Bắc Giang: Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững

Cùng trên một đơn vị diện tích đất canh tác, nông dân các địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm nay, ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương lựa chọn mô hình chuyển đổi phù hợp với quy hoạch phát triển, đúng mục đích.

Sản xuất các nông sản đặc trưng

Bước sang năm thứ 8 gia đình chị Nguyễn Thị Bình, ở thôn Đồng Bây, xã An Lạc (Sơn Động) sản xuất khoai tây chế biến liên kết với doanh nghiệp. Được cán bộ địa phương hướng dẫn, trên 6 sào ruộng cấy 1 vụ lúa trước đây, chị luân canh theo công thức “2 lúa, 1 màu” (2 vụ lúa và 1 vụ trồng màu). Tháng 3 vừa qua, gia đình thu hoạch hơn 5 tấn khoai tây thương phẩm. Khoai tây giống mới cho củ to đều, lòng vàng, năng suất đạt từ 8-9 tạ/sào. Với giá bán bình quân 8 nghìn đồng/kg, trừ chi phí gia đình lãi khoảng 38 triệu đồng với 6 sào trồng khoai. Toàn bộ sản phẩm được Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Nông (TP Bắc Giang) thu mua ngay tại ruộng nên chỉ trong buổi sáng đã giao dịch xong và nhận tiền về.

Nông dân xã Phúc Hòa (Tân Yên) thu hoạch ổi.

Thấy được hiệu quả kinh tế cao sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm nay, xã An Lạc mở rộng diện tích trồng khoai tây thương phẩm lên 71 ha, tăng 13 ha so với vụ trước. Theo đó, doanh nghiệp tham gia vào quy trình sản xuất từ khâu cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con khi thu hoạch. Có 9/10 thôn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giá trị sản xuất đất nông nghiệp tăng lên rõ rệt.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang trồng cây hằng năm (khoai tây, ngô, rau các loại), cây lâu năm (táo, ổi, mít, na…), nuôi trồng thủy sản giúp tăng giá trị sản xuất gấp từ 3-10 lần so với trồng lúa.

Cùng với vùng trồng khoai tây thương phẩm ở xã An Lạc, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Không chỉ thuận tiện trong canh tác, tạo thêm thu nhập cho người trồng, các vùng sản xuất còn xây dựng sản phẩm đặc trưng riêng của từng địa phương, tiêu biểu như: Vùng sản xuất rau cần tại xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) thu nhập đạt hơn 250 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng ổi tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) hơn 800 triệu đồng/ha/năm; trồng táo tại xã Phì Điền (Lục Ngạn) hơn 500 triệu đồng/ha/năm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang trồng cây hằng năm (khoai tây, ngô, rau các loại), cây lâu năm (táo, ổi, mít, na…), nuôi trồng thủy sản giúp tăng giá trị sản xuất gấp từ 3-10 lần so với cấy lúa. Việc chuyển đổi cần bám sát quy định, phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và điều kiện canh tác, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các khâu tổ chức sản xuất tạo thành quy trình khép kín, tính ổn định cao thì mới mang lại hiệu quả.

Tuân thủ quy định, triển khai mô hình phù hợp

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang xác định rõ đến năm 2030, tổng diện tích đất trồng lúa khoảng 48,7 nghìn ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa 45 nghìn ha. Hiện nay, diện tích đất trồng lúa của tỉnh khoảng 70 nghìn ha. Như vậy, dư địa cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vẫn còn khá lớn. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có kế hoạch chuyển đổi 6,1 nghìn ha đất trồng lúa sang cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản. Trong đó, năm 2024 chuyển đổi 671,9 ha đất trồng lúa ở các địa phương, tập trung ở huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Hiệp Hòa...

Ông Nguyễn Anh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm nay có nhiều thuận lợi bởi việc quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương đã đi vào nền nếp. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng một số nơi chính quyền địa phương chưa thực sự sát sao, còn tình trạng người dân chuyển đổi không đúng mục đích. Một số thửa ruộng chuyển nhượng qua nhiều chủ sử dụng nhưng chưa làm thủ tục, gây khó khăn cho chính quyền địa phương khi xác định nguồn gốc đất để làm thủ tục theo đúng quy định.

Khắc phục những vướng mắc trên, ngay sau khi kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của tỉnh ban hành, các địa phương khẩn trương thông báo đến người dân. Chính quyền xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) đang hướng dẫn các hộ dân đăng ký nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Đồng chí Ngô Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm nay, xã có 5 ha sẽ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng tôi yêu cầu các hộ cam kết thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi của địa phương, không làm ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, thủy lợi hoặc sản xuất lúa của các hộ ở khu vực liền kề. Xã cử cán bộ hướng dẫn người dân về thủ tục, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nếu có vi phạm”.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, mục tiêu cao nhất của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhằm khai thác tốt hơn lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần ổn định sản xuất và đời sống cho người dân. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng vẫn phải duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tuân thủ các quy định; xây dựng mô hình mới phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường. Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng.

Ở các xã miền núi, vùng cao có đất lúa canh tác không hiệu quả do ở vị trí xen kẹp, chân vàn cao, ven đồi, giáp với đất trồng cây lâm nghiệp hiện rất khó khăn về nguồn nước tưới, thường xuyên bị dịch bệnh gây hại. Qua nắm bắt nguyện vọng của bà con ở khu vực này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho Chính phủ có chính sách đặc thù cho phép các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả ở các xã miền núi chuyển đổi sang đất trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp để các hộ yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-xay-dung-vung-san-xuat-hang-hoa-tap-trung-ben-vung-161237.bbg