Bác sĩ cứu sống 2 sản phụ ngừng tim và tâm nguyện cả đời cống hiến cho sự nghiệp y khoa

Cùng đồng nghiệp cứu sống 2 sản phụ bị ngừng tim ngay tại tuyến huyện không chỉ khiến bản thân BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh vô cùng hạnh phúc mà đó còn là động lực, niềm tự hào để cống hiến hết mình cho sự nghiệp cứu, chữa người bệnh suốt nhiều năm qua.

2 sản phụ ngừng tim được cứu sống thần kỳ

Chúng tôi gặp BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh (Phó Giám đốc BVĐK huyện Ba Vì – Hà Nội) vào những ngày cuối tháng 2 khi cái rét ngọt vấn vương, mưa xuân lất phất bay. Trong bộ trang phục blue trắng, ông cần mẫn chẩn đoán, thăm khám cũng như dặn dò, động viên các bệnh nhân khoa Cấp cứu trước khi thực hiện các công việc khác.

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Giám đốc BVĐK huyện Ba Vì, Hà Nội.

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Giám đốc BVĐK huyện Ba Vì, Hà Nội.

Nhấp ly trà nóng trên tay, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh cho biết, suốt 24 năm qua bản thân gắn bó với y tế tuyến huyện, cụ thể tại Ba Vì như một cái duyên định trước. Bởi trước đây khi là sinh viên Đại học Y Hà Nội ông từng có nhiều hoài bão, ước mơ, nhưng khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp và là người con sinh ra trên mảnh đất Ba Vì nên ông đã quyết định nộp đơn vào BVĐK Ba Vì để cống hiến cho quê hương, cho bà con nơi này.

May mắn mỉm cười với ông khi được lãnh đạo tin tưởng và nhận vào BV để làm việc với chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, gây mê. Đã hơn 2 thập kỷ trôi qua, vị bác sĩ gần 50 tuổi cũng đã trải qua biết bao buồn vui và cũng nhiều điều đau đáu trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc nhân dân.

Với những người thầy thuốc, việc cứu chữa thành công, giữ lại mạng sống cho người bệnh là điều hạnh phúc nhất. Với người làm công tác Hồi sức cấp cứu, gây mê như bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh lại càng có ý nghĩa và hạnh phúc hơn khi thực hiện cấp cứu cần có sự quyết đoán nhanh và chính xác nhất. Bởi đôi khi, trong những tình huống cụ thể thì việc đưa ra quyết định về y khoa diễn ra chỉ trong giây phút.

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh thăm khám cho bệnh nhân khoa Cấp cứu - BVĐK huyện Ba Vì.

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh thăm khám cho bệnh nhân khoa Cấp cứu - BVĐK huyện Ba Vì.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh kể: "Khoảng 7 năm trước, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu 2 sản phụ, một chửa ngoài tử cung vỡ chảy máu và một ca lên cơn sốc trong quá trình sinh nở. Cả 2 ca này đều bị ngừng tim nên ê-kíp đã thực hiện ép tim đồng thời đưa ra những chỉ định y khoa, đưa 2 sản phụ sang phòng mổ để cứu sống". Bác sĩ Vinh nở nụ cười hạnh phúc và cho rằng: "Người nhà mừng một thì đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện hạnh phúc gấp mười. Bởi chúng tôi hiểu rằng, Ba Vì là một huyện rất xa trung tâm, nếu không thực hiện tốt chuyên môn cấp cứu mà chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì mạng sống của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng".

Tuy nhiên, không phải ca cấp cứu nào cũng thành công trọn vẹn, ông kể: "Hồi mới về công tác, bệnh viện tiếp nhận một ca bệnh là bé trai khoảng 3 tuổi bị ong đốt. Tiếp nhận ca bệnh này, các bác sĩ đã cố gắng cấp cứu bằng tất cả tâm huyết và ban đầu tình hình rất khả quan, nhưng khoảng 3 giờ sau bệnh nhân bị tái sốc dẫn đến tử vong".

Trầm ngâm một hồi, bác sĩ Vinh nói: "Trẻ con diễn biến bệnh rất nhanh và khó tiên đoán dù mình đã làm đúng chuyên môn và hết sức có thể". Bé trai bị ong đốt tử vong khiến toàn bộ các thầy thuốc công tác tại bệnh viện đau buồn, nhưng người có lẽ đau buồn nhất và cảm thấy dằn vặt nhất là bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh. Ông nói: "Đến chia buồn với gia đình, tôi được ông nội của cháu bé an ủi một câu rằng "tôi từng chứng kiến ong đốt chết cả một con trâu". Câu nói đó không chỉ là lời động viên mà còn là lời cảm thông, sẻ chia, thấu hiểu của một người dân, người nhà bệnh nhân đối với những người làm thầy thuốc như chúng tôi". Và đó cũng là động lực lớn nhất để cá nhân bác sĩ Vinh cùng nhiều thầy thuốc tại bệnh viện nỗ lực từng ngày, từng giờ, cống hiến tới 200% sức lực để phục vụ người dân.

