Bà Đanh thực ra là ai

Sự hình thành biểu tượng Bà Đanh trong văn hóa Việt Nam đến từ những quan niệm về thần lực nữ tính hay nguyên lý mẹ tồn tại trong văn hóa Ấn Độ.

 Ngôi chùa được mệnh danh là “vắng nhất Việt Nam” - chùa Bà Đanh. Ảnh: Dân Trí.

Ngôi chùa được mệnh danh là “vắng nhất Việt Nam” - chùa Bà Đanh. Ảnh: Dân Trí.

Để trả lời câu hỏi: Bà Đanh là ai? Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã tìm hiểu trên nhiều địa hạt nghiên cứu, từ lịch sử đến khảo cổ học, từ nghệ thuật học đến ngôn ngữ học,... nhưng dường như nguồn gốc của “bà” cho tới nay vẫn còn gây nhiều tranh luận. Chẳng hạn, trong chương trình truyền hình “Bí mật của tạo hóa” (số ngày 22/11/2015), TS Nguyễn Mạnh Cường (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã cho rằng, Bà Đanh bắt nguồn từ hình tượng nữ thần ngồi xổm trong văn hóa Chăm. Cũng trong chương trình này, TS Nguyễn Thị Chiêm (Đại học Văn hóa Hà Nội) lại cho rằng Bà Đanh có nguồn gốc từ một người phụ nữ có căn tu tên gọi là Bà Đanh lập ra (vậy bà là người Việt?). TS Nguyễn Thị Chiêm cũng đưa ra giả thuyết rằng Bà Đanh có nguồn gốc từ Đạo giáo Trung Hoa và chùa Bà Đanh có thể là một Quán Đạo trong quá khứ (vậy bà là người Hán?). Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần truy nguyên biểu tượng này từ lịch sử Đại Việt/Việt Nam từ giai đoạn Lý - Trần (giai đoạn hưng thịnh của nghệ thuật với những yếu tố đóng góp to lớn của người Chăm).

Một yếu tố cần hết sức lưu ý ở đây là: Mặc dù tín ngưỡng phồn thực tồn tại ở rất nhiều nền văn hóa sơ khai (trong đó có Đại Việt/Việt Nam) nhưng sự thờ cúng công khai một biểu tượng phồn thực như linga-yoni hay một vị thần cụ thể (có tượng thờ và đền thờ như Pô Yan Dari) dường như