Bác Hồ luôn hiện hữu từng ngày (bài 2)

Sau 21 năm chống Mỹ, trở về quê, cha mẹ đều mất và không để lại một tấm di ảnh. Vậy là vợ chồng ông Đức đã đặt ảnh Bác Hồ lên bàn thờ gia tộc để hương khói như một người cha. Hằng ngày, ông bà kể cho con cháu nghe câu chuyện về Bác Hồ kính yêu.

Vợ chồng ông Đức dưới tấm ảnh Bác Hồ được người con trai út mang từ miền Bắc về tặng. Ảnh: Lê Văn Chương

Vợ chồng ông Đức dưới tấm ảnh Bác Hồ được người con trai út mang từ miền Bắc về tặng. Ảnh: Lê Văn Chương

Bài 1: Đồng bào miền Nam biết ơn Cụ Hồ

Bài 2: Những kỷ niệm khó phai

Dù đã mấy chục năm, nhưng khi đứa con trai mang tấm ảnh Bác Hồ về tặng cha, ông Lương Tấn Đức vẫn ôm ảnh Bác bật khóc. Còn vợ ông - bà Nguyễn Thị Lẫn thì nhớ lại chuyện “Bác về, Bác lại vô”.

Bốn lần được gặp Bác Hồ

Chuyện bốn lần được gặp Bác Hồ được ông Lương Tấn Đức say sưa kể lại: Năm 1957, tôi ở Trung đoàn 70, Đoàn 559. Đơn vị được chọn tham gia duyệt binh kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 12. Lúc 6 giờ 15 phút, ngày 2-9-1957, Quảng trường Ba Đình tưng bừng trong lễ duyệt binh và diễu hành quần chúng kỷ niệm 12 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và trong Ngày Quốc khánh năm đó, ông Đức và những người lính là con em của đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã say sưa nhìn Bác. Lòng ông thổn thức, vì trông Bác rất gầy. Bác đứng trên lễ đài vẫy tay chào, ánh mắt trìu mến.

Sau lễ duyệt binh, Bác nhìn xuống đoàn quân và quay sang nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chú Văn, hôm nay, Bác phát biểu 40 phút, Bác nói hơi dài. Chú cho bộ đội về tư thế nghỉ”. Kết thúc buổi lễ, Bác bước xuống bắt nhịp cho cả đoàn quân hát vang bài “Kết đoàn”.

Sáng hôm sau, Bác đến tận đơn vị bộ đội thăm hỏi. Cả đơn vị reo lên khi Bác vừa bước vào. Bác ân cần hỏi thăm các chiến sĩ về sức khỏe, quê quán. Bác hỏi: “Các chú ăn có no không?”. Cả đơn vị răm rắp: “Dạ, thưa Bác, chúng cháu ăn no ạ!”. Bác lắc đầu: “Các chú chắc ăn chưa được no. Các chú đi chiến đấu, mỗi ngày phải ăn 1kg gạo thì mới đủ”.

Kỷ niệm lần gặp Bác sâu sắc nhất đối với ông Đức, đó là năm 1965, đơn vị đang tập trung học tập tại trường Đảng ở Sơn Tây để vào Nam đánh Mỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hỏi lớp học: “Trước khi vào Nam, các đồng chí có nguyện vọng gì không?”. Anh Dương Ngọc Tĩnh, quê ở tỉnh Bến Tre đứng lên báo cáo với Đại tướng: “Trước khi vào Nam chiến đấu, anh em trong lớp xin được gặp Bác Hồ”.

Cuộc gặp Bác lần này được tổ chức tại Phủ Chủ tịch. Đi cùng Bác có các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Phùng Thế Tài, Đồng Quang Trung và Tố Hữu. Bác vừa bước vào, cả hội trường đứng dậy vỗ tay rào rào và reo lên: “Bác đến, Bác đến!”. Anh em trong lớp vui mừng, vì lần gặp này, sức khỏe của Người đã khá hơn 3 lần gặp trước.

Sau khi ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người, Bác hỏi đồng chí Tĩnh: “Quê cháu ở Bến Tre, có gần nhà cô Ba Định không? Khi vào đó cho Bác gởi lời thăm đồng bào miền Nam ruột thịt...”.

