Bác sĩ liệt kê những loại thuốc không thể thiếu khi du lịch dài ngày trong kỳ nghỉ lễ

Chuyến đi du lịch dài ngày trong những dịp lễ, tết đã dần trở thành một xu hướng trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, không ít lần chúng ta lại gặp phải một số vấn đề sức khỏe trong những chuyến đi đó.

Mặc dù không mong muốn nhưng chúng ta có thể đối mặt với những vấn đề sức khỏe khiến chuyến đi không trọn vẹn. Do đó, bên cạnh những hành lý thiết yếu cho chuyến đi như: quần áo, giấy tờ tùy thân, tiền bạc,... thì tốt nhất bạn nên chuẩn bị một số loại thuốc dưới đây để giúp ứng phó vấn đề thường gặp nhất.

Bỏ túi ngay một số loại thuốc cần thiết trước những chuyến đi dài ngày giúp chuyến đi trở nên an toàn, vui vẻ

Thuốc giảm đau, hạ sốt

Sốt là biểu hiện thường gặp của nhiều bệnh, vì vậy chúng ta cần đem thuốc hạ sốt trong những chuyến đi dài ngày. Thuốc hạ sốt thường thông dụng và dễ tìm mua ở các hiệu thuốc, trên thị trường chúng được bán bằng các tên như: Panadol Extra, Tatanol, Efferalgan,...

Tuy nhiên, cần phân biệt giữa tăng thân nhiệt với sốt cao, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ trước khi uống thuốc hạ sốt. Nếu trẻ mới chơi ngoài trời nắng nóng quá lâu (hoặc người lớn mải tắm biển, phơi nắng quá lâu ngoài trời), sau đó lờ đờ, mệt, thân nhiệt tăng cao… thì cần phải cảnh giác vì có thể bị say nắng/nóng. Những trường hợp này, cần đưa người bệnh vào chỗ mát, cho uống nhiều nước mát và dùng nước mát lau người, đây không phải là sốt nên uống thuốc hạ sốt không giảm

Tùy theo cân nặng, tuổi có thể dùng thuốc hạ sốt ở các dạng bào chế khác nhau như: viên nén, viên dạng sủi, thuốc dạng gói hoặc dạng viên nhét hậu môn. Liều thuốc hạ sốt tính theo cân nặng: 10 đến 15mg/kg và được ghi cụ thể trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, khoảng cách giữa các liều cách nhau ít nhất mỗi 4-6 giờ.

Thuốc trị bệnh tiêu hóa

Một vùng đất mới luôn hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp và những món ăn hấp dẫn. Nhưng dù món ăn có ngon đến đâu thì cũng không có gì đảm bảo được rằng dạ dày của bạn sẽ dễ dàng “tiêu hóa” món ăn đó. Một số biểu hiện bệnh đường tiêu hóa thường gặp như: chướng bụng, ăn uống khó tiêu, tiêu chảy, táo bón hoàn toàn có thể xảy ra trước những món ăn lạ, đặc biệt là những người có “ dạ dày yếu”. Vì thế, đem theo một số thuốc tiêu hóa trong túi thuốc du lịch là vô cùng cần thiết trong những chuyến đi.

Dung dịch bù nước và điện giải: Mất nước và điện giải khi tiêu chảy, nôn ói là vô cùng nguy hiểm vì vậy cần dùng các dung dịch bù nước và điện giải khi bị tiêu chảy, nôn, đi ngoài nhiều để phòng tránh mất nước. Nên ưu tiên dạng gói bột có thể mang theo thuận tiện hơn. Một số dung dịch bù nước điện giải trên thị trường như: Oresol, theresol,...

Thuốc trị tiêu chảy như loperamid, smecta,...

Thuốc trị táo bón như: Duphalac, sorbitol…

Giảm triệu chứng đầy hơi, ợ hơi có thể dùn: trà gừng,các loại thuốc có chứa simethicone dạng viên uống hoặc dạng nhỏ giọt...

