Bà ngoại và tôi – truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nỗi oan trứng lộn

Sự là hôm ấy bà ngoại vô nhà nhờ cắt dùm thẻo ruộng sau hè. Nhớ lại bữa trước, hai anh em ra giúp ngoại cuốc góc be bờ. Bữa ấy ngoại hứa sẽ trả công bằng trái mít ráo. Mít ráo chờ hoài hổng thấy, giờ kêu cắt lúa nữa. Chán! Tôi hậm hực ngồi thụng mặt. Ngoại phân bua: Trái mít bữa trước hứa cho, chưa kịp hái thì thằng ăn trộm nó vặt mất. Mồ tổ cha nó, báo hại bà ngoại thất hứa! Thấy tôi còn sù sụ, ba phán, anh em bây ngày mai dắt nhau ra thui đám lúa đi.

Nhân tiện kể thêm, má tôi là con đời trước, thời gian chị em tôi lui tới ngoại là lúc “ông ngoại nhỏ” đã mất. Ruộng đất không còn, bà ngoại lo nuôi dưỡng, dựng vợ gả chồng xong cho mười hai đứa con thì xác xơ luôn. Trong những người con của ngoại, chỉ duy nhất má tôi thuộc hộ nghèo, làm ruộng nuôi bò nên mấy chuyện cày cắt ngoại thường kêu má. Cũng từ khi “ông ngoại nhỏ” mất, bà ngoại mới ra vô nhà tôi như chỗ người nhà chứ ngày xưa thì đừng hòng. Mỗi bận đi ngang nhà tôi, ngoại bước sấp bước ngửa.

Theo lệnh ba, anh em tôi đội nón mang liềm đi cắt lúa cho ngoại. Anh Năm không có thái độ gì nhưng tôi thì mặt nặng mày nhẹ. Cái mùi mít chín cứ váng vất trong đầu, tôi chẳng có tâm trí đâu mà cắt lúa nên cứ lấy cớ đi uống nước, tiểu tiện cho mau hết buổi. Lúc chạy vô giếng, tôi thấy bà ngoại đang rửa trứng. Trứng gì vậy ngoại? Trứng lộn, con gà đang ấp cũng bị thằng nào ẵm mất. Nó từ bi nhường rổ trứng cho anh em bây nè, lát vô ăn nha! Tôi nhảy cẫng ra ruộng tíu tít khoe anh Năm. Coi chừng vấp té giờ! Thiệt luôn á. Tôi mừng thiểu điều vấp té. Trời ơi, trứng lộn là món thiên hạ đệ nhứt ngon. Tôi có thể tai (ăn) một lần bảy cái luôn. Đấy là nhờ một lần bà cô ở Nha Trang năm thì mười họa về chơi, thết chị em tôi một bữa trứng lộn chứ dễ gì. Nhỏ giờ ở với má toàn ăn trứng ung (trứng gà không cồ nhưng ấp) không hà. Mùi cứ hin hỉn nhức óc nhưng vẫn ngồi chấm muối ăn ngon nghẹn. Giờ nghe sắp được ăn trứng lộn, tôi thấy mình bay bổng trên chín tầng mây. Trời đang nắng đổ lửa, mồ hôi túa ra nhớt nhợt, mới nãy tôi tưởng nắng đã nung mình chảy nhựa ra rồi nhưng giờ thì thấy nắng nhẹ, mây xốp, gió bồng bềnh. Chao ôi là dễ chịu. Mấy cái trứng lộn y như một liều doping, tôi cắm đầu cắt chứ không chống nạnh kêu nắng nữa. Năm trêu, làm như rổ trứng lộn đang bỏ trên bờ không bằng…

Cắt xong đám ruộng thì trời cũng thu bóng. Nắng cháy đầu cháy cổ. Tôi tranh thủ hái mớ rau răm bên thềm giếng nên nhờ Năm vô nhà ngoại thu chiến lợi phẩm. Ngoại ơi, ngoại ơi… Nghe tiếng Năm kêu, tôi mường tượng bà ngoại đang vội xuống bếp bỏ trứng lộn vào túi. Tôi tít mắt mơ tới viễn cảnh được ngồi trước rổ trứng lộn, chén muối tiêu và một đĩa lá rau răm xanh mướt. Khốn khổ cái tâm hồn ăn uống, mới nghĩ đến đó thì nước miếng tuôn ra xối xả, không kịp nuốt luôn.

