Ba mặt trận Israel đang phải đối phó ngoài Gaza

Israel đối mặt với một loạt mặt trận tấn công mới trong cuộc chiến chống Hamas.

Xe tăng của Israel ở Cao nguyên Golan khai hỏa. Ảnh: AFP

Năm tuần kể từ khi bắt đầu xung đột, các cuộc tấn công vào Israel đang trải dài từ biên giới với Liban và Syria đến Bờ Tây và Biển Đỏ.

Theo tờ El Pais, mối lo ngại rằng cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza sẽ lan rộng khắp khu vực đã phần nào trở thành hiện thực. Năm tuần sau khi Hamas phát động cuộc tấn công chết chóc vào ngày 7/10, Israel đang phải đối mặt với các mặt trận tấn công mới, nằm bên ngoài vùng đất của người Palestine nhưng lại hướng vào trong lãnh thổ của người Do Thái. Ông Benny Gantz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel và hiện là thành viên của nội các chiến tranh, thừa nhận rằng đất nước của ông hiện đang trong một “cuộc chiến trên nhiều mặt trận”.

“Trọng tâm chính là ở Gaza, nhưng chúng tôi đang chiến đấu phòng thủ và tấn công ở phía Bắc và các khu vực khác”, ông Gantz, người từng đóng vai trò Tổng Tham mưu trưởng IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) trong cuộc chiến quy mô lớn năm 2014 ở Gaza, cảnh báo vào tuần trước. Tuyên bố của ông được đưa ra một tháng sau khi bắt đầu cuộc chiến khiến 1.200 người ở Israel và hơn 11.000 người ở Gaza thiệt mạng. Các cuộc tấn công chống lại Israel, chủ yếu do dân quân và các nhóm vũ trang được cho là được Iran ủng hộ, kéo dài từ biên giới Liban và Syria, đến Bờ Tây và Biển Đỏ.

Mặt trận phía Bắc

Sự leo thang của các cuộc đụng độ ở biên giới Liban - Israel đã mở ra mặt trận thù địch lớn nhất và bùng nổ nhất sau cuộc xung đột ở Dải Gaza. Kể từ ngày 7/10, 90 người – trong đó 70 người là thành viên của lực lượng Hezbollah - đã thiệt mạng trên lãnh thổ Liban. Các cuộc đấu rocket giữa quân du kích dòng Shiite và pháo binh Israel ở cả hai bên Đường Xanh (đường phân chia giữa hai quốc gia vẫn đang có chiến tranh về mặt kỹ thuật) đang trở nên căng thẳng hơn và sâu rộng hơn mỗi ngày. Hôm 11/11, đụng độ đã xảy ra tại một khu vực nằm cách biên giới 40km về phía Bắc, nơi một máy bay không người lái của Israel tấn công một phương tiện của Liban.

Ông Yossi Kuperwasser, người từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu tình báo của IDF, tin rằng “sự leo thang trên mặt trận Liban đang diễn ra một cách có kiểm soát”. “Nhưng sau khi Israel xâm nhập vào Thành phố Gaza, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cuộc đối đầu hiếu chiến hơn ở biên giới Liban”, ông Kuperwasser nhận định hôm 9/11 tại một hội nghị dành cho các nhà báo nước ngoài ở Jerusalem.

Theo quan điểm của ông, “dường như cả Israel và Hezbollah đều không sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh toàn diện” như năm 2006. Khi đó, 1.300 người Liban, chủ yếu là dân thường và 165 người Israel, hầu hết là binh lính, đã thiệt mạng trong 33 ngày giao tranh. Sau này, 10.800 lính gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ 40 quốc gia đã được triển khai tới biên giới.

Trong bài phát biểu thứ hai kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza, lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah hôm 11/11 cho biết Iran “cung cấp hỗ trợ về quân sự, tài chính và ngoại giao”. Ông nói thêm: “Nếu sự phản kháng diễn ra mạnh mẽ ở Liban, Palestine và khu vực, thì đó là nhờ sự hỗ trợ về vật chất, quân sự và tài chính từ Iran. Điều này đã mang lại sự thay đổi trong cán cân răn đe khu vực”.

Lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah phát biểu qua màn hình trước người ủng hộ, ở vùng ngoại ô phía nam Beirut, Liban ngày 11/11/2023. Ảnh: Reuters

Ông Nasrallah tiết lộ rằng Hezbollah đang tấn công các mục tiêu mới ở Israel với sự gia tăng về số lượng hoạt động và loại vũ khí trong những ngày gần đây, đồng thời tuyên bố mặt trận Liban “sẽ vẫn hoạt động”.

Tuy nhiên, “Hezbollah phải tính đến những gì người dân Liban còn lại đang nói. Họ biết rằng đất nước của họ, đang sa lầy trong một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, có thể bị tàn phá nếu chiến tranh với Israel nổ ra. Không ai muốn điều đó”, ông Kuperwasser, hiện là chuyên gia an ninh tại Trung tâm Công vụ Jerusalem, cảnh báo. Ông nói thêm: “Đầu tiên và quan trọng nhất, Hezbollah đang tìm cách đánh lạc hướng Israel khỏi mục tiêu cơ bản của họ là chống lại Hamas ở Dải Gaza”.