Dùng men vi sinh cung cấp lợi khuẩn đường ruột trong các trường hợp ăn uống khó tiêu, tiêu chảy,...

Không phải nơi nào cũng dễ tìm được hiệu thuốc trong những trường hợp khẩn cấp, vì vậy đem theo một số thuốc thông dụng sẽ giúp những chuyến đi trở nên tuyệt vời hơn.

BÁC SĨ HUỲNH MINH NHỰT

Tác giả bài viết

Bác sĩ tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Bác sĩ khoa Nội Nhiễm - BV đa khoa Khu vực Thủ Đức

Kinh nghiệm công tác:

Bác sĩ điều trị Hệ thống nhi khoa Dr.Phước.

Đại biểu Đại hội Liên Chi Hội Gan Mật TPHCM nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Thuốc chống dị ứng

Khi đến một môi trường lạ, chúng ta dễ gặp các tình trạng dị ứng như: dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết, dị ứng côn trùng… là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt là những người có cơ địa nhạy cảm. Đa phần các biểu hiện dị ứng sẽ xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như: da xuất hiện nhiều cục, mảng gồ lên trên da và rất ngứa,... các mảng này có thể biến mất trong vòng vài giờ. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp các biểu hiện nặng của dị ứng như: phù môi, sưng mắt, thậm chí sốc phản vệ… cần theo dõi và đưa đến các cơ sở uy tín ngay khi người bệnh có các biểu hiện nặng của dị ứng.

Để phòng ngừa trường hợp bị mẩn ngứa, dị ứng thời tiết khi đi chơi, du lịch xa nhà, bạn cần chuẩn bị các thuốc chống dị ứng, kháng histamin như: Fexofenadine, Loratadine, Cetirizine,...Tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng có thể gây buồn ngủ. Một số thuốc cần thận trọng khi sử dụng cho trẻ em và phụ nữ có thai. Do đó cần tham khảo ý kiến dược sĩ trước khi mua thuốc.

Thuốc điều trị bệnh nền

Thuốc điều trị các bệnh nền sẵn có như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh gan mạn tính, bệnh gút, hen suyễn,... là những thuốc vô cùng cần thiết trong những chuyến đi dài ngày. Chúng ta cần chuẩn bị trước, đảm bảo đem đúng và đủ số lượng vì không phải nơi nào cũng dễ tìm được hiệu thuốc và mua được đúng loại thuốc mình đang sử dụng hàng ngày. Dùng đúng thuốc, đủ thuốc và liên tục bệnh nền giúp quá trình điều trị bệnh được tối ưu, tăng cao hiệu quả điều trị. Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ chế độ về ăn uống, sinh hoạt đã được bác sĩ tư vấn để có một chuyến du lịch an toàn và vui vẻ.

Túi sơ, cấp cứu

Bên cạnh các loại thuốc trên, chúng ta cũng cần trang bị thêm túi sơ, cấp cứu trong những chuyến đi dài ngày, nhằm bảo vệ người thân, bạn bè trước những nguy hiểm không mong muốn có thể xảy ra. Một số vật dụng cần thiết để sơ, cấp cứu như: nước muối sinh lý, bông, kéo, băng cá nhân, băng chun, oxy già, cồn 70 độ, cồn i-ốt… Những thứ đồ tưởng như nhỏ bé này nhưng lại có tác dụng lớn trong trường hợp bạn bị ngã, trầy xước hoặc có vết thương chảy máu.

Chuẩn bị thật kỹ trước những chuyến đi xa sẽ khiến chúng ta an tâm hơn trước những chuyến du lịch dài ngày, bỏ túi những loại thuốc trên sẽ giúp chuyến đi của bạn và những người thân trở nên an toàn, vui vẻ.

BS Huỳnh Minh Nhựt

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bac-si-liet-ke-nhung-loai-thuoc-khong-the-thieu-khi-du-lich-dai-ngay-trong-ky-nghi-le-20240428112434722.htm