Linh hoạt, quyết đoán để giữ mạng sống cho người dân

Là một huyện cách trung tâm Hà Nội khoảng 1,5 giờ di chuyển nên việc cấp cứu tại BVĐK Ba Vì cũng khác so với với các bệnh viện gần. Với kinh nghiệm gần 24 năm chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, gây mê, ông cho rằng sự "quyết đoán" là yếu tố quan trọng và tiên quyết trong công tác tổ chức cấp cứu. Bởi trong cấp cứu điều cần nhất là thời gian, nên chúng ta không thể phí phạm bất cứ một phút giây nào để có thể cứu sống bệnh nhân.

Các bác sĩ BVĐK huyện Ba Vì hội chẩn ca bệnh tại khoa Hồi sức cấp cứu.

Các bác sĩ BVĐK huyện Ba Vì hội chẩn ca bệnh tại khoa Hồi sức cấp cứu.

"Từ năm 2011, tôi đã tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện phải trang bị máy thở trên xe vận chuyển cấp cứu; sau đó tôi đề xuất trên xe vận chuyển cấp cứu ngoài điều dưỡng thì phải có cả bác sĩ đi theo để có thể hỗ trợ, xử lý mọi tình huống trên đường chuyển bệnh nhân. Quan điểm của tôi là luôn phải linh hoạt trong mọi tình huống, không nhất thiết phải tuân theo quy tắc máy móc nào cả. Điều quan trọng là làm sao bảo đảm bệnh nhân đến tuyến trên một cách tốt nhất, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển", bác sĩ Vinh nói.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh cũng chia sẻ, đối với y tế cơ sở tuyến huyện như Ba Vì thì có 2 điều cần phải làm tốt đó là công tác khám, chữa bệnh cho người dân và tổ chức tốt công tác cấp cứu. Thứ nhất, bảo đảm tốt nhất trong công tác khám bệnh bởi chỉ có khám bệnh tốt, chẩn đoán chính xác bệnh, sử dụng cận lâm sàng hợp lý mới là tiền đề để thực hiện tốt các hoạt động thủ thuật, phẫu thuật, điều trị bệnh về sau. Thứ hai là tổ chức tốt công tác cấp cứu. Theo đó, khi bệnh nhân đã đến phòng cấp cứu, kể cả có phải huy động tất cả các chuyên khoa xuống khoa cấp cứu thì sẽ huy động hết. Không máy móc chuyển bệnh nhân đi các khoa gây mất thời gian mà cần huy động tổ chức cấp cứu ngay tại chỗ để đảm bảo cấp cứu hiệu quả, kịp thời.

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh ân cần thăm khám, tận tâm với bệnh nhân.

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh ân cần thăm khám, tận tâm với bệnh nhân.

Bên cạnh đó, thời gian qua tại BVĐK huyện Ba Vì cũng đã làm tốt vai trò của tuyến y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bác sĩ Vinh nhận thấy rằng, vai trò của y tế cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh là hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt công tác trên, bệnh viện phải đảm bảo tốt năng lực chuyên môn, để khi tiếp nhận các ca bệnh dịch có thể chữa khỏi, chữa an toàn. Nếu không chữa thành công được cũng cần tiên lượng sớm để chuyển tuyến, đảm bảo trên địa bàn không có những ca chuyển nặng gây hoang mang cho người dân.

Thời gian qua, bệnh viện đang tiến tới số hóa toàn diện như: triển khai phần mềm, tiến tới triển khai bệnh án điện tử; thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD; VneID; Ki-ốt tự phục vụ. Sắp tới triển khai đăng ký nhận diện khuôn mặt, thanh toán không dùng tiền mặt… để đáp ứng khoảng 1.300 bệnh nhân thăm, khám mỗi ngày. Đặc biệt, việc triển khai mô hình "Bệnh viện Chị - Em" giữa BVĐK Xanh-Pôn và BVĐK Ba Vì hỗ trợ toàn diện cho bệnh viện phát triển tốt hơn trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

VIDEO - Bác sĩ 'cân não' với ca bệnh 25 năm mới gặp trong nghề.

Linh Chi Vũ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-cuu-song-2-san-phu-ngung-tim-va-tam-nguyen-ca-doi-cong-hien-cho-su-nghiep-y-khoa-169240226085046266.htm