Ba điểm ấn tượng của kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long

Dù gặp những khó khăn trở ngại trong tình hình kinh tế chung của năm vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn có những điểm ấn tượng và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế cả nước.

Đạt nhiều thành tựu

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có chương trình gặp gỡ hơn 300 doanh nghiệp (DN) khu vực ĐBSCL. Nhiều thành tựu và hạn chế kinh tế của vùng được chỉ ra tại sự kiện này.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL, trong năm 2023, kinh tế ĐBSCL có ba điểm ấn tượng.

Thứ nhất, tiếp nối năm 2022, kinh tế của vùng năm 2023 có mức tăng trưởng bình quân cao hơn cả nước (6,6% so với 5,1%). Ông Lam cho biết, đây là chuỗi tăng trưởng kéo dài ba năm liên tục.

ĐBSCL chậm thay đổi về cơ cấu kinh tế, dù đã nỗ lực.

"Điều này cho thấy sự phục hồi, nỗ lực, cố gắng của cộng đồng DN khu vực là rất lớn", ông Lam đánh giá.

Thứ hai, ĐBSCL tiếp tục là khu vực có sức tiêu thụ hàng hóa lớn nhất cả nước. Dù kinh tế khó khăn nhưng người dân, DN của vùng luôn có sức mua, tiêu dùng, chỉ số bán lẻ tiêu thụ hàng hóa ở mức cao.

Thứ ba, đây là vùng xuất khẩu chính về nông sản, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của cộng đồng DN ĐBSCL đóng góp 13,4 tỷ USD trong năm 2023.

Dù kinh tế ĐBSCL đạt nhiều điểm ấn tượng nhưng VCCI đánh giá vẫn còn có những con số rất đáng trăn trở và nhiều khó khăn trong những năm sắp tới.

"Trong suốt một thập niên, ĐBSCL chậm thay đổi về cơ cấu kinh tế, dù đã nỗ lực. Trong những báo cáo kinh tế đều có chuyển dịch nhưng kết quả từ số liệu vẫn rất chậm, hầu như không thay đổi.

Trong đó cơ cấu về nông nghiệp thay đổi từ 3 - 5% , xuống còn 3%. Điều này cho thấy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang thương mại dịch vụ là rất chậm", ông Nguyễn Phương Lam đánh giá.

Trong năm 2023, ĐBSCL đóng góp 13,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản.

Vốn đầu tư nước ngoài giảm đáng kể

Ông Lam cho biết, tổng vốn đầu tư vào ĐBSCL trong các năm 2022, 2023 tiếp tục giảm. Đặc biệt trong tổng vốn, vốn đầu tư của Nhà nước ổn định, nhưng vốn đầu tư của nước ngoài (FDI) giảm rất rõ.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2019 - 2021 tăng 4,3%, trong năm 2022 tăng 2,7%, tuy có tăng nhưng tốc độ lại đang giảm dần so với những năm trước đó.

Cùng với đó là vốn đầu tư nước ngoài của vùng không chỉ không ngừng cải thiện mà còn đi xuống. Cả vùng trong năm 2023 chỉ thu hút 139 dự án với tổng vốn 740 triệu USD. Trong đó Long An chiếm gần 80%.

Năm 2023, ĐBSCL chỉ thu hút 139 dự án với tổng vốn 740 triệu USD.

Ông Lam cho biết, nếu so sánh cả vùng thì cả năm chỉ thu hút FDI tương đương với tỉnh Bình Phước, một tỉnh rất nhỏ của vùng Đông Nam bộ, Bằng 1/4 so với Quảng Ninh và 1/2 so với Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, số lượng bình quân DN của vùng tính trên đầu người đang ở mức thấp nhất cả nước. Trong năm 2023 cả khu vực thành lập mới hơn 11.800 DN nhưng cũng mất đi hơn 10.500 DN.

Theo ông Lam, môi trường kinh doanh, điều kiện thuận lợi của vùng đang bị hạn chế, dù Chính phủ đã có những chủ trương đầu tư rất lớn nhưng dấu hiệu cải thiện chưa rõ ràng.

Thực trạng trên dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của vùng cao nhất so với cả nước. Trong năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp cả nước là hơn 2,2 %, trong đó ĐBSCL là 3,6%.

VCCI đánh giá những số liệu này thể hiện vùng đang có những nghịch cảnh, vấn đề khó khăn ngày mỗi nhiều hơn.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy trong năm 2023 DN cũng gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ chiếm 28%; sự bất ổn của kinh tế 20%; khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay là 18%; nhân sự lao động chiếm 13%; thuế chiếm 16,1%...

Theo kết quả khảo sát, có 45% DN được khảo sát cho biết có lợi nhuận tăng trong năm 2023.

Trong năm 2024, có trên 76% DN có niềm tin tăng trưởng doanh thu, 74% cho rằng lợi sẽ có lợi nhuận.

Nguyên Việt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ba-diem-an-tuong-cua-kinh-te-dong-bang-song-cuu-long-192240330172603311.htm