Ba Lan sẵn sàng cho Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân, Nga cảnh báo mạnh

Vũ khí hạt nhân đang là tâm điểm tranh cãi giữa các nước phương Tây và Nga, sau khi Ba Lan tuyên bố sẵn sàng cho Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở nước này.

Ba Lan và Nga ngày qua có nhiều tuyên bố rắn liên quan việc Warsaw sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ. Phía Nga cũng tố phương Tây đang đẩy thế giới tới bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Ba Lan sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân, Điện Kremlin phản ứng

Trả lời phỏng vấn nhật báo Fakt ngày 22-4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga liên quan Ukraine.

Ông Duda cho biết rằng vấn đề đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ đến Ba Lan (gần lãnh thổ Nga) “đã là chủ đề của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ba Lan trong một thời gian”.

“Tôi đã nói về điều này nhiều lần. Tôi đã tuyên bố [Ba Lan] sẵn sàng khi [phía Mỹ] hỏi về khả năng đó” - ông Duda nói.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: AFP

Tổng thống Ba Lan cho rằng sở dĩ Warsaw có lập trường như vậy là do “Nga đang ngày càng quân sự hóa” vùng Kaliningrad (lãnh thổ hải ngoại của Nga) giáp Ba Lan và Lithuania. Ông Duda lưu ý việc Moscow cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.

"Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi để tăng cường an ninh cho sườn phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì chúng tôi sẵn sàng cho điều đó” - ông Duda cho hay.

Ông Duda nhắc lại rằng với tư cách là thành viên NATO, Ba Lan có một số nghĩa vụ nhất định và “về mặt này, chúng tôi chỉ đơn giản thực hiện một chính sách chung”.

Mỹ hiện đã triển khai vũ khí hạt nhân đến 5 thành viên NATO là Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáp lại tuyên bố của ông Duda, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp thích hợp để tự vệ nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan, theo đài RT.

“Trong mọi trường hợp, quân đội Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp đối phó cần thiết để đảm bảo an ninh của chúng tôi” - ông Peskov nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi phát ngôn của ông Duda là một “sự khiêu khích” không có gì đáng ngạc nhiên, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin.

“Chính quyền Ba Lan từ lâu đã không giấu giếm tham vọng kết nối chặt chẽ với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu” - bà Zakharova nói, thêm rằng Warsaw muốn số vũ khí đó đóng một vai trò nhất định trong “chính sách thù địch sâu sắc của họ đối với Nga”.

Bà Zakharova cũng cảnh báo rằng "nếu vũ khí hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên lãnh thổ Ba Lan, các cơ sở liên quan sẽ ngay lập tức bị liệt vào danh sách mục tiêu hợp pháp trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga với NATO”.

Ngoại trưởng Nga: Phương Tây đang đẩy thế giới tới bờ vực chiến tranh hạt nhân

Ngày 22-4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng lập trường thù địch công khai của tập thể các nước phương Tây (do Mỹ dẫn đầu) đối với Nga và những nỗ lực phá hoại các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có có thể gây ra một cuộc chiến tranh thảm khốc giữa các cường quốc hạt nhân toàn cầu, theo RT.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. TASS

Phát biểu tại Hội nghị Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Moscow do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và An ninh Nga tổ chức, ông Lavrov lưu ý rằng các cơ chế kiểm soát, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân đang trong tình trạng khủng hoảng.

Theo Ngoại trưởng Nga, điều này gây nguy hiểm cho an ninh quốc tế.

Ông Lavrov cáo buộc Mỹ cố tình phá hủy các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và triển khai những kế hoạch chỉ có lợi cho riêng Washington.

Ông Lavrov cũng lưu ý mối nguy hiểm tiềm tàng của Hiệp định đối tác tăng cường an ninh ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) khi liên kết này đang “ngày càng trở nên giống một khối quân sự”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng đề cập mối nguy hiểm của NATO khi liên minh này đang tăng cường chi tiêu quân sự.

Theo ông Lavrov, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt khi 3 cường quốc hạt nhân lớn của phương Tây là Mỹ, Anh và Pháp nằm trong số những nhà tài trợ chính cho Kiev.

“Mỹ và các quốc gia NATO vẫn đang kỳ vọng gây ra một thất bại chiến lược cho Nga và sẵn sàng tiếp tục chính sách răn đe Moscow. Phương Tây đang có nguy cơ đẩy thế giới lâm vào cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, thứ có thể gây ra hậu quả thảm khốc” - ông Lavrov nói.

Mỹ và các đồng minh phương Tây chưa lên tiếng về tuyên bố của ông Lavrov.

Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ, Mỹ và Nga nắm giữ gần 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Năm ngoái, Nga đã đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - thỏa thuận hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga.

Nga tuyên bố rằng sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột Ukraine là nguyên nhân chính dẫn đến việc đình chỉ.

Kể từ đó, Washington đã kêu gọi Moscow nối lại đối thoại về hiệp ước nhưng Moscow khẳng định viễn cảnh đó khó xảy ra nếu Mỹ tiếp tục hỗ trợ Kiev.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ba-lan-san-sang-cho-my-trien-khai-vu-khi-hat-nhan-nga-canh-bao-manh-post786947.html