Bác sĩ Việt Nam trình diễn mổ tim tại hội nghị quốc tế

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và đồng nghiệp mổ tim nội soi, ít xâm lấn cho bệnh nhân 49 tuổi tại Hội nghị Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch châu Á.

Vừa qua, ca phẫu thuật sửa van tim cho anh Hùng được truyền trực tiếp từ phòng mổ đến Hội trường Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) - nơi diễn ra Hội thảo khoa học "Phẫu thuật van hai lá xâm lấn tối thiểu".

Sự kiện có sự góp mặt của chuyên gia Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực thế giới như Giáo sư Tirone E. David (Đại học Toronto, Canada) và Giáo sư Tom C. Nguyen (Đại học California San Francisco, Mỹ), Giáo sư Lê Ngọc Thành (Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam), Phó giáo sư Đỗ Kim Quế (Trưởng ban tổ chức ATCSA 2023), Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên và các bác sĩ Việt Nam, Mỹ, Đức, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Bangladesh…

Hội nghị ATCSA 2023 thu hút hàng trăm chuyên gia, bác sĩ Việt Nam, Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Ảnh: Trinh Trần

Bệnh nhân Hùng được phát hiện sa van hai lá gây hở van hai năm trước. Mức độ hở van nhẹ, chưa biến chứng, anh được theo dõi và điều trị nội khoa.

Gần đây, anh khó thở, hụt hơi, mệt khi leo cầu thang, đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM khám. Bác sĩ chẩn đoán van hai lá hở nặng, biến chứng giãn buồng tim và suy tim độ 2.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết bệnh nhân cần phẫu thuật sửa chữa lá van để ngăn suy tim tiến triển kèm biến chứng rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc, có nguy cơ tử vong.

Các chuyên gia thực hiện phẫu thuật nội soi, ít xâm lấn sửa van tim cho bệnh nhân. Ảnh: Trinh Trần

Thay vì mổ mở đường giữa ngực, cưa xương ức một đoạn dài khoảng 20 cm theo phương pháp truyền thống, bác sĩ phẫu thuật nội soi, ít xâm lấn sửa van tim cho anh Hùng. Kỹ thuật này cho phép mở 3-4 lỗ nhỏ trên thành ngực và một đường mổ ngắn khoảng 4-5 cm dưới ngực phải, hạn chế nguy cơ biến dạng lồng ngực, sẹo lớn, nhiễm trùng, mất nhiều máu, nhồi máu cơ tim… trong và sau mổ.

Nhờ hệ thống camera nội soi phóng to cực đại cấu trúc buồng tim, các van tim, mạch máu lớn… bác sĩ dễ dàng phân tích tổn thương trên van, xử trí chính xác, trong thời gian ngắn nhất.

Theo bác sĩ Dũng, để thực hiện kỹ thuật này, hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (Cardiopulmonary Bypass - CPB) được thiết lập qua đường ngoại biên (động mạch và tĩnh mạch đùi) với đường mổ nhỏ 3-4 cm. Kỹ thuật gây mê vô cảm kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống giúp giảm đau hiệu quả, hạn chế dùng morphin sau mổ.

Nhờ đó, bệnh nhân ít đau, có thể cai máy thở sớm, vận động bình thường, tập phục hồi chức năng sau hai ngày và dự kiến xuất viện sau 4-5 ngày, giảm 50% thời gian nằm viện so với phương pháp mổ mở.

Bác sĩ tiến hành gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giảm đau trong mổ tim tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Trinh Trần

Bác sĩ Dũng đánh giá đường mổ ngắn dưới ngực đảm bảo tính thẩm mỹ, thời gian hồi phục rút ngắn còn khoảng 4-8 tuần thay vì 10-12 tuần khi mổ mở.

Bên cạnh phẫu thuật tim robot, phương pháp mổ tim ít xâm lấn với nội soi hỗ trợ là kỹ thuật tiên tiến, được áp dụng thường quy ở các trung tâm tim mạch lớn trên thế giới.

Việt Nam bắt đầu triển khai kỹ thuật này khoảng 10 năm gần đây cho các trường hợp tổn thương không quá phức tạp. Tại Bệnh viện Tâm Anh, các bệnh lý van hai lá, thông liên nhĩ, thông liên thất, kênh nhĩ thất, bệnh mạch vành, u nhầy tim, van động mạch chủ… được điều trị bằng phẫu thuật ít xâm lấn (MICS) và nội soi.

Giáo sư Tirone David trao đổi, thảo luận về ca mổ với các chuyên gia. Ảnh: Trinh Trần

"Phẫu thuật ít xâm lấn không đơn giản như phẫu thuật thông thường, nhưng nếu được thực hiện bởi các chuyên gia giải phẫu như trong ca mổ vừa rồi thì đó là một lựa chọn thay thế rất tốt cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra hoàn hảo, phẫu thuật viên thao tác thành thục và kết quả cuối cùng rất tuyệt vời", Giáo sư Tirone David nhận xét.

Giáo sư Lê Ngọc Thành cho biết, hiện cả nước có 37 đơn vị phẫu thuật tim. Tuy nhiên chỉ có 16 cơ sở có thể mổ nội soi ít xâm lấn và một nửa trong số này tiến hành thường quy, do cần lộ trình đào tạo ê kíp phẫu thuật viên, gây mê, hồi sức cũng như đầu tư hệ thống trang thiết bị chuyên biệt.

Hội nghị Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch châu Á (ATCSA) năm nay diễn ra ngày 15-18/11, được kết hợp với Hội nghị Khoa học lần thứ 9 - Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam (ATCSVN) và Hội thảo Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Ít xâm lấn Quốc tế (ISMICS). Đây là diễn đàn y tế lớn trong khu vực châu Á và thế giới. Tại đây, bác sĩ Việt Nam có cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu thế giới; đồng thời cập nhật những kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.

Tin tài trợ

Thu Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-viet-nam-trinh-dien-mo-tim-tai-hoi-nghi-quoc-te-169231117165124663.htm