Bắc Giang: Đầu tư trọng tâm, trọng điểm để giảm nghèo bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được triển khai với các tiêu chí đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh mới. Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi sự thay đổi về phương thức đầu tư, lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách và phát huy nội lực trong cộng đồng.

Lồng ghép nguồn lực, ưu tiên vùng khó

Năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 17,9 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,81%, giảm 1,46% so với năm 2021; 10/10 huyện, TP đều hoàn thành kế hoạch giảm nghèo; riêng huyện Sơn Động, hộ nghèo còn 20,8%, giảm 4,98% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra.

Tuyến đường bê tông qua bản La Lanh, xã Đồng Vương (Yên Thế) mới hoàn thành, tạo thuận lợi cho bà con đi lại, giao thương.

Tuyến đường bê tông qua bản La Lanh, xã Đồng Vương (Yên Thế) mới hoàn thành, tạo thuận lợi cho bà con đi lại, giao thương.

Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Khi triển khai các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của T.Ư, tỉnh về giảm nghèo, Sở chủ động quán triệt, hướng dẫn, phối hợp với các ngành, địa phương nhấn mạnh phương châm: Xóa dần hình thức hỗ trợ cho không, chuyển sang trợ giúp một phần, có đối ứng.

Hiện nay, số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, thôn, bản đặc biệt khó khăn đòi hỏi nguồn lực lớn cho đầu tư hạ tầng, sản xuất. Vì vậy, trong kế hoạch triển khai của UBND tỉnh, Sở cũng tham mưu kiên trì giải pháp lồng ghép nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

Năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 17,9 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,81%, giảm 1,46% so với năm 2021; 10/10 huyện, TP đều hoàn thành kế hoạch giảm nghèo; riêng huyện Sơn Động, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,8%, giảm 4,98% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra.

Yên Thế là một trong 4 huyện miền núi của tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ từ Chương trình 135. Năm 2020, huyện còn gần 1,2 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,85%. Tuy nhiên, năm 2021, một số tiêu chí nâng lên so với giai đoạn trước trong rà soát, số hộ nghèo toàn huyện tăng thêm 307 hộ, tương đương 1,06%.

Trước khó khăn này, trên cơ sở rà soát của các xã, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu phương án cụ thể để lồng ghép với các nguồn vốn khác. Từ tổng nguồn vốn phân bổ cho giai đoạn 2021-2023 hơn 162,4 tỷ đồng, huyện ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng, nhất là cải tạo công trình giao thông, thủy lợi ở những vùng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết, bám sát phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trong năm 2022, huyện lồng ghép vốn từ 3 chương trình mục tiêu (giảm nghèo, DTTS, nông thôn mới) bố trí gần 320 tỷ đồng cứng hóa đường thôn, xóm, trục xã, trong đó có nhiều tuyến tại vùng DTTS. Tiêu biểu như tuyến đường bê tông ở các bản: La Lanh, La Xa (xã Đồng Vương); đường bê tông, ngầm ở bản Đồng An, đường bê tông bản Gốc Bòng (xã Đồng Tiến)… Nhờ vậy, bà con đi lại, tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo.

Hỗ trợ sinh kế phù hợp

Những năm qua, kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tại nhiều địa phương, việc khai thác thế mạnh tự nhiên, lựa chọn cây, con giống để nhân rộng các mô hình sinh kế phù hợp đã giúp nhiều hộ nghèo tự lực vươn lên. Được biết, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh triển khai hơn 200 dự án, mô hình giảm nghèo với khoảng 49 nghìn lượt hộ nghèo tham gia.

Về xã Cấm Sơn (Lục Ngạn), chúng tôi thăm cơ ngơi khang trang của gia đình ông Vi Văn Sáu (SN 1969), thôn Mới. Trước đây, gia đình ông từng là một trong những hộ nghèo nhất xã. Năm 2016, ông mạnh dạn vay vốn cải tạo đất vườn đồi, tìm hiểu kỹ thuật trồng vải; đồng thời xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê, trâu, có lúc lên đến vài chục con. Nhờ năng động, giờ ông là chủ trang trại với 2 ha vải thiều trĩu quả, đàn gia súc phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021, gia đình ông tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Theo ông Hoàng Duy Từ, Chủ tịch UBND xã Cấm Sơn, nhiều mô hình như trồng vải thiều, táo, chăn nuôi trâu, bò, dê phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu lòng hồ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hương Sơn là xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế về địa hình, vài năm gần đây, người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa và chăn nuôi gà. Vì vậy, khi triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã dành phần lớn kinh phí đầu tư cho hoạt động hỗ trợ sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất, nhất là ở 2 thôn đặc biệt khó khăn là Khuôn Giàn và Hèo.

Đến nay, toàn xã có 100 hộ trồng dứa với khoảng 150 ha, 30 hộ chăn nuôi gà với quy mô 6 - 10 nghìn con/lứa; các hộ này đều có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, chị Đào Thị Yến (SN 1975), thôn Hèo xin tự nguyện thoát nghèo năm 2020.

Năm 2016, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng số tiền dành dụm được, chị bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi gà thả vườn. Sau đó, chị tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn. Đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình chị xuất bán 3 lứa gà thịt, 2 lứa lợn, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Lứa vừa rồi, chị xuất được 1,5 nghìn con gà và 60 tấn lợn, đầu ra được bao tiêu thuận lợi.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%, trong đó, các xã đặc biệt khó khăn còn 12,6%. Để hoàn thành mục tiêu này, trước hết, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ cơ sở, người nghèo; thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo, đồng thời tiếp tục rà soát, lồng ghép hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư trên cơ sở hỗ trợ có điều kiện, ưu tiên vùng khó khăn hơn; tăng cường tín dụng chính sách, đơn giản thủ tục để 100% hộ nghèo tiếp cận vốn ưu đãi.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/408038/bac-giang-dau-tu-trong-tam-trong-diem-de-giam-ngheo-ben-vung.html