Bắc Mê khắc phục khó khăn dạy Tiếng Anh cấp tiểu học

BHG - Với mục tiêu đảm bảo cho 100% học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 tại các đơn vị trường học được học môn Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Huyện Bắc Mê đã tăng cường các giải pháp như: Phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương cử giáo viên Tiếng Anh tham gia dạy học trực tuyến qua lớp học ảo; tu sửa và nâng cấp các lớp học trực tuyến…

Hiện, toàn huyện có 12 trường tiểu học và 2 trường TH&THCS với 315 lớp và 6.342 học sinh. Theo đó số lớp tổ chức dạy và học Tiếng Anh là 155 lớp với 3.844 học sinh, số giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học hiện có 13 giáo viên. Nhằm thực hiện quy định của Chương trình GDPT 2018 nhu cầu toàn huyện cần 27 giáo viên; do đó, huyện Bắc Mê còn thiếu 15 giáo viên. Để đảm bảo đủ số tiết, Phòng GD&ĐT đã xây dựng phương án dạy học trực tuyến sử dụng chung với phòng tin học và một số lớp học thông thường hoặc sử dụng hội trường để ghép lớp học chung; các trường còn lại sử dụng lớp học, hội trường và nhà đa năng để dạy học.

Lớp học Tiếng Anh trực tuyến tại Trường TH&THCS Thượng Tân.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Thực hiện kế hoạch tổ chức dạy học môn tiếng Anh, môn Tin học cho học sinh lớp 3, lớp 4 năm học 2023-2024 theo Chương trình GDPT 2018. Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch tổ chức dạy học; đề ra phương án cụ thể, chi tiết đối với từng trường; rà soát, điều chỉnh kế hoạch, tổ chức lắp đặt thiết bị dạy học trực tuyến cho các đơn vị trường học; điều chuyển giáo viên cấp học THCS tăng cường dạy đối với các trường còn thiếu giáo viên. Tổ chức dạy học trực tiếp đối với các trường học cơ bản đáp ứng được về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Sắp xếp các lớp học linh hoạt như dồn lớp, ghép lớp để tổ chức dạy học đảm bảo 100% học sinh lớp 3, lớp 4 được học Tiếng Anh”.

Với các giải pháp trên, các trường trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng việc triển khai chương trình học mới. Tuy nhiên, các trường được hỗ trợ dạy học đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày dẫn đến việc sắp xếp thời gian và thời khóa biểu còn gặp nhiều khó khăn do ngoài việc dạy Tiếng Anh, các trường còn phải thực hiện dạy học đối với các môn học và hoạt động giáo dục khác dẫn đến lịch dạy chồng chéo giữa các lớp, khối lớp. Đối với học sinh, hình thức dạy học trực tuyến lần đầu được tiếp cận dẫn đến việc quản lý nền nếp, ý thức học tập của học sinh; việc tương tác dạy và học của giáo viên và học sinh hạn chế, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng và kết quả học tập của học sinh.

Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thượng Tân, thầy giáo Tạ Quốc Tuyên, chia sẻ: “Việc triển khai dạy học theo Chương trình mới tạo điều kiện cho các em mở mang thêm kiến thức và tiếp cận với nhiều phương pháp học. Tuy nhiên đối với môn Tiếng Anh, khi trường chỉ có 1 giáo viên bộ môn khiến cho việc phân bổ tiết học và đảm bảo số tiết gặp nhiều khó khăn. Trước giải pháp của Phòng đưa ra, trường đã xã hội hóa, tu sửa và nâng cấp lớp học Tin học thành lớp học trực tuyến; đồng thời xen kẽ để học sinh có thể tiếp cận học trực tiếp với cô giáo bộ môn của nhà trường. Qua đó, đến thời điểm hiện nay trường vẫn đảm bảo đủ số tiết học theo quy định. Nhà trường cũng rất vinh dự khi trong tháng 11 sẽ được bổ sung và đầu tư 2 lớp học trực tuyến, điều này sẽ là niềm cổ vũ và đóng góp rất lớn trong việc hoàn thành kế hoạch năm học của trường…”.

Nhằm giải quyết “bài toán” khó trong việc đưa Chương trình học Tiếng Anh vào lớp 3, lớp 4, Phòng GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn về dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên. Đồng thời mong muốn được cấp kinh phí chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên dạy trực tiếp và giáo viên trợ giảng lớp học ảo môn Tiếng Anh; đối với Sở GD&ĐT Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị được phân công hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với đơn vị trường học được hỗ trợ để xây dựng kế hoạch bài dạy, sắp xếp thời khóa biểu khoa học, phù hợp, hiệu quả.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202312/bac-me-khac-phuc-kho-khan-day-tieng-anh-cap-tieu-hoc-f6455ed/