Bác sĩ trả lời: Nhịn ăn gián đoạn để giảm cân có bị đau dạ dày không?

* Tôi nặng 65kg, cao 1,55m. Tôi đã làm nhiều cách nhưng chưa giảm cân. 2 tuần này tôi đang thực hiện nhịn ăn gián đoạn. Phương pháp tôi dùng là nhịn bữa tối và bữa sáng. Tôi cũng muốn giảm cân nhưng cũng lo ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sợ đau dạ dày. Vậy tôi phải làm sao để vừa giảm cân vừa không bị đau dạ dày ạ?

* Tôi nặng 65kg, cao 1,55m. Tôi đã làm nhiều cách nhưng chưa giảm cân. 2 tuần này tôi đang thực hiện nhịn ăn gián đoạn. Phương pháp tôi dùng là nhịn bữa tối và bữa sáng. Tôi cũng muốn giảm cân nhưng cũng lo ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sợ đau dạ dày. Vậy tôi phải làm sao để vừa giảm cân vừa không bị đau dạ dày ạ?

(Chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ H.Long Thành)

Trả lời:

Chị Hồng thân mến!

Nhịn ăn gián đoạn (IF) hay Intermittent Fasting được biết đến là phương pháp giảm cân bằng cách giảm thiểu lượng thực phẩm chứa calo mà cơ thể tiêu thụ trong vòng 8-16 giờ. Phương pháp này sẽ xoay quanh việc thực hiện chế độ nhịn ăn trong thời gian dài và ăn uống bình thường luân phiên nhau để đem lại hiệu quả giảm cân an toàn nhất.

Thời gian nhịn ăn có thể lên đến 16 giờ, thậm chí có thể là 24 giờ. Chị chọn là nhịn buổi tối và buổi sáng là phương pháp 16/8 có nghĩa là thời gian ăn cố định trong ngày là 8 giờ, còn lai 16 giờ còn lại là nhịn ăn hoàn toàn chỉ uống nước không có calo.

Như chúng ta biết, dạ dày có chức năng tiêu hóa thức ăn, để thực hiện chức năng này dạ dày phải co bóp và tiết ra dịch vị. Chức năng co bóp và tiết ra dịch vị xảy ra khi có thức ăn vào dạ dày giúp cho tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, khi dạ dày trống không có thức ăn trong thời gian dài sẽ có những co bóp nhẹ giống như nhắc nhở chúng ta đang đói bụng phải đi tìm thức ăn, nếu chúng ta tiếp tục nhịn đói lâu hơn thì dạ dày sẽ co bóp nhiều hơn lan xuống ruột làm cho ta đau bụng và có thể ảnh hưởng đến dạ dày. Dịch vị được dạ dày tiết ra khi có thức ăn và giúp tiêu hóa thức ăn, dạ dày có thể tiết ra 1-2,5 lít dịch vị trong 1 ngày.

Trong thời gian đói, dạ dày vẫn tiết ra khoảng 50 ml/giờ và dịch này cân bằng giữa axit HCl và dịch nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nhưng nếu thời gian nhịn đói quá lâu dịch này sẽ tồn đọng lại ngày càng nhiều trong dạ dày dẫn đến ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, thậm chí dịch tồn đọng nhiều có thể gây ra trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, dạ dày sẽ tăng tiết axit HCl nếu cơ thể bị căng thẳng, hạ đường huyết…

Khi chúng ta nhịn ăn thời gian lâu, cơ thể sẽ bị stress, hạ đường huyết kích thích dạ dày tiết ra axit HCl nhiều hơn dẫn đến mất cân bằng trong dịch vị dạ dày và sẽ bị tổn thương, bào mòn niêm mạc dạ dày, gây viêm loét dạ dày. Như vậy, nhịn ăn trong thời gian dài hay bỏ bữa thường xuyên dễ dẫn đến viêm loét dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản.

Theo quan điểm dinh dưỡng chính thống, chúng tôi không ủng hộ phương pháp này. Để có thể giảm cân và vừa không bị đau dạ dày, chị nên đến các phòng khám dinh dưỡng có bác sĩ chuyên khoa để khám và tư vấn để được đánh giá và có chế độ giảm cân phù hợp và gần như không phải bỏ 1 bữa ăn nào.

Ở đơn vị Khám và điều trị theo yêu cầu (lầu 5, khu C, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) có phòng khám, tư vấn, điều trị dinh dưỡng chuyên sâu với các trang thiết bị hiện đại và chuyên biệt như: thiết bị đo sức cơ cầm tay, dụng cụ đo mỡ cơ thể Kaliper, máy đo và phân tích thành phần cơ thể, siêu âm đa chiều… có bác sĩ trực tiếp khám và tư vấn.

Khi đến khám chị sẽ được đánh giá thành phần cơ thể từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn phù hợp và xây dựng riêng một thực đơn mẫu để áp dụng.

BS CKII Dương Tấn Thọ,

Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202311/bac-si-tra-loi-nhin-an-gian-doan-de-giam-can-co-bi-dau-da-day-khong-db1461c/