Bà Rịa- Vũng Tàu: Tiểu thương chợ truyền thống kêu trời vì hàng rong, chợ tự phát

Tiểu thương ở Bà Rịa- Vũng Tàu nêu nhiều khó khăn, trong đó có buôn bán hàng rong, chợ tự phát chưa được kiểm soát gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các chợ truyền thống.

Ngày 23-4, Sở Công thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức hội nghị đối thoại với tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đại diện các sở ngành, địa phương, Ban quản lý các chợ và khoảng 60 tiểu thương đang kinh doanh ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Nhiều chợ truyền thống xuống cấp nhưng khó được sửa chữa

Theo Sở Công thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, hiện nay những hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa hiện đại ngày càng thuận tiện hơn với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, mua sắm online... Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của chợ truyền thống khiến thị phần ngày một giảm đi.

Thực tế, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh được đầu tư khá lâu, qua quá trình khai thác đa số đã xuống cấp trầm trọng, không được sửa chữa, cải tạo do vướng các quy định về sử dụng ngân sách tại Nghị định số 02/2003 và Nghị định số 114/2009 về phát triển và quản lý chợ.

Điều này gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của tiểu thương và nhu cầu mua sắm của người dân.

Tiểu thương chợ Bà Rịa gặp nhiều khó khăn khi kinh doanh, buôn bán ế ẩm, vắng khách. Ảnh: TK

Một số hộ tiểu thương đã chủ động chuyển đổi phương thức kinh doanh, từ bán hàng trực tiếp sang kinh doanh online qua các ứng dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, cốt lõi của văn hóa chợ truyền thống vẫn là mua bán trực tiếp, cách thức bán hàng online của tiểu thương chỉ mang tính tự phát nhằm thích nghi với điều kiện mới.

Tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn tồn tại. Tình trạng tiểu thương vi phạm nội quy chợ vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là các hành vi lấn chiếm lối đi, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến việc thực hiện văn minh thương mại.

Hội nghị đối thoại với các tiểu thương, hộ kinh doanh do Sở Công thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức. Ảnh: TK

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, PCCC, vệ sinh môi trường tại một số chợ chưa đảm bảo; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, vi phạm trật tự đô thị, cản trở giao thông thường xuyên xảy ra ở khu vực quanh chợ.

Công tác quảng bá, quảng cáo tại chợ chủ yếu do hộ kinh doanh tự thực hiện; chưa có tài khoản hoặc website chính thống để quảng bá cho chợ, góp phần trao đổi thông tin, tuyên truyền, vận động, thúc đẩy hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ...

Tình trạng buôn bán hàng rong, chợ tự phát còn diễn ra ở một số nơi cũng gây khó khăn cho hoạt động của chợ truyền thống. Ảnh: TK

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kinh doanh chợ, từ năm 2018 tỉnh đã thực hiện thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác đối với 5 chợ, gồm: Chợ Phường 5 (TP Vũng Tàu), chợ Phước Hải (huyện Đất Đỏ), chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức), chợ Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và chợ Châu Pha (thị xã Phú Mỹ).

Đến nay, 4 chợ đã hoàn thành việc thí điểm chuyển đổi, chỉ còn chợ Phường 5 xin dừng thực hiện và đề xuất chuyển qua thực hiện thí điểm tại chợ Long Sơn cũng thuộc Vũng Tàu...

Cần xử lý nghiêm buôn bán hàng rong, chợ tự phát

Tại hội nghị, tiểu thương tại các chợ Vũng Tàu, chợ Bà Rịa, chợ phường Mỹ Xuân, Hắc Dịch (thị xã Phú Mỹ), chợ Xuyên Mộc đã nêu nhiều ý kiến xoay quanh những khó khăn của tiểu thương trong kinh doanh tại các chợ hiện nay. Các tiểu thương cho biết, thời gian qua một số kiến nghị của họ cũng đã được địa phương, sở ngành và tỉnh vào cuộc hỗ trợ, giải quyết.

Tuy nhiên nhìn chung việc kinh doanh buôn bán tại các chợ hiện gặp rất nhiều khó khăn. Các chợ đều vắng khách, tiểu thương vì buôn bán ế ẩm nên đã sang, trả sạp nghỉ bán để ra ngoài. Nhiều chợ xuống cấp gây mất mĩ quan, môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thắm, tiểu thương ở chợ Vũng Tàu nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Đặc biệt là vấn đề buôn bán hàng rong quanh chợ, buôn bán bằng xe đẩy, xe ôtô không được xử lý triệt để, gây thiệt thòi, khó khăn cho tiểu thương kinh doanh trong chợ có thuê sạp, đóng thuế...

Qua đó, tiểu thương cũng kiến nghị có những hỗ trợ về quy định pháp luật, giảm thuế. Ngoài ra địa phương cần xử lý triệt để vấn đề buôn bán hàng rong và một số chợ tự phát như hiện nay.

Sau khi nghe ý kiến các tiểu thương, phòng Kinh tế- Hạ tầng các địa phương, Ban quản lý chợ và sở ngành Công thương, Tài chính, Thuế đã trao đổi lại các vần đề tiểu thương đặt ra.

Đại diện phòng Kinh tế- Hạ tầng thị xã Phú Mỹ trao đổi lại một số vấn đề tiểu thương đặt ra. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Về vấn đề buôn bán hàng rong, chợ tự phát các địa phương cho hay đã vào cuộc quyết liệt và đề ra nhiều giải pháp như lắp camera để giám sát, xử phạt...nên tình trạng có giảm dù chưa triệt để. Việc lập lại trật tự đô thị, xử lý tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm các địa phương tiếp tục triển khai.

Đồng thời qua đó các ban, ngành cũng nhấn mạnh các giải pháp, hướng chuyển đổi kinh doanh tại các chợ truyền thống cho phù hợp, thích ứng với nhu cầu, phương thức mua sắm hàng hóa hiện nay của số đông người dân.

Với những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, Sở Công thương ghi nhận và cam kết sớm kiến nghị với UBND tỉnh để có chỉ đạo, xử lý hoặc kiến nghị cấp trên.

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 92 chợ; trong đó 79 chợ nằm trong quy hoạch (3 chợ hạng 1; 14 chợ hạng 2; 60 chợ hạng 3; 2 chợ tạm) và 13 chợ tự phát, không nằm trong quy hoạch; không có chợ đầu mối.

66 chợ do nhà nước quản lý (trong đó có 33 chợ thành lập Ban quản lý chợ; 31 chợ thành lập Tổ quản lý, một chợ giao cho hộ kinh doanh quản lý; một chợ giao cho Hợp tác xã quản lý); chợ do doanh nghiệp quản lý 13 chợ.

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ba-ria-vung-tau-tieu-thuong-cho-truyen-thong-keu-troi-vi-hang-rong-cho-tu-phat-post787059.html