Bắc Giang: Gia tăng tai nạn do cháy nổ

Những ngày đầu năm, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân dẫn tới những sự việc đáng tiếc này là do ý thức chấp hành quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của người dân hạn chế, việc quản lý vật liệu nổ không chặt chẽ.

Hậu quả nặng nề

Thay vì quây quần đón Tết thì mấy ngày qua, gia đình anh N. V. H. (SN 1994) ở xã Quang Thịnh (Lạng Giang) phải ở bệnh viện chăm sóc anh. Quá trình tự chế pháo tại nhà gây cháy nổ khiến hai bàn tay anh H bị dập nát, tổn thương nghiêm trọng. Các bác sĩ cho biết, việc điều trị sẽ phải kéo dài nhiều ngày và có thể mang thương tật.

Trước đó, học sinh G.T.B, 14 tuổi ở Lục Ngạn cũng bị tai nạn do tự chế pháo, không chỉ làm bỏng mặt, chân tay mà chiếc máy xay sinh tố gần đó văng vào ngực trái gây tổn thương tim. Sự việc nghiêm trọng nên bệnh nhân đã được chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ.

Dịp Tết vừa qua, số ca nhập viện điều trị tai nạn thương tích liên quan đến pháo xảy ra nhiều. Trong tháng 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khám, điều trị gần 40 trường hợp bị thương do tai nạn pháo nổ, tập trung ở các huyện: Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam. Riêng từ đêm Giao thừa đến ngày mùng Một Tết, Bệnh viện tiếp nhận, điều trị 14 trường hợp. Hơn 90% bệnh nhân ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên; nhiều người đang là lao động chính của gia đình.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chuẩn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình cho biết: “Tai nạn do pháo gây ra những tổn thương nghiêm trọng, nguy cơ nhiễm trùng cao. Những bệnh nhân khoa tiếp nhận, điều trị đều bị hỏng toàn bộ bàn tay, ngón tay. Quá trình điều trị tốn kém thời gian, tiền bạc, nhiều trường hợp phải chịu thương tật suốt đời, mất khả năng lao động”.

Thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán xảy ra nhiều vụ cháy nổ do sử dụng pháo trái phép, chập thiết bị điện, nổ bình ga, sử dụng điện thoại khi đang sạc pin. Mới đây có trường hợp trẻ 4 tuổi ở TP Bắc Giang bị bỏng bàn tay do nổ bóng bay bơm khí hydro khi chơi đùa. Đây là loại bóng được sử dụng phổ biến hiện nay trong các dịp tổ chức tiệc cưới, sinh nhật, khai trương; bán ở các lễ hội, khu vui chơi công cộng.

Đơn vị chức năng khuyến cáo không nên cho trẻ em chơi loại bóng này bởi nguy cơ tiềm ẩn. Thực tế, loại bóng này rất dễ cháy nổ nếu để tiếp xúc gần với nơi sinh nhiệt như: Bóng đèn, bếp lửa, đèn sưởi, tàn thuốc lá. Ngoài ra, nếu gặp tác động mạnh của lực cũng khiến bóng phát nổ, có khả năng gây nguy hiểm cho người ở gần như: Bỏng mặt, tay, mù mắt, cháy tóc.

Ý thức hạn chế trong thực hiện các quy định về an toàn PCCC đã khiến nhiều gia đình phải chịu hậu quả nặng nề. Chẳng hạn như trường hợp bà Nguyễn Thị Q (SN 1974), ở thôn Tân Lập, xã An Dương (Tân Yên). Dù đã nửa tháng trôi qua nhưng bà Q vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ nổ xảy ra tại gian bếp của gia đình. Nguyên nhân là do bà Q để bình thuốc sâu có gắn ắc - quy gần bếp nên lửa bén sang làm ắc-quy phát nổ. Tai nạn khiến bà Quy bị thương mặt, tay, chân và sập một phần gian bếp.

Trong những ngày đầu năm, tại các nơi thờ tự như đình, chùa, đền thường tập trung đông người, sử dụng nhiều vật dụng dễ cháy như vàng mã, đèn cầy, đèn dầu, nến, nhang... tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Tăng cường tuyên truyền, xử lý

Trước Tết Nguyên đán, lực lượng công an đã đẩy mạnh tuyên truyền về các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ và PCCC tại các khu dân cư; cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của các hành vi đó. Đồng thời vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; tổ chức ký cam kết không sử dụng trái phép các loại chất nổ, pháo nổ trong trường học. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến pháo năm nay tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Không ít người vẫn cố tình sử dụng pháo trái phép; một số thanh thiếu niên mua các loại vật liệu, chất nổ qua mạng Internet để tự chế pháo dẫn tới tai nạn.

Có thể thấy, một bộ phận người dân, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên còn chưa nắm bắt hoặc thiếu ý thức trong chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo. Một số gia đình còn lơ là trong quản lý, giáo dục con em thực hiện phòng ngừa cháy nổ, để xảy ra nhiều vụ tự chế, đốt pháo trái phép.

Thiếu tá Ngô Tiến Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Lạng Giang) cho biết: Pháo nổ thường có sức công phá lớn nên dễ gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Việc phát nổ xảy ra trong quá trình tự chế pháo do người dân thực hiện không đúng quy trình, kỹ thuật; thuốc nổ mua trôi nổi ngoài thị trường. Tất cả những hành vi này đều là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy hiểm. Cùng đó hiểu biết về nguy cơ và việc chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ của người dân còn hạn chế. Việc quản lý vật liệu nổ còn có những kẽ hở và gặp khó khăn; thực tế vi phạm nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý ít.

Pháo tự chế do học sinh Trường THCS Tân Hoa (Lục Ngạn) tự nguyện giao nộp cho công an.

Pháo tự chế do học sinh Trường THCS Tân Hoa (Lục Ngạn) tự nguyện giao nộp cho công an.

Để giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ. Gia đình, nhà trường giáo dục, giám sát thanh thiếu niên thực hiện. Cùng với tuyên truyền, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.

Thời điểm này đang là mùa lễ hội, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, phòng ngừa cháy nổ và an toàn vệ sinh thực phẩm tại lễ hội. Nhằm bảo đảm PCCC, Công an huyện Tân Yên vừa chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm tại các nơi thờ tự. Trong đó, đề nghị ban quản lý các cơ sở thờ tự tuyên truyền du khách chấp hành nghiêm nội quy về PCCC; nâng cao kiến thức, kỹ năng chủ động PCCC cho những người làm việc, phục vụ tại đây.

Chủ động trang bị phương tiện PCCC, đặt ở những chỗ dễ thấy, dễ lấy và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng bảo đảm hoạt động tốt khi có cháy xảy ra. Cử người trông coi thường xuyên cả trong và ngoài thời điểm du khách đến thắp hương, kịp thời phát hiện và xử lý tình huống phát sinh. Việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn cách xa các vật dụng dễ cháy. Người dân khi thắp hương, nến, đèn, đốt vàng mã... chú ý bảo đảm an toàn PCCC, khi đốt vàng mã phải trông coi đến khi lửa tắt hoặc vẩy nước cho lửa tắt hẳn mới ra về.

Mỗi người dân hãy thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống cháy nổ; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Lệ Thanh - Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/399195/ba-c-giang-gia-tang-tai-nan-do-chay-no.html