Bắc Ninh: 3 giải pháp hoàn thành kế hoạch công tác khuyến công năm 2023

Sở Công Thương Bắc Ninh đã xây dựng 3 giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khuyến công, đồng thời hoàn thành kế hoạch năm 2023.

Phát huy tốt vai trò “vốn mồi”

Theo báo cáo từ Sở Công Thương Bắc Ninh, trong giai đoạn từ năm 2012 – 2022, trên địa bàn tỉnh có 334 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được thụ hưởng chính sách khuyến công. Dù nguồn kinh phí hỗ trợ theo phản ánh của các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp không nhiều so với tổng mức đầu tư nhưng đã khuyến khích đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh...Từ đó phát huy tốt vai trò “vốn mồi”.

Việc triển khai hiệu quả chính sách khuyến công đã động viên và huy động được các nguồn lực trong nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa CNNT, xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công Bắc Ninh thăm quan dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH In và Bao bì Châu Thái Sơn. Ảnh (Anh Minh)

Lãnh đạo Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công Bắc Ninh thăm quan dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH In và Bao bì Châu Thái Sơn. Ảnh (Anh Minh)

Nội dung của hoạt động khuyến công giúp các cơ sở định hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương; tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững.

Nhiệm vụ trọng tâm

Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác khuyến công và hoàn thành kế hoạch năm 2023, Sở Công Thương Bắc Ninh đề xuất 3 giải pháp thực hiện nhiệm vụ.

Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền. Đẩy mạnh rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản về hoạt động khuyến công thống nhất, kịp thời tử trung ương đến địa phương.

Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến đến các chủ cơ sở CNNT kiến thức về hoạt động khuyến công, như duy trì thời lượng phát sóng, cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội và trang chuyên đề về hoạt động và kết quả của chương trình khuyến công.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công thông qua việc tăng cường tư vấn, có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở CNNT trong quá trình lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, triển khai sản xuất; lựa chọn, tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và hiệu quả.

Xây dựng kế hoạch khuyển công từ cơ sở cần bám sát vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm và từng giai đoạn để triển khai thực hiện đúng tiến độ, mục đích và đạt hiệu quả cao; chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công thông qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện 9 nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công. Cụ thể hóa bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất CNNT. Chính sách khuyến khích phát triển cần tập trung theo hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trưởng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường.

Thứ ba, hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và các trung tâm thương mại, trang thông tin điện tử.

Để thuận lợi hoàn thành những mục tiêu trên, Sở Công Thương Bắc Ninh cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP.

Trong đó, đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công; tăng hạn mức tối đa hỗ trợ nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật từ 1 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tối đa từ 300 triệu đồng lên 500 triệu đồng; chi thưởng cho sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn đạt giải cấp khu vực từ không quá 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng/sản phẩm, đạt giải cấp quốc gia từ không quá 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/sản phẩm.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-ninh-3-giai-phap-hoan-thanh-ke-hoach-cong-tac-khuyen-cong-nam-2023-270793.html