Bắc Kạn phải phát triển kinh tế, tập trung vào 2 đột phá là kinh tế rừng và du lịch

Trong chương trình công tác tại tỉnh Bắc Kạn, sáng 16-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thảo luận đánh giá kết quả, khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp để tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh và bền vững.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Kạn, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở và thẳng thắn chỉ rõ, quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn nhỏ; tốc độ tăng trưởng GRDP còn thấp; tăng trưởng ở 2 khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác xây dựng, triển khai quy hoạch chậm; sản xuất nông nghiệp manh mún, sản phẩm bán ra chưa có sức cạnh tranh; phá rừng trái pháp luật vẫn còn diễn ra; sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư còn hạn chế; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường còn hạn chế; tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh...

Trên cơ sở phân tích tiềm năng thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Thủ tướng cho rằng, Bắc Kạn có nhiều khó khăn, song có nhiều thuận lợi, vấn đề là phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết vấn đề và với tinh thần tự lực, tự cường thì thời gian tới Bắc Kạn sẽ phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bắc Kạn phải tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa một cách hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.

“Bắc Kạn phải huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước; đến năm 2050, có nền kinh tế năng động, mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ rõ, Bắc Kạn phải phát triển kinh tế, tập trung vào 2 đột phá là kinh tế rừng và du lịch. Trong đó, phát triển kinh tế rừng với 3 mũi nhọn là bán chứng chỉ carbon, phát triển điện sinh khối và công nghiệp dược liệu; phát triển du lịch trên nền tảng cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ và bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo Thủ tướng, nguồn lực và thời gian có hạn, trong khi yêu cầu thì phải kịp thời, phải nhanh, chất lượng, cho nên phải triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đột phá để phát triển; phát triển phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội...

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm; Nghị quyết 96/NQ-CP và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Tỉnh phải làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh. Khẩn trương hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bắc Kạn chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng; thúc đẩy đầu tư công; xây dựng các cụm, khu công nghiệp.

Tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững, làm trọng tâm thúc đẩy nền kinh tế; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học để sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng tập trung, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển nông thôn mới; phát triển nông - lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch; phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP, sản phẩm hữu cơ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công; đôn đốc các dự án, nhà máy đi vào hoạt động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, sớm có quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư; quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; tăng cường thu hút các dự án đầu tư; chú trọng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường kết nối giao thương với khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Bắc Kạn tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, “chọn đúng, chọn trúng” để thúc đẩy phát triển du lịch; xây dựng mô hình thí điểm phát triển “Điểm du lịch cộng đồng”; tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch gắn với phát huy các di sản văn hóa truyền thống của tỉnh; tiếp tục tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch thông minh.

“Bắc Kạn nên lấy hồ Ba Bể là trung tâm, kết nối các dòng sông, hồ Na Hang, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch”, Thủ tướng gợi ý.

Thủ tướng chỉ đạo, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Bắc Kạn; “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển.

Bắc Kạn nỗ lực tiếp tục giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông. Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Thủ tướng cơ bản nhất trí xem xét giải quyết, ăn cứ tình hình, nguồn lực chung để có lộ trình thực hiện phù hợp; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh xem xét, xử lý, những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét. Chính phủ đồng hành, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn về mặt cơ chế, chính sách, ý tưởng và tạo điều kiện để tỉnh triển khai thực hiện; đề nghị tỉnh Bắc Kạn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, huy động các nguồn lực toàn xã hội để đầu tư phát triển.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác kiểm tra Nhà máy luyện kim phi cốc của Công ty cổ phần vật tư và thiết bị toàn bộ - Matexim đang dừng hoạt động; nhằm xem xét, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, tái cấu trúc đầu tư dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà máy hoạt động trở lại.

Tin, ảnh: TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/bac-kan-phai-phat-trien-kinh-te-tap-trung-vao-2-dot-pha-la-kinh-te-rung-va-du-lich-734767