Bà Rịa-Vũng Tàu gỡ khó cho các cụm công nghiệp

Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có động thái gỡ khó cho các cụm công nghiệp bỏ không nhiều năm do vướng thủ tục.

Khu công nghiệp Sonadezi, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) là 1 trong 13 khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Khu công nghiệp Sonadezi, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) là 1 trong 13 khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Cơ sở vật chất một số cụm công nghiệp được đầu tư khang trang, hiện đại bằng vốn ngân sách của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và được bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành, khai thác nhưng sau nhiều năm do vướng nhiều thủ tục nên phải bỏ không gây lãng phí.

Trước tình trạng này, tháng 6/2023, UBND tỉnh đã có quyết định giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương tỉnh) quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Đây là một trong những động thái nhằm gỡ khó cho các cụm công nghiệp của tỉnh để sớm được đưa vào hoạt động.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cụm công nghiệp được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, đó là Cụm Chế biến hải sản Bình Châu, Cụm công nghiệp Chế biến hải sản Lộc An, Cụm công nghiệp Chế biến thực phẩm Long Phước và Cụm công nghiệp Hòa Long.

Các cụm công nghiệp này trước thời điểm bàn giao cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đều được giao cho Công ty Đầu tư và khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (IZICO) quản lý nhưng đều vướng về thủ tục pháp lý nên nhiều năm không thể đưa vào hoạt động (trừ cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An đã đi vào hoạt động trước đó mới giao cho IZICO quản lý).

Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc chuyển giao nhiệm vụ này phù hợp quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP Chính phủ về quản lý phát triển Cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phát triển cụm công nghiệp.

Sau khi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Quyết định thu hồi tài sản từ IZICO và chuyển giao tài sản cho Trung tâm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh cho các doanh nghiệp thuê đất trong các cụm công nghiệp theo khoản 1 Điều 23 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.

Việc này sẽ tháo gỡ vướng mắc thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất trong các cụm công nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục về giấy phép xây dựng, có cơ sở để vay vốn ngân hàng và các thủ tục liên quan, tạo thuận lợi để các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố di dời vào các cụm công nghiệp được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết, thời gian tới khi tiếp nhận quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trung tâm sẽ có nhiệm vụ trình Sở Công thương đề án kiện toàn bộ máy, tổ chức, trình Sở Nội vụ xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt để Trung tâm có bộ phận chuyên trách tinh gọn quản lý, khai thác hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.

Sở Công Thương sẽ phối hợp các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh khẩn trương thực hiện chính sách di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố vào các cụm công nghiệp được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, tổ chức cung cấp các dịch vụ, tiện ích chung trong cụm công nghiệp, hướng dẫn các thủ tục triển khai các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất di dời cụm công nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, phối hợp thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh thực hiện theo kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong cụm công nghiệp….

Trước đó, phóng viên TTXVN đã có nhiều bài phản ánh như: Vì sao nhiều cụm công nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu chưa thể hoạt động? phát 3/4/2021; Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy nhanh di dời cơ sở chế biến hải sản vào khu tập trung, phát ngày 21/10/2022 hay Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa thể di dời cơ sở chế biến hải sản vào các cụm công nghiệp, phát vào 9/5/2023....; trong đó, nêu lên hiện trạng một số cụm công nghiệp được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thiện và giao cho IZICO quản lý và khai thác hạ tầng nhưng nhiều năm vẫn chưa thể đi vào hoạt động, nhất là việc di dời các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào các cụm theo quy định.

Các cụm công nghiệp đều gặp khó khăn chung mà sau nhiều năm UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan gỡ rối nhưng vẫn không thể đưa vào hoạt động. Đơn cử như Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu được khởi công vào năm 2014 và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2019 trên tổng diện tích là hơn 21 ha.

Cũng trong năm 2019, công trình này đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng và UBND huyện Xuyên Mộc cũng đã tiến hành bàn giao hiện trạng cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu, cho Công ty Công ty IZICO trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, sau thời gian dài công trình này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Hay như, Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Long Phước, Cụm công nghiệp Hòa Long, thành phố Bà Rịa mặc dù cũng đã hoàn thành xây dựng từ năm 2019 bàn giao cho IZICO quản lý, vận hành và khai thác từ thời điểm năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Sau nhiều lần gỡ vướng với đủ các khó khăn, thì khó khăn hiện tại là do IZICO là đơn vị sự nghiệp, không có tiền để đóng tiền thuê đất nên chưa đủ điều kiện để được cấp sổ hồng. Do đó, cũng không đủ điều kiện ký hợp đồng cho các đơn vị thứ cấp thuê hạ tầng để di dời, hoạt động trong cụm công nghiệp. Phía IZICO đề xuất tỉnh cho tạm ứng để đóng tiền thuê đất trước. Sau khi được cấp sổ hồng, ký hợp đồng cho các đơn vị thứ cấp thuê sẽ nộp tiền lại ngân sách. Tuy nhiên theo Sở Tài chính, các quy định pháp luật liên quan không cho phép được tạm ứng như trên; tỉnh vẫn chưa ban hành giá đất thuê đối với các dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp được đầu tư bằng vốn ngân sách….

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, UBND tỉnh đã đồng ý phương án chuyển đơn vị quản lý từ IZICO sang Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh vận hành, khai thác và quản lý. Lúc đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ là đơn vị ký trực tiếp cho thuê đất với các đơn vị thứ cấp.

Như vậy, với việc chuyển giao này sẽ gỡ khó để các cụm công nghiệp được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước với hy vọng sẽ sớm được đưa vào hoạt động, để tỉnh không bị lãng phí, bỏ hoang cơ sở vật chất của các cụm công nghiệp đã được đầu tư tiền tỷ rồi để đó.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay tỉnh có 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích 533 ha, UBND tỉnh cũng đã giao 14 cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp và địa phương làm chủ đầu tư xây dựng.

Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 6 cụm công nghiệp đi vào hoạt động; trong đó, 5 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 1 cụm công nghiệp do nhà nước làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư hạ tầng của các cụm công nghiệp là gần 2.100 tỷ đồng, thu hút được 30 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.895 tỷ đồng. Qua đó đã tạo việc làm cho khoảng 7.800 lao động, tỷ lệ lấp đầy của 6 cụm công nghiệp đạt khoảng 65%./.

Hoàng Nhị/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ba-ria-vung-tau-go-kho-cho-cac-cum-cong-nghiep/298349.html