giải pháp liên kết với Nghệ An, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đề nghị tỉnh Nghệ An cùng liên kết, hợp tác chặt chẽ để triển khai quy hoạch hai tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, quy hoạch không gian biển quốc gia để các địa phương triển khai quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng kiến nghị: “Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng dùng chung khu vực Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh; bổ sung quy hoạch và bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cầu Bến Thủy 3 bắc qua sông Lam, nối đường Nguyễn Sinh Sắc, TP Vinh (Nghệ An) và xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nhằm phát triển khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Lam, mở rộng kết nối du lịch, phát huy lợi thế cảng Xuân Hải, cảng Xuân Phổ để phát triển dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hóa giữa hai tỉnh. Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong vùng thực hiện những mục tiêu, chương trình, dự án liên kết vùng”.

Hợp tác, liên kết, cùng phát triển là xu thế tất yếu của giai đoạn hiện nay. Vì thế, đẩy mạnh liên kết vùng bằng việc cụ thể hóa các chính sách, nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển thì không chỉ kinh tế biển mà rất nhiều lĩnh vực khác của Bắc Trung Bộ hứa hẹn sẽ có nhiều bước tiến mới.

HOÀNG HOA LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bac-trung-bo-lien-ket-phat-trien-kinh-te-bien-744958