Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính

Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản được thực hiện theo quy định, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần phát triển KT-XH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập, khó khăn. Để gỡ vướng cho cơ sở, Sở Tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp.

Còn tồn tại, bất cập

Sau gần 1 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17-CT-TU, ngày 14/10/2022 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác quản lý XLVPHC trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác quản lý XLVPHC. 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền đã ban hành tổng số 24.114 quyết định xử phạt VPHC, trong đó có 20.052 quyết định được thi hành. Tổng số tiền phạt thu được từ xử phạt VPHC hơn 97,8 tỷ đồng.

Công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Trần Phú (TP Bắc Giang) hướng dẫn công dân làm thủ tục hành chính đăng ký lại khai sinh.

Qua hoạt động theo dõi, kiểm tra của Sở Tư pháp và kết quả giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh cho thấy, việc thi hành pháp luật về XLVPHC ở cơ sở còn một số hạn chế. Ông Dương Văn Chung, Trưởng Phòng Văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Sở Tư pháp) thông tin, tồn tại nổi lên đó là công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về XLVPHC chưa thực sự hiệu quả; việc thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi VPHC của một số cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền chưa nghiêm túc...

Báo cáo của Đoàn giám sát HĐND tỉnh chỉ rõ: Vào giai đoạn 2020 - 2022, huyện Lục Nam thực hiện 10.252 quyết định, tổng số tiền phạt hơn 27,8 tỷ đồng; nhiều nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường. Trong đó, Chủ tịch UBND thị trấn Đồi Ngô ban hành 5 quyết định phạt hành chính trái thẩm quyền với số tiền lớn hơn 5 triệu đồng trong các lĩnh vực: Xây dựng; tài nguyên môi trường. Trường hợp các ông Lê Văn S, Ngô Văn C ở thị trấn Đồi Ngô vi phạm xây nhà ở đô thị không có giấy phép, theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì mức phạt từ 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, người đứng đầu địa phương lại ký, ban hành quyết định phạt 10 triệu đồng.

Theo Sở Tư pháp, việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt VPHC còn chưa triệt để do một số trường hợp cố tình trốn tránh, không tự nguyện thi hành. Phương tiện, kỹ thuật, kinh phí phục vụ công tác xác minh các vụ VPHC chưa được trang bị đầy đủ hay vướng mắc từ quy định pháp luật gây lúng túng trong quá trình thực thi pháp luật.

Ông Vũ Công Đức, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam lý giải, ở một số nơi, công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương của cán bộ, công chức chuyên môn cấp xã còn hạn chế khiến việc thiết lập hồ sơ xử phạt chưa chặt chẽ.

Cùng thời điểm 2020 - 2022, Công an tỉnh ban hành 142.803 quyết định song tới tháng 2/2023 vẫn còn 11.845 quyết định chưa thực hiện xong.

Nguyên nhân chủ yếu là do người vi phạm thường xuyên vắng mặt ở địa phương; số tiền nộp phạt cao hơn so với phương tiện đang bị tạm giữ. Một số người vi phạm có kinh tế khó khăn, không có đủ điều kiện nộp phạt.

Thực hiện đồng bộ giải pháp

Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trên, thời gian tới, các đơn vị, cơ quan cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trước mắt cũng như lâu dài nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tình hình thi hành pháp luật về XLVPHC. Trọng tâm là quán triệt thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp trong thực thi pháp luật về XLVPHC. Tiếp đó là chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực, bố trí cán bộ, công chức phù hợp; đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ người làm công tác này.

Ông Thân Quý Bình, Chủ tịch UBND phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho biết: “Nhằm thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật xử phạt VPHC, phường đã quyết định thành lập tổ công tác xử phạt VPHC, phân công cán bộ Tư pháp - Hộ tịch làm đầu mối. Đồng chí này có trình độ đại học chuyên ngành luật, tham mưu giúp lãnh đạo công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này”.

Mới đây, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn về nghiệp vụ xử phạt VPHC theo hướng “cầm tay chỉ việc”, “mắc đâu gỡ đó” cho hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt VPHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bà Trương Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ, Sở đã thường xuyên gửi đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ, Bộ, ngành T.Ư, BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những nội dung: Nghiên cứu các vướng mắc từ quy định của pháp luật để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu lực trong việc thi hành các quy định của pháp luật về XLVPHC.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị cùng cấp thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi. Phổ biến, giáo dục pháp luật về XLVPHC với hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Phát huy chức năng giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật về XLVPHC…

Thêm nữa, mỗi cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham mưu công tác này, người có thẩm quyền xử phạt VPHC cũng cần kiên quyết, không nể nang, kịp thời chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/407837/bac-giang-nang-cao-hieu-qua-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh.html