Ba vấn đề chờ tòa án phán quyết trong vụ chuyến bay giải cứu

Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm sẽ làm rõ bên trong chiếc vali gửi đến Hoàng Văn Hưng chứa gì, bản án nào dành cho Phạm Trung Kiên?

Hoàng Văn Hưng nhận vali chứa 450.000 USD hay 4 chai rượu?

Sau 12 ngày xét xử và một tuần nghị án, chiều nay (28/7), TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết sơ thẩm đối với 54 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Với bản án đưa ra, Hội đồng xét xử sẽ làm sáng tỏ nhiều tình tiết khiến dư luận đặc biệt quan tâm xuyên suốt quá trình tranh tụng.

Một trong số đó, cấp sơ thẩm sẽ kết luận bên trong chiếc vali mà cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đưa cho cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an) là 450.000 USD (như lời khai ông Tuấn và quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân), hay chỉ có 4 chai rượu vang (như ông Hưng khẳng định).

Hoàng Văn Hưng bị đề nghị 19-20 năm tù.

Hoàng Văn Hưng bị đề nghị 19-20 năm tù.

Suốt 3 ngày tham gia tranh tụng, ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận là người môi giới hối lộ để giúp Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) và Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hằng không bị khởi tố. Để làm việc này, ông Tuấn nhiều lần giúp Hằng và Sơn chuyển tiền hối lộ cho Hoàng Văn Hưng.

Đối với ông Nguyễn Anh Tuấn, bị cáo được ghi nhận việc nộp lại hơn 1,8 triệu USD trước khi tòa tuyên án. VKS đề nghị lại mức phạt dành cho ông Tuấn, là 5-6 năm tù (mức cũ 6-7 năm tù).

Lần cuối cùng diễn ra trước trụ sở nơi ông Hưng từng làm việc vào sáng 5/12/2022. Ông Tuấn khai hôm đó, sau khi chia số tiền 450.000 USD thành hai phần rồi xếp vào chiếc cặp hiệu Samsonite, cài mã khóa “104”, bị cáo nhờ lái xe Trình Văn Huy mang cặp này cho ông Hưng.

Đoạn video dài hơn 4 phút ghi lại cảnh ông Hưng nhận chiếc vali cũng được VKS trình chiếu khi tranh luận công khai tại tòa.

Theo clip này, sáng 5/12, bị cáo Hưng mặc bộ vest tối màu, nhận vali từ anh Huy rồi để vào ghế sau ô tô nhãn hiệu Ford của Hưng. Lên xe khoảng 8 phút, Hưng trở lại trụ sở cơ quan, không mang theo vali. Sau đó, tài xế của Hưng lái xe rời khu vực này.

Trong hơn một tuần hầu tòa, bị cáo Hưng chưa lần nào thừa nhận trong vali nêu trên chứa 450.000 USD. Anh ta luôn khẳng định vali chứa 4 chai rượu vang và nói "sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để tìm lại sự trong sạch cho bản thân" khi nói lời sau cùng.

Phạm Trung Kiên có thoát án tử hình?

Trong số 21 bị cáo bị xét xử về tội nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) là người duy nhất bị VKS đề nghị mức án tử hình với cáo buộc anh ta nhận hối trên 42 tỷ đồng. Đây cũng là bị cáo nhận hối lộ số tiền lớn nhất vụ án.

Mức đề nghị như trên được đại diện VKS đưa ra sáng 17/7. Thời điểm đó, ông Kiên mới tác động gia đình nộp lại một phần tiền để mong khắc phục hậu quả.

Bị cáo Phạm Trung Kiên.

Bị cáo Phạm Trung Kiên.

Những ngày tranh tụng tiếp theo, ông Kiên thừa nhận cáo buộc nêu trên và khai trước thời điểm khởi tố vụ án, bị cáo đã trả lại 12 tỷ đồng cho nhiều doanh nghiệp. Đến chiều 24/7, tòa nhận được biên lai thể hiện gia đình Trung Kiên nộp thêm 7 tỷ đồng, nâng tổng số tiền bị cáo này nộp lại là khoảng 42 tỷ đồng.

Khi nói nguyện vọng trước tòa, Phạm Trung Kiên mong muốn Hội đồng xét xử và VKS xem xét việc bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, ăn năn hối cải, gia đình cũng tích cực nộp lại tiền khắc phục. Từ đó, Kiên kiến nghị tòa sơ thẩm tuyên bị cáo án tù có thời hạn.

Kiến nghị điều tra những gì ở giai đoạn hai?

Trong phần luận tội của VKS, cơ quan này ghi nhận vụ chuyến bay giải cứu có nhiều bị cáo từng công tác ở nhiều bộ, ngành, địa phương; hành vi, tính chất và mức độ phạm tội ở mức đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.

Đánh giá thủ đoạn nhận hối lộ là tinh vi, VKS nhấn mạnh hành vi nhận tổng số tiền đặc biệt lớn của các bị cáo xảy ra trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, còn bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Do đó, việc khởi tố, truy tố và xét xử 54 bị cáo là cần thiết, đảm bảo mục đích phòng ngừa chung cho toàn xã hội và răn đe, giáo dục riêng từng bị cáo.

Đại diện VKSND tranh tụng tại tòa.

Đại diện VKSND tranh tụng tại tòa.

Đáng chú ý, qua hành vi của Phạm Trung Kiên, VKS thấy cần kiến nghị để điều tra làm rõ hành vi và trách nhiệm của ông Đỗ Xuân Tuyên (Thứ trưởng Bộ Y tế) trong giai đoạn hai. Ông Tuyên là người ký công văn chấp thuận gửi Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép cho các chuyến bay.

Trong vụ án, 21 người nhận hối lộ với tổng số tiền trên 177 tỷ đồng, từ quan chức cấp thứ trưởng Bộ Ngoại giao đến lãnh đạo cấp cục một số bộ, ngành, hai phó chủ tịch Hà Nội và Quảng Nam, trợ lý Phó thủ tướng và thư ký thứ trưởng.

Ngoài ra, tại phiên tòa, bà Ngô Thị Lan Phương (chị gái của bị cáo Ngô Quang Tuấn) giao nộp nhiều tin nhắn và cho rằng đây là trao đổi giữa bà Phương và bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA). Tài liệu này thể hiện giao dịch dân sự (vay mượn và góp vốn mua đất) giữa Vy và bà Phương.

Theo VKS, hành vi của Ngô Thị Lan Phương có dấu hiệu che giấu tội phạm, kiến nghị cần tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn hai. Đáng chú ý, qua thẩm vấn tại phiên tòa, cơ quan tố tụng thấy một số bị cáo có dấu hiệu rửa tiền, nên đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ba-van-de-cho-toa-an-phan-quyet-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-d598684.html