Năm bước ra, về nhanh ăn cơm, đói rồi! Trứng lộn đâu? Chỉ còn… vỏ! Đừng nói có thằng ăn trộm nữa nha? Tôi mếu máo, cạnh khóe vụ trái mít ráo. Tên trộm có tên Xì Dầu (con dì Út). Nàng về chơi, vừa lúc trứng chín, ngoại bảo nàng mới cảm xong, xanh lét... Năm nói tới đó thì im ru bước nhanh, còn tôi thì vừa đi vừa khóc. Khóc gì lãng nhách? Để tao cắt lúa mướn mua cho một thúng. Ăn một lần long óc rồi tởn tới già luôn… Ai thèm khóc vì rổ trứng lộn. Dù cái tâm hồn ăn uống có to bằng trời thì tôi cũng đâu nhỏ nhen tới mức đó. Tôi khóc vì bà ngoại chẳng thương mình bằng con Xì Dầu. Cảm mạo một chút mà làm gì to chuyện. Tôi nhỏ giờ cảm hoài cảm hũy, trận sốt xuất huyết vừa rồi tưởng đã ra… gò nằm rồi í chứ. Nhưng có ai cho cái trứng lộn nào bồi bổ đâu? Đấy là chưa nói, con cháu này phơi nắng một buổi, thiểu điều nổ đom đóm chứ con Xì Dầu có công lao hạng mã gì? Được rồi, từ nay có việc gì thì ngoại đi kêu con Xì Dầu í, tôi được đà khóc tới…

Mấy hôm sau bà ngoại đem vô nhà tôi một rổ trứng vịt lộn. Tôi nhất định không ăn. Con Út đem nhứ nhứ trước mặt. Giờ có đem một núi trứng lộn cũng không dỗ được tôi đâu. Nó mắng tôi nhỏ mọn rồi kêu bà ngoại có lòng, còn tôi thì ác. Ai ác với ai trời? Nó làm sao hiểu được lòng tôi. Tôi là nạn nhân của “vụ án rổ trứng lộn” chứ đâu phải nó. Nếu bạn là tôi, bạn có ấm ức tới già hông?

Làm lành

Tôi đi làm dưới phố, thi thoảng mới được về thăm nhà nhưng không thấy má. Con Út bảo má mới vào viện nuôi bà ngoại. Thấy tôi vẫn không có phản ứng gì, em ấy tiếp, như đánh vào lương tri của bà chị cứng đầu, ngoại bất ngờ bệnh nặng, nặng lắm... Thấy không thể dửng dưng được, tôi cũng giả bộ hỏi han cho phải phép.

Ngoại mình đang bệnh mà hỏi thăm cứ như ngoại của bạn hông bằng. Út nói bằng giọng bức xúc. Tôi gắt: Chớ không phải ha? Bà là ngoại của con Xì Dầu chớ ngoại gì mình mà mầy giành? Trời ơi, vẫn chưa quên được rổ trứng lộn!

Con Út nhìn tôi bằng ánh mắt phức tạp, vừa phẫn nộ vừa bi thiết rồi ôm cặp đi học. Tôi bật ti vi lên coi. Đang toe miệng với anh diễn viên bảnh trai người Hàn thì Năm nhắc, nghe tin ngoại bệnh chưa, cơ quan sát bệnh viện, coi thu xếp qua thăm ngoại nha. Tôi ậm ự.

