Bà Rịa-Vũng Tàu: Hồ tiêu tăng giá, nông dân có ngoảnh mặt làm ngơ?

Mặc dù giá tiêu đang được thu mua ở mức từ 74.000-75.000 đồng/kg, tăng từ 14.000-15.000 đồng/kg so với đầu năm nhưng nông dân đã không còn xu hướng 'chạy' theo điệp khúc 'trồng-chặt, chặt-trồng.'

Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Giá bán hồ tiêu tại thị trường trong nước thời gian gần đây liên tục tăng.

Dự báo giá hồ tiêu trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao hơn. Nguyên nhân được xác định bởi hiện nay nguồn cung hạn chế khi diện tích và năng suất cây trồng này đều giảm hơn so với trước đây.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, những năm trước, vườn tiêu rộng 1ha của gia đình ông Hồ Văn Thư, ở ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức cho thu hoạch gần 6 tấn tiêu nhưng 3 năm trở lại đây, năng suất giảm dần xuống từ 2,5-3 tấn.

Theo ông Thư, từ năm 2017 trở lại đây, giá tiêu có thời điểm rớt xuống mức 38.000-42.000 đồng/kg, trong khi chi phí phân bón, công lao động mỗi năm một tăng, thời tiết lại diễn biến thất thường khiến năng suất tiêu giảm, nên nông dân không dám đầu tư vì thua lỗ.

Hiện giá tiêu đang được thu mua tại Bà Rịa-Vũng Tàu ở mức từ 74.000-75.000 đồng/kg, tăng từ 14.000-15.000 đồng/kg so với đầu năm (thời điểm thu hoạch hồ tiêu). Do đó, dù giá tăng nhưng nông dân hầu như không được hưởng lợi, vì phần lớn đã bán ngay sau khi thu hoạch xong để trang trải chi phí đầu tư.

Gia đình bà Lê Thị Hoàn, trú tại ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, có 1,3ha tiêu trồng hơn 10 năm, chia sẻ do giá tiêu luôn lên xuống thất thường, nên nhiều năm nay gia đình bà không có nhiều vốn để chăm sóc vườn, chính vì vậy năng suất ngày càng giảm.

(Ảnh minh họa: Hoài Thu/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Hoài Thu/TTXVN)

Cụ thể, vụ tiêu đầu năm nay, gia đình bà chỉ thu được 1 tấn tiêu, với giá bán từ 58.000-59.000 đồng/kg trong khi chi phí đầu tư đã lên tới hơn 70 triệu đồng, gia đình bà đã thua lỗ nặng nề. Không thể nào “chạy” theo điệp khúc “trồng-chặt, chặt-trồng” nên gia đình bà cố gắng để lại vườn tiêu nhưng không còn mặn mà chăm sóc đầu tư.

Cũng vì vậy, khi giá tiêu tăng, nông dân vẫn không mấy mặn mà tái đầu tư cây trồng này. Hiện nhiều vườn tiêu già cỗi đã được nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái.

Ông Phan Huy Duẩn, hộ trồng tiêu xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, chia sẻ những năm gần đây thời tiết khi không thuận lợi, cộng với giá tiêu thấp, giá phân bón tăng cao, gia đình ông đã không còn chú trọng chăm sóc cây tiêu, khiến tiêu đậu trái thưa, ít hạt, năng suất thấp so với thời điểm giá tiêu tăng cao trước đây…“Gia đình tôi đang có ý định chuyển dần sang trồng các loại cây có năng suất, giá trị kinh tế cao hơn cây tiêu,” ông Duẩn chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Hạnh, hộ trồng tiêu ở xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, cho biết tiêu liên tục nhiều năm mất mùa, tỷ lệ cây trong vườn cũng bị chết khá nhiều do nhiễm bên nên gia đình đã quyết định chuyển dần sang trồng xen cây sầu riêng, bơ, cau để dần thay thế hẳn cây trồng này.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh giảm mỗi năm. Nếu như năm 2018, tỉnh có gần 13.000ha hồ tiêu thì đến nay đã giảm còn khoảng 10.600ha. Không chỉ giảm mạnh về diện tích, năng suất cây trồng này cũng giảm từ 6-7 tấn/ha xuống chỉ còn 3-4 tấn/ha.

Nguồn cung giảm mạnh, nên dự báo giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không nên vì giá tiêu tăng mà quay lại trồng nhiều loại cây này; thay vào đó nên tập trung chăm sóc vườn tiêu hiện có theo hướng hữu cơ, qua đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc trồng xen canh cây tiêu với các loại cây trồng khác nhằm tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích. Điều này cũng góp phần hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hồ tiêu
trong 5 tháng đầu năm tăng 30% về lượng nhưng giảm 12,7% giá trị do giá xuất khẩu giảm.

Về thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, ngược lại đơn hàng đi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) có xu hướng giảm.

Cụ thể, trong 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 131.777 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 119.832 tấn, tiêu trắng đạt 11.945 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 408,9 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 354,1 triệu USD, tiêu trắng đạt 54,7 triệu USD.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 3.443 USD/tấn, tiêu trắng đạt 4.955 USD/tấn, giảm lần lượt 21,7% và 18,4% so với cùng kỳ năm 2022./.

Hoàng Nhị (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ba-riavung-tau-ho-tieu-tang-gia-nong-dan-co-ngoanh-mat-lam-ngo/868485.vnp