“Bác về, Bác lại vô!”

Câu chuyện về Bác Hồ được vợ ông Đức - cô du kích năm xưa kể lại bằng giọng Quảng Bình nằng nặng: “Bấy chừ cô đang làm Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Đại Trạch, Trung đội phó dân quân địa phương, Hiệu trưởng trường Đại Trạch. Đơn vị ngày đêm ra sức chiến đấu, mong miền Nam được hoàn toàn giải phóng để “Bác về, Bác lại vô”. Thế rồi tất cả không cầm được nước mắt khi nghe tin Bác mất”.

Đối với cô cũng như những người dân Quảng Bình, ai cũng biết câu chuyện “Bác về, Bác lại vô!”. Đó là vào ngày 16-6-1957, Bác đã đến thăm nhân dân tỉnh Quảng Bình. Bác ân cần căn dặn: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết". Trước ánh mắt bồi hồi của cán bộ và nhân dân Quảng Bình lúc chia tay, Bác nói: "Bác về, Bác lại vô...".

Một lòng khắc ghi lời Bác, 15 tuổi, cô du kích Nguyễn Thị Lẫn có nụ cười hồn nhiên, vai khoác súng, hông đeo 2 quả lựu đạn, cùng đồng đội ngày đêm sát cánh với bộ đội để bắn máy bay Mỹ. Đến ngày 27-6-1968, cô Lẫn và các đồng chí vui mừng khi nhận được thư Bác. Bác viết thư khen ngợi thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của quân và dân tỉnh Quảng Bình. Đóng góp vào thành tích đó, ngày 5-9-1969, cô đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Làm theo lời Bác, cô đã phấn đấu không ngừng và trở thành nữ dân quân điển hình, được cử đi học trường Hai Giỏi tại xã Hòa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, ông tơ, bà nguyệt đã se duyên cho cô được gặp Thiếu úy, Chính trị viên Lương Tấn Đức.

Ông Đức xúc động khi nhìn những hình ảnh về Bác Hồ. Ảnh: Lê Văn Chương

Ông Đức xúc động khi nhìn những hình ảnh về Bác Hồ. Ảnh: Lê Văn Chương

Ít ai biết được những khoảng khắc riêng tư của cô: Đó là sau giải phóng, cô theo chồng vào Nam, cuộc sống khó khăn trăm bề, 20 năm sau mới về Quảng Bình khi nghe tin mẹ ốm nặng. Tất tả bước chân vào Bệnh viện Cu Ba, thân hình gầy còm của cô đã khụy ngã. Cô được đưa lên tầng 4 cấp cứu và nằm hơn 1 tháng. Còn tại tầng 3, người mẹ lặng lẽ qua đời mà không được gặp con gái.

Sau ngày giải phóng, ngôi nhà tranh, vách đất ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi của ông bà trở thành địa điểm sinh hoạt chi bộ của thôn. Và cũng trong ngôi nhà này, Chi bộ đã kết nạp nhiều đoàn viên vào hàng ngũ của Đảng, như: Chị Phạm Thị Huyền, anh Võ Hưng, anh Nguyễn Tấn Phượng. Trong đó, có cả người con trai út của ông bà là anh Lương Minh Hải, sinh năm 1984. Đứng trước tấm ảnh Bác Hồ kính yêu, các đảng viên trẻ đã tuyên thệ suốt đời trung với Đảng, hiếu với dân, hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên Đảng Cộng sản.

Tôi nhìn lên tấm ảnh Bác đang vẫy chào được treo tại vị trí cao nhất trong ngôi nhà và nghĩ đến lời nói xúc động của ông Đức: “Bác đã đi xa 50 năm rồi, nhưng trong ngôi nhà này, Bác vẫn đi về, hiện hữu từng ngày”.

Anh Lương Minh Hải tâm sự: “Trước khi về địa phương nhận công tác, em cùng đoàn thực tập ra Hà Nội và vào viếng Lăng Bác. Lúc trở về, em mua tặng cho ba món quà mà ông quý nhất - đó là tấm ảnh Bác Hồ. Ba đã ôm choàng lấy tấm ảnh như được đón Bác”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bac-ho-luon-hien-huu-tung-ngay-bai-2/