Ậm ự nhưng chưa đi thăm thì ngoại xuất viện. Không phải không thu xếp được mà thiệt tình là lòng hổng muốn đi. Má không la trách gì, bà bảo: Ngày còn nhỏ, má ghét bà ngoại lắm. Ghét đến mức căm hận. Nhưng bây giờ má cũng đã là một bà ngoại, ít nhiều hiểu hết nhẽ đời. Bà ngoại khổ đủ vành đủ vẻ rồi, bây đừng làm tội làm tình ngoại nữa... Tôi như nghe được nỗi buồn hun hút trong giọng nói nhẹ tênh kia, tôi hiểu là mình không được phép làm má buồn. Mai mốt tôi cũng là một bà ngoại vậy.

Tôi về ngoại. Giờ có muốn cũng không giận ngoại được nữa rồi. Ngoại tôi nằm đó, khô rạc. Căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đã vắt sạch sẽ chút sinh khí sót lại của bà lão tám mươi. Thân ngoại mỏng dánh, nằm sát giường, tấm lưng lở lói. Tôi nghĩ đến cảm giác những chiếc xương cạ ràn rạt vào những sợi chiếu cói mà thấy lạnh sống lưng. Khuôn mặt ngoại teo tóp, bợt bạt, đôi mắt đỏ như mắt cá ươn. Dù đã cố gắng tìm thì tôi vẫn không thấy một dấu hiệu nhỏ nào của sự sống nữa. Tôi không kìm được xúc động. Rút chiếc phong bì đã thủ sẵn, dúi vào tay ngoại.

- Cháu gửi ngoại chút quà lo thuốc thang!

Cái cơ thể không có chút phập phồng nào của mạch máu bỗng có dấu hiệu của sự sống. Đôi tay lẩy bẩy đẩy chiếc phong bì về phía tôi. Ngoại thều thào, đến… thăm… được… r…ồi…!

Nỗi oan của ngoại

Rồi bà ngoại mất. Năm nào má tôi cũng giỗ ngoại.

- Đố mẹ xuống dưới đó, bà ngoại sẽ ở với “ông ngoại lớn” hay “ông ngoại nhỏ”?

- Mầy không thấy bà ngoại dặn để bà nằm gần “ông ngoại lớn” hả?

- Vậy mích lòng “ông ngoại nhỏ” chết?

Tôi đang có ngẫu hứng lầy đây nên giỡn tới. Nhưng thấy mẹ đỏ mắt, tôi bối rối. Mẹ thút thít:

- Bà ngoại đến chết cái tâm vẫn khổ. Biết làm sao cho vừa lòng hết thảy. Ngày ông cố bắt lấy chồng, bà sống chết không chịu. Nhưng rồi áo mặc sao qua khỏi đầu. Một người vợ phải tái giá khi mộ chồng vẫn còn tươi - nhức nhối tâm can lắm! Trần ai hơn khi mang hai bầu sữa nặng nề mà bỏ con đói sữa. Có một lần, một lần duy nhất bà trốn “ông ngoại nhỏ” về cho mẹ mấy cái bánh tráng mà về bị đánh tím mặt tím mày. Mang nặng đẻ đau một bầy con nhưng chẳng có phước cậy con.

- Má vẫn lo cho ngoại chu đáo đấy thôi.

- Tội! Ngoại “tự ái”, cực chẳng đã chứ không muốn nhờ vả gì má. Bệnh đau, bảo về ở má chăm nhưng một hai không chịu. Vụ rổ trứng lộn của bây làm bà ngoại mất ngủ đấy.

Má tôi nói xong thì khóc rồ lên như đứa trẻ. Tình mẫu tử đã làm cho người phụ nữ ở tuổi “tri thiên mệnh” bỗng trẻ dại như đứa bé lên ba nhớ bầu sữa mẹ. Tiếng khóc của mẹ làm tôi bừng tỉnh. Ngoại ơi, cháu xin lỗi…

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/229540/ba-ngoai-va-toi-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-nguyen-thi-bich-nhan.html