Cũng ở mặt trận phía Bắc, Israel còn có các đối thủ khác như lực lượng dân quân Palestine lưu vong ở Liban, liên kết với cả Hamas và đảng Fatah. Từ Syria, trên biên giới với Cao nguyên Golan (bị Israel chiếm đóng từ năm 1967), Lực lượng Quds, lực lượng viễn chinh của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, cũng đóng vai trò quan trọng. Xa hơn, lực lượng dân quân Shiite của Iraq cũng đang tấn công các căn cứ mà Mỹ dung để bảo vệ các đồng minh của mình ở Trung Đông, trong đó có Israel.

Mặt trận phía Nam (Biển Đỏ)

Lãnh đạo Hezbollah, Nasrallah cũng cho biết “trục kháng chiến” đang kiềm chế Israel bằng các hoạt động ngăn chặn, ám chỉ các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen nhằm vào mũi phía Nam lãnh thổ Israel. “Israel đã buộc phải chuyển một phần hệ thống phòng không của mình tới khu vực Eilat", ông Nasrallah nói.

Eilat là một địa điểm du lịch nổi tiếng trên Vịnh Aqaba, lối vào Biển Đỏ của Israel. Máy bay không người lái tự sát, các vụ phóng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo từ Yemen đã làm tăng gấp đôi mối đe dọa đối với lãnh thổ Israel, chính xác là ở khu vực mà hơn 60.000 thường dân Israel đã sơ tán đến từ các vùng giáp Dải Gaza.

Đối phó với mối đe dọa từ Biển Đỏ, Israel đã lần đầu tiên sử dụng hệ thống phòng thủ Arrow mới. Đây là lá chắn tên lửa tiên tiến nhất mà họ có, sau hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt - dành cho tên lửa tầm ngắn) và David's Sling (tầm trung). Phiến quân Houthi đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công, một số trong đó đã tấn công lãnh thổ Ai Cập gần đó. Từ Biển Đỏ, Saudi Arabia và Mỹ cũng đang che chắn cho Israel khỏi các cuộc tấn công của phiến quân Yemen. Tàu khu trục Carney của Mỹ, được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis, đã đánh chặn một số tên lửa và máy bay không người lái do Houthi phóng.

Nhóm Houthi cho biết họ sẽ tiếp tục bắn vào Israel chừng nào nước này còn tấn công Dải Gaza. Ảnh: Getty Images

Cựu Tướng Kuperwasser cho biết: “Chúng ta đang phải đối mặt với một kiểu chiến tranh đa mặt trận mới. Nhưng không phải tất cả các mặt trận đều đang được chiến đấu với cường độ như nhau. Mặt trận chính là ở Gaza, và những nơi khác, chống lại Hezbollah hoặc Houthi, chỉ là thứ yếu. Chúng tôi có mặt trên các mặt trận còn lại và với lực lượng đông hơn mức chúng tôi thường triển khai trong thời gian bình thường.”

Mặt trận Bờ Tây

Israel đã triển khai binh lính ở biên giới với Liban và Syria cũng như ở ven Biển Đỏ. Đồng thời, nước này đã tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực do Chính quyền Dân tộc Palestine kiểm soát về mặt lý thuyết, ở Bờ Tây - nơi đã bị Israel chiếm đóng trong 56 năm. Ông Kuperwasser cho biết: “Hoạt động triển khai quân sự rất mạnh mẽ ở phía Bắc, xung quanh Jenin”.

Kể từ ngày 7/10, ít nhất 175 người Palestine đã thiệt mạng dưới tay lực lượng an ninh Israel hoặc những người định cư Do Thái cực đoan. Còn trước cuộc tấn công của Hamas, khoảng 220 người Palestine cũng đã thiệt mạng kể từ đầu năm 2023. Đây được cho là thời điểm nguy hiểm nhất ở Bờ Tây kể từ làn sóng Intifada lần thứ hai (2000 - 2005).

Chuyên gia Kuperwasser nói: “Hamas đặt nhiều kỳ vọng vào việc mở rộng ảnh hưởng của mình ở Bờ Tây và trong cộng đồng người Arab ở Israel [chiếm 20% dân số gốc Palestine], nhưng những người này hiện vẫn bình tĩnh”.

Trái ngược với những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh Gaza năm 2021, sự bùng phát bạo lực ở các thành phố có sự pha trộn giữa người Arab Israel và người Do Thái Israel, chẳng hạn như Lod hay Haifa, cho đến nay vẫn chưa xuất hiện trong cuộc xung đột hiện tại. Ở Đông Jerusalem, nơi bị chiếm đóng từ năm 1967, đã xảy ra ít nhất ba vụ đâm vào lực lượng an ninh, trong đó một sĩ quan thiệt mạng và những kẻ tấn công bị bắn chết.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ba-mat-tran-israel-dang-phai-doi-pho-ngoai-gaza-20231114161639040.htm