Bắc Kạn sau 26 năm tái lập

Bắc Kạn đã có những bước tiến xa và vững chắc sau 26 năm tái lập. Kết quả đó ghi dấu tinh thần sáng tạo và nỗ lực không mệt mỏi của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh…

Thành phố Bắc Kạn được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, hiện đại.

Chặng đường hình thành và tái lập tỉnh

Tỉnh Bắc Kạn được thành lập từ ngày 11/4/1900, khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách một phần đất thuộc tỉnh Thái Nguyên thành lập tỉnh Bắc Kạn. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái.

Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI (29/12/1978), hai huyện Ngân Sơn, Chợ Rã (Ba Bể) thuộc tỉnh Bắc Thái được tách ra và nhập vào tỉnh Cao Bằng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngày 06/11/1996, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội (khóa IX) ra Nghị quyết chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, chuyển 02 huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng trở về tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 01/01/1997, Lễ tái thành lập tỉnh Bắc Kạn được tổ chức long trọng tại thị xã Bắc Kạn, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Khi mới tái lập, Bắc Kạn đứng trước vô vàn khó khăn, như: Kinh tế - xã hội kém phát triển; nông nghiệp manh mún, lạc hậu; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển; thu ngân sách thấp; kết cấu hạ tầng thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn. Toàn tỉnh có 05 huyện, 01 thị xã và 112 xã, phường, thị trấn. Trong đó có tới 103 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; 16 xã chưa có đường ô tô, 16 xã khác ô tô chỉ đến được trong mùa khô; 02 huyện và 102 xã chưa có điện lưới quốc gia, 93 xã chưa có điện thoại. Trình độ dân trí thấp, đời sống người dân khó khăn, tỷ lệ đói nghèo chiếm trên 50% số hộ. Bộ máy cán bộ các cấp vừa thiếu, vừa không đồng bộ…

Thực hiện Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH13, ngày 11/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 02 phường Xuất Hóa, Huyền Tụng và thành phố Bắc Kạn, toàn tỉnh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 122 đơn vị hành chính cấp xã. Từ 01/02/2020, thực hiện Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bắc Kạn giảm từ 122 xã, phường, thị trấn xuống còn 108 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 96 xã, 06 phường và 06 thị trấn.

Đoàn kết nhất trí, sáng tạo vươn lên

Sau 26 năm tái lập, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, sáng tạo vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Diện mạo kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng và đời sống người dân đã có những đổi thay bước ngoặt so với năm 1997.

Mới đây, Đảng bộ tỉnh tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, những kết quả đạt được là rất tích cực và toàn diện. Theo đó, công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền được đặc biệt quan tâm. Đảng bộ tỉnh hiện có 11 đảng bộ trực thuộc với 432 tổ chức cơ sở đảng và 36.897 đảng viên (chiếm 11% dân số của tỉnh). Đến nay toàn tỉnh cơ bản không còn thôn, bản trắng đảng viên. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên không ngừng được nâng cao. Công tác dân vận được cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn, theo hướng gần dân, sát cơ sở…

Việc nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại được chú trọng. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực…

Những nỗ lực trên đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong 2 năm (2021, 2022) đạt 5,02%. GRDP bình quân năm 2022 đạt 46,3 triệu đồng/người, tăng 5,37 triệu đồng so với năm 2020. Kết quả thu ngân sách nhà nước hằng năm vượt dự toán giao, dự kiến đến năm 2025 thu ngân sách đạt 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản bình quân đạt 70%/năm. Tổng diện tích trồng rừng những năm gần đây bình quân đạt 4.254ha/năm. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 73,35%, cao nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có 182 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 181 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao; 01 sản phẩm OCOP 5 sao. Cơ cấu sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển dịch từ khai thác sang chế biến, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến gỗ, nông - lâm sản. Nhiều cụm công nghiệp được quy hoạch và xây dựng.

Đến nay, tỉnh có 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 63 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 12,38 tiêu chí. Tỉnh duy trì phổ cập giáo dục các cấp học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đạt trên 97%; có 107/288 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng và duy trì thực hiện tốt. Tỷ lệ số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 98,1%; tỷ lệ tham gia BHYT đến năm 2022 đạt 97%.

Công tác lao động, việc làm, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ. Bình quân hằng năm tỉnh giải quyết việc làm cho gần 6.800 lao động. Đời sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các gia đình chính sách, người có công được cải thiện. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 24,71%.

Công tác quốc phòng, an ninh, quân sự địa phương luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Những thách thức đặt ra phía trước

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, song chặng đường phía trước của Bắc Kạn vẫn còn không ít gian nan, thách thức.

Trong đó kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông, các công trình phục vụ dân sinh còn chưa hoàn thiện, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội. Đặc điểm địa hình phức tạp khiến suất đầu tư cho các công trình cao. Dịch Covid-19 đã được khống chế song thị trường vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động khó khăn, tiêu thụ giảm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm được triển khai. Nhiều nhà máy công nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động chưa đủ công suất. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, năng lực quản trị kinh doanh còn yếu, triển khai một số dự án chậm tiến độ so với cam kết.

Sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh tuy có chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng KHCN vào canh tác, chế biến sâu, song thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu. Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo. Tình trạng xâm hại rừng diễn biến phức tạp. Một số nơi xây dựng nông thôn mới chưa thực chất và còn thiếu bền vững... Về chuyển đổi số và CCHC, mức độ sử dụng, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình đối với người dân thấp... Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo cao, hiện tỉnh còn 2 huyện nghèo là Ngân Sơn, Pác Nặm; 67 xã và 648 thôn trong diện đặc biệt khó khăn. Một bộ phận người dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Để tiếp tục vươn lên, hội nhập cùng các tỉnh trong khu vực và hòa mình vào không gian tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, Bắc Kạn có nhiều việc cần phải thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, một số giải pháp trọng tâm đã được Đảng bộ tỉnh đề ra như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Rà soát, thẩm định kỹ để thu hút những nhà đầu tư thực sự có năng lực vào tỉnh. Đẩy mạnh việc triển khai, giải ngân vốn các chương trình MTQG, giải ngân đầu tư công. Bảo đảm tiến độ và chất lượng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh- nhất là các dự án giao thông kết nối liên vùng.

Lồng ghép, phân bổ kịp thời và sử dụng có hiệu quả nguồn lực; ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện các chính sách giảm nghèo. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở công nghiệp. Đổi mới các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách. Quản lý tốt lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số và CCHC.

Đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Triển khai đúng, đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội; chính sách dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội…

Những nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn tới của tỉnh là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương. Để có bước phát triển đột phá và tăng trưởng bền vững, vai trò của người đứng đầu và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát để chống các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… tỉnh rất cần những biện pháp để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách vì lợi ích chung. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cần được nâng cao hơn nữa về nội dung và hình thức; chú trọng biểu dương khen thưởng nhằm khơi dậy ý chí tự cường, khát vọng vươn lên của mỗi người dân, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày một phát triển./.

Đăng Bách

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/bac-kan-sau-26-nam-tai-lap-post55268.html