Bà Meloni chặn thuyền hay bị thuyền chặn?

Tình trạng người nhập cư qua Địa Trung Hải ồ ạt đổ về Italy từ đầu năm nay đang đe dọa phá hỏng những thành tựu mà Thủ tướng Giorgia Meloni đạt được kể từ khi nhậm chức.

Thủ tướng Meloni đối mặt thách thức lớn từ vấn đề nhập cư. Ảnh: Reuters.

Một trong những cam kết chủ chốt giúp Thủ tướng Meloni cùng liên minh cánh hữu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Italy tháng 9/2022 là lời hứa chưa từng được ai đưa ra trước đó: Ngăn thuyền chở người nhập cư sử dụng Italy làm “cánh cửa” để tới châu Âu, theo CNN.

Bà Meloni khi đó khẳng định sẽ ngăn tất cả thuyền chở người di cư cập vào bờ biển Italy - bất chấp việc những ai đang ở trên đó, bất chấp nguyên nhân thúc đẩy họ mạo hiểm mạng sống để lênh đênh trên biển.

Tuy nhiên, bà đã không thể thực hiện được lời hứa. Số người di cư đổ về bờ biển Italy đầu năm 2023 cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước đó, đe dọa vị thế chính trị tưởng chừng vững chắc mà bà đạt được trong những tháng đầu nhiệm kỳ.

“Cơn sóng thần” ập đến

100 ngày đầu nắm quyền dường như là “tuần trăng mật” với bà Meloni. Các chính sách của bà dường như không “cực hữu” như một số người lo ngại. Với lợi thế nói được nhiều ngôn ngữ, bà cũng xây dựng được quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Bà cũng có thể duy trì liên minh với các chính trị gia lão luyện như Matteo Salvini và Silvio Berlusconi bất chấp khác biệt trong quan điểm về cuộc xung đột tại Ukraine. Vào đầu năm nay, vị thế của bà dường như vững chắc hơn bao giờ hết.

Đó cũng là lúc các con thuyền chở người di cư liên tục cập vào bờ biển Italy.

Tính tới hôm 21/4, hơn 35.000 người đã tới Italy bằng thuyền - cao gấp hơn ba lần số liệu năm 2022. Để so sánh, mới chỉ có hơn 4.000 người di cư đi thuyền từ Pháp đến Anh từ đầu năm đến nay.

Một khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ với đảng Anh em Italy (Fratelli d'Italia - FdI) của bà Meloni đã rơi xuống mức dưới 30%.

“Đây là vấn đề nghiêm trọng. Tôi cho rằng đây là cuộc khủng hoảng cấp bách nhất đối với chính phủ của bà ấy vào lúc này”, ông Giovanni Orsina, chuyên gia tại Đại học Luiss Guido Carli (Rome), nhận định.

Số người nhập cư qua Địa Trung Hải tới Italy tăng cao trong những tháng đầu năm 2023. Ảnh: Reuters.

Theo ông Orsina, bà Meloni thực hiện “chính sách kép” trong vấn đề người nhập cư: Vừa gây áp lực lên châu Âu, vừa xử lý trong nội bộ - trong bối cảnh đa số người Italy vẫn chưa chịu tác động trực tiếp từ vấn đề này.

“Bước ngoặt sẽ là khi những người nhập cư không còn ở trên tiêu đề báo nữa mà xuất hiện ngay trước nhà họ, trên các con phố hay quảng trường tại các thị trấn nhỏ ở Italy. Khi đó, đây trở thành vấn đề hiển hiện trước mắt thay vì trừu tượng”, vị chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định vì vốn không ai tin tưởng bà Meloni có thể ngăn được các thuyền di cư đến Italy, tỷ lệ ủng hộ đi xuống phản ánh các vấn đề khác của chính phủ.

“Người nhập cư và EU là các vấn đề bị soi xét kỹ, nhưng có các vấn đề khác gây ra mối đe dọa lớn hơn với bà ấy”, ông Francesco Galietti, người sáng lập hãng tư vấn chính trị Policy Sonar tại Rome, nói với CNN.

Động thái của vị thủ tướng

Người nhập cư là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất đối với EU trong nhiều năm qua. Theo bà Hanne Beirens, giám đốc Viện Chính sách Nhập cư châu Âu (MPI), việc ngăn chặn các con thuyền trong chặng cuối của cuộc hành trình chỉ là cách giải quyết vấn đề từ ngọn.

“Nếu bạn hỏi một chuyên gia về di cư rằng liệu bà ấy (Thủ tướng Meloni) có thế ngăn các con tàu hay không, câu trả lời sẽ là không”, bà Beirens nói, chỉ ra thứ duy nhất từng có thể ngăn người di cư là đại dịch Covid-19.

Theo bà Beirens, các con tàu sẽ vẫn đổ về bờ biển Italy đến khi châu Âu đồng thuận về cách thức giải quyết tận gốc tình trạng này - từ xử lý các vấn đề ở quê nhà của người nhập cư tới cho họ cơ hội nộp đơn tị nạn sớm hơn.

“Nếu họ (EU) không thể giải quyết tình trạng lộn xộn, các nước thành viên sẽ tự đối phó, đơn phương ra quyết định đẩy lùi người nhập cư, gây ra tình trạng bạo lực ở biên giới hay thậm chí còn tồi tệ hơn”, bà Beirens nhận định.

Một vụ đắm tàu chở người nhập cư tại Calabria, Italy hồi tháng 2 khiến ít nhất 93 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Đây dường như đang là cách được Thủ tướng Meloni lựa chọn: Hồi đầu tháng 4, Italy đã ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề nhập cư, theo AP. Theo đó, giới chức nước này sẽ được phép mạnh tay hơn đối với những người nhập cư trái phép.

Quyết định của bà Meloni bị một số khu vực thiên tả tẩy chay. Bà Elly Schlein, lãnh đạo đảng Dân chủ (PD) đối lập, thậm chí liên hệ quyết định này với thời kỳ Mussolini.

Tuy nhiên, theo ông Orsina, tuyên bố tình trạng khẩn cấp giúp bà Meloni có thêm thời gian.

“Điều này cũng cho phép bà ấy nhanh chóng vượt qua các thủ tục của hệ thống quan liêu Italy, cũng như gửi thông điệp tới đất nước rằng vấn đề đang được xử lý một cách nghiêm túc”, ông nói.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-meloni-chan-thuyen-hay-bi-thuyen-chan-post1424893.html