Bác sĩ trả lời: Trị dứt điểm 'sôi bụng', tiêu chảy bằng cách nào?

* Tôi 50 tuổi, mới nội soi đại tràng và dạ dày cách đây không lâu. Về đại tràng thì không có vấn đề gì cả, còn dạ dày thì có vi khuẩn HP và viêm loét nhẹ. Bác sĩ đã cho thuốc uống và cũng đã tạm ổn.

* Tôi 50 tuổi, mới nội soi đại tràng và dạ dày cách đây không lâu. Về đại tràng thì không có vấn đề gì cả, còn dạ dày thì có vi khuẩn HP và viêm loét nhẹ. Bác sĩ đã cho thuốc uống và cũng đã tạm ổn.

Tuy nhiên, tôi vẫn luôn bị tình trạng sôi bụng: đói cũng sôi, có khi ăn no cũng sôi, ăn đồ lạ vào cũng sôi, thỉnh thoảng chuyển từ sôi sang tiêu chảy. Tôi ăn uống khá kỹ càng và không hề dùng bia, rượu. Xin hỏi các chuyên gia tình trạng của tôi như vậy là do bệnh gì? Làm sao để điều trị hết? Xin cảm ơn!

(Cô Nguyễn Mùi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa)

Trả lời:

Thân chào cô!

Qua câu hỏi, bác sĩ thấy triệu chứng chính khiến cô lo lắng là sôi bụng. Sôi bụng phát ra từ ruột là tín hiệu thức ăn đang được ruột co bóp đẩy thức ăn và tiêu hóa hấp thu các dưỡng chất và loại bỏ thành phần không cần thiết. Có khá nhiều nguyên nhân gây sôi bụng như:

- Khi cảm thấy cơn đói hoặc ngửi thấy các món ăn hấp dẫn.

- Ăn nhiều thực phẩm gây đầy bụng, khó tiêu như thức ăn có nhiều dầu mỡ, cay nóng có hàm lượng đường cao, có nhiều cafein.

- Ăn quá nhanh hoặc vừa ăn vừa nói vừa hút thuốc khiến nuốt nhiều không khí.

- Nằm hay ngồi liền sau khi ăn.

- Do bụng bị đè ép như mặc quần chật, nịt quá chật hay dùng đai nịt bụng.

Hoặc các nguyên nhân bệnh lý như:

- Căng thẳng stress khi dùng bữa.

- Rối loạn hệ vi sinh đường ruột như dùng kháng sinh.

- Nguyên nhân bệnh lý như: tiêu chảy; bệnh crohn, viêm loét đại tràng, dị ứng đồ ăn thức uống, hội chứng ruột kịch thích.

Từ những nguyên nhân trên và bệnh sử trong câu hỏi cô đặt ra có thể thấy nguyên nhân gây ra triệu chứng của sôi bụng như: mới sử dụng kháng sinh điều trị H.pylori gây mất cân bằng lợi khuẩn ruột, chế độ ăn uống sinh hoạt chưa phù hợp, strees . . . Cô có thể khắc phục bằng các biện pháp như:

- Hạn chế ăn thức ăn lạ dễ gây dị ứng.

- Hãy nghiệm lại các thức ăn và các phương thức tập luyện, hành động trước trong và sau khi ăn dẫn đến tình trạng sôi bụng tăng lên.

- Thư giãn, nghe nhạc, đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng để tránh dẫn đến stress.

- Ăn chậm nhai kỹ, không nên ăn quá nhiều trong một bữa. Nếu đói chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, không để bụng quá no hoặc quá đói. Ăn nhiều rau củ quả. Hạn chế cà phê, thuốc lá, rượu bia, đồ uống có ga.

- Bổ sung lợi khuẩn đường ruột.

Nếu không giảm cô hãy dành thời gian đến bác sĩ để thăm điều trị.

Chúc cô luôn có một đường tiêu hóa khỏe mạnh.

BS Trần Bá Đại,

Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202312/bac-si-tra-loi-tri-dut-diem-soi-bung-tieu-chay-bang-cach-nao-f835371/