Bác sĩ nhận giải Nobel Hòa bình và tự truyện 'Blouse trắng tim hồng'

Denis Mukwege, bác sĩ nhận giải Nobel Hòa bình năm 2018, được mệnh danh là 'Người đàn ông sửa chữa những người đàn bà'.

Blouse trắng tim hồng (tên gốc tiếng Pháp: Plaidoyer pour la vie) là cuốn tự truyện của bác sĩ Denis Mukwege, do Berthild Akerlund chấp bút.

Cuốn tự truyện nói về lòng nhân ái của bác sĩ Denis Mukwege - người nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2018 và đề cập thảm họa nhân đạo hoành hành ở Cộng hòa Congo.

 Cuốn tự truyện Blouse trắng tim hồng, Hiệu Constant dịch, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phát hành. Ảnh QM.

Cuốn tự truyện Blouse trắng tim hồng, Hiệu Constant dịch, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phát hành. Ảnh QM.

Bác sĩ Mukwege được thế giới biết đến là người “Người đàn ông sửa chữa những người đàn bà”. Trong suốt 20 năm xung đột ở phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo - một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh - ông đã chữa bệnh cho hàng nghìn phụ nữ bị bạo lực tình dục.

Ông không ngừng đấu tranh và tố cáo tội ác có tính toán của những kẻ chủ ý gây xung đột, làm bại hoại đất nước, gây nên nỗi thống khổ cho phụ nữ nước mình.

Cuối năm 2012, Denis Mukwege trở thành đối tượng của một vụ ám sát, nhưng may mắn thoát nạn. Vị bác sĩ này sống trong bệnh viện của mình ở Bukavu, dưới sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Trong cuốn tự truyện, bác sĩ Denis Mukwege đã kể lại những câu chuyện xúc động về hành trình ly kỳ của chính bản thân ông.

Denis Mukwege sinh ra trong gia đình nghèo ở Bukavu, miền Đông đất nước Congo thuộc Trung Phi. Cha là mục sự, mẹ làm nội trợ.

“Tôi sinh ngày 1/3/1955. Là đứa trẻ thứ ba, tôi là đứa con trai đầu tiên trong gia đình. Theo lời mẹ, sự có mặt của tôi trên đời này đã suýt diễn ra rất ngắn. Những ngày đầu tiên tôi chào đời đã rất thê thảm, như lướt trên sợi tóc vậy, do mẹ tôi lâm bồn khó”, trích lời bác sĩ.

 Bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege bên hai bệnh nhân của ông. Ảnh: Torleif Svensson.

Bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege bên hai bệnh nhân của ông. Ảnh: Torleif Svensson.

Trong cuốn tự truyện, Denis Mukwege thuật lại những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, việc học hành bị cản trở bởi tư tưởng Mobutism, rồi đến những tháng ngày ở Burundi và Pháp. Ông học sản phụ khoa ở Angers.

Về nước, Denis Mukwege định cư ở Lemera, vùng núi phía Đông Congo. 10 năm sau, giữa cuộc xung đột, ông thành lập Bệnh viện Panzi và “sửa chữa” những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục ở đó.

Dù đã trở thành bác sĩ phụ khoa, khó khăn vẫn bủa vây người con xứ Bukavu. Denis Mukwege nhớ lại vụ ám sát hụt nhằm vào ông và gia đình.

Ông bày tỏ: “Tôi sẽ dành cả đời mình để trợ giúp những người khác, bởi chính tôi đã được cứu sống. Tôi sẽ là một trong những người giành bệnh nhân khỏi tay thần chết”.

Cuộc đời Mukwege gắn liền lịch sử Congo trong suốt nửa sau thế kỷ XX đến nay. Ông tự nguyện trở thành người phát ngôn cho những phụ nữ “thấp cổ bé họng” tại đất nước vốn có nhiều kỳ thị giới tính.

Trong tự truyện, Denis Mukwege cho biết bạo lực tình dục không phải là hiện tượng dễ dàng nhìn thấy mà xảy ra một cách kín đáo, tại những nơi hẻo lánh, trong bóng tối.

“Đại dịch” này tràn lan nhanh chóng nhưng lại luôn che đậy mình trước thế giới. Nạn nhân là phụ nữ ở bất kể độ tuổi nào, từ bé gái 3 tuổi đến những cô gái, người mẹ, người bà.

“Đánh vào phụ nữ, tức là đánh vào toàn bộ gia đình, làm suy thoái cả xã hội và cộng đồng. Không cần xe tăng, đại bác hay máy bay, cũng đem lại kết quả hủy hoại như một cuộc chiến tranh điển hình. Xét về mặt kinh tế, đây là cuộc chiến tranh hiệu quả nhất”, Denis Mukwege viết.

Blouse trắng tim hồng không chỉ giúp người đọc khám phá về thân thế của “Người đàn ông sửa chữa những người đàn bà”. Cuốn tự truyện còn cho thấy thảm họa nhân đạo ở một đất nước nghèo nhất hành tinh, hay những nỗi đau và cả những niềm vui khi bàn tay nhân ái xoa dịu nỗi đau của đồng loại.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-nhan-giai-nobel-hoa-binh-va-tu-truyen-blouse-trang-tim-hong-post1134470.html