Bắc Giang quyết tâm bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Đề án 'Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh'. Theo đó, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ người dân tộc thiểu số nói được tiếng dân tộc đạt từ 15 - 20%.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bắc Giang năm 2019 cho thấy; toàn tỉnh chỉ còn 1,0% số người DTTS nói được tiếng của dân tộc mình (tiếng mẹ đẻ); trong đó: Dân tộc Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí) 4,16%; Dao 1,45%; Hoa 1,34%; Tày 1,29%; Nùng 0,93%; Sán Dìu 0,45%.

Các dân tộc này đều có bản sắc văn hóa và tiếng nói riêng (không có chữ viết riêng). Việc hình thành, lưu truyền bản sắc văn hóa từ ngàn xưa tới nay đều thông qua tiếng nói và bằng phương pháp truyền miệng. Đáng lo ngại nhất là số người dân tộc thiểu số không biết và không nói được tiếng của dân tộc mình chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên - thế hệ có trách nhiệm kế tục gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho đời sau.

Quan điểm của tỉnh Bắc Giang khi ban hành Đề án đó là việc bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số phải là việc làm thường xuyên, liên tục, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, không nóng vội; có “điểm khởi đầu”, không có “điểm kết thúc”; có lộ trình thực hiện các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nhu cầu, khả năng bố trí ngân sách, huy động nguồn lực và tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ sở.

Thực hiện Đề án, tỉnh Bắc Giang phấn đấu từng bước tăng tỷ lệ người dân tộc thiểu số nói được tiếng dân tộc bình quân từ 2- 3%/năm; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ người dân tộc thiểu số nói được tiếng dân tộc đạt từ 15 - 20%.

 Bắc Giangthực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số

Bắc Giangthực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số

Từ năm học 2024-2025 đến hết năm học 2029-2030: 100% các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc. Triển khai thí điểm việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng ở 73 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mỗi xã chọn 1 thôn/bản để làm điểm và rút kinh nghiệm cho triển khai những năm sau.

Từ năm 2026 đến năm 2030, hàng năm, tổ chức lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng; phấn đấu đến hết năm 2030, 100% số thôn/bản (539 thôn/bản) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được các lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng.

Đến hết năm 2030, các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, mỗi huyện có từ 2-3 thôn/bản có đội văn nghệ biểu diễn bằng tiếng dân tộc phục vụ cho du khách tại các điểm du lịch cộng đồng.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bac-giang-quyet-tam-bao-ton-phat-huy-tieng-dan-toc-thieu-so-post272943.html