Ba lần được gặp Bác Hồ

Cầm trên tay những bức ảnh kỷ vật, lật giở lại những trang hồi ký, ông Ngô Ngọc Khuông, 83 tuổi, hiện đang sống ở ấp 9, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai-nguyên Thượng sĩ Điện công trên tàu Hải Lâm (Quân chủng Hải quân) không kìm được xúc động khi nhớ lại những lần được gặp Bác Hồ.

10 năm phục vụ trên tàu Hải Lâm-con tàu gỗ được Chủ tịch Mao Trạch Đông tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9-1960), ông Ngô Ngọc Khuông vinh dự nhiều lần được tham gia nhiệm vụ đưa đón Bác Hồ. Hơn nửa thế kỷ qua, những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ ấy trong cuộc đời vẫn được ông nâng niu giữ gìn như báu vật.

 Đồng chí Ngô Ngọc Khuông cùng cán bộ, chiến sĩ Phân đội 1, Đoàn 130 trên tàu Hải Lâm chụp ảnh cùng Bác Hồ, ngày 15-3-1961. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Đồng chí Ngô Ngọc Khuông cùng cán bộ, chiến sĩ Phân đội 1, Đoàn 130 trên tàu Hải Lâm chụp ảnh cùng Bác Hồ, ngày 15-3-1961. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Giới thiệu về bức ảnh có ghi rõ ngày tháng chụp, tay chỉ vị trí của mình trong ảnh, ông kể: “Đây là bức ảnh kỷ niệm của các cán bộ, chiến sĩ tàu số 126 và 129 thuộc Phân đội 1, Đoàn 130, Cục Hải quân (nay thuộc Quân chủng Hải quân) chụp chung với Bác Hồ và bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) trên tàu Hải Lâm khi chúng tôi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Bác trong chuyến đi thăm Vịnh Hạ Long ngày 15-3-1961. Kết thúc nhiệm vụ, thành viên thủy thủ đoàn vinh dự được chụp ảnh chung cùng Người”.

Bác Hồ trong cảm nhận của chàng trai trẻ 20 tuổi khi ấy thật giản dị. Ông nhớ rõ khoảng 8 giờ sáng hôm đó, Bác Hồ cùng bà Đặng Dĩnh Siêu lên tàu Hải Lâm rời cảng Hải Phòng đi tham quan Vịnh Hạ Long, vừa lên tàu, Bác hỏi ngay đồng chí thuyền trưởng Nguyễn Hữu Tiến về nội quy của tàu rồi vui vẻ tháo đôi dép đang đi đặt ngoài boong tàu dù không ai nhắc nhở. Thấy các đồng chí cảnh vệ lo lắng, sợ sóng đánh khó giữ được đôi dép của Người, ông Khuông ngỏ ý xin được phép giữ gìn đôi dép của Bác cho đến khi tàu cập bến. “Cầm đôi dép cao su của Bác trên tay, tôi vui sướng vô cùng!”-cụ Khuông bộc bạch.

 Đồng chí Ngô Ngọc Khuông (hàng hai, thứ hai từ phải sang) trong chuyến tháp tùng Bác Hồ và Anh hùng Liên Xô Titov thăm vịnh Hạ Long, ngày 22-1-1962. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Đồng chí Ngô Ngọc Khuông (hàng hai, thứ hai từ phải sang) trong chuyến tháp tùng Bác Hồ và Anh hùng Liên Xô Titov thăm vịnh Hạ Long, ngày 22-1-1962. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Cho đến giờ, ông Khuông vẫn nhớ đôi dép có hai quai to đằng trước, một quai nhỏ đằng sau được đóng đinh vào đế dép. Đôi dép đã cũ mòn đến nỗi trơ hết sợi vải, chỉ cần lôi nhẹ là có thể đứt, dép cắt không dày lắm, rất vừa chân Bác. Qua nghe các đồng chí bảo vệ kể, ông được biết đôi dép này Bác sử dụng suốt 14 năm băng rừng, lội suối. Thấy dép đã hỏng, nhiều lần mọi người đề nghị thay đổi mới nhưng Bác đều từ chối.

Ngày 22-1-1962, lần thứ hai ông Khuông được gặp Bác khi Người cùng Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô, Thiếu tá German Titov đi tàu Hải Lâm ra Vịnh Hạ Long thăm đồng bào, chiến sĩ vùng biển phía Đông Bắc Tổ quốc. Được sự cho phép của Bác, tàu chạy nhanh. Thấy vậy, ông Khuông vội chạy tới dìu Bác nhưng Người xua tay, ra hiệu không lo. Bác chăm chú quan sát khoang máy một lượt rồi giơ hai ngón tay cái ra hiệu máy chạy tốt. Suốt hành trình, Bác luôn tươi cười, gần gũi với mọi người.

 Ông Ngô Ngọc Khuông (ngoài cùng, bên phải) vinh dự chụp ảnh với Bác Hồ trong lần thứ ba gặp người, ngày 13-11-1962. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ông Ngô Ngọc Khuông (ngoài cùng, bên phải) vinh dự chụp ảnh với Bác Hồ trong lần thứ ba gặp người, ngày 13-11-1962. Ảnh do nhân vật cung cấp.

10 tháng sau, vẫn trên tàu Hải Lâm, lần thứ ba ông Khuông được gặp và phục vụ Bác trong chuyến thăm đồng bào, chiến sĩ khu Đông Bắc. Người vẫn giản dị như lần đầu ông gặp, đầu đội chiếc mũ cát, chân đi dép cao su cũ, mặc bộ đồ màu gụ cắt kiểu nông dân. Bác ân cần hỏi thăm, động viên mọi người. Sự gần gũi, tình cảm ấy đến giờ ông Khuông vẫn nhớ mãi. Ông bảo: “Được gặp, phục vụ rồi còn được chụp ảnh với Bác là niềm vinh dự, tự hào trọn đời của tôi. Đây cũng chính là động lực để suốt đời tôi phấn đấu, học tập và làm việc theo tấm gương của Người”.

HỒNG NHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/ba-lan-duoc-gap-bac-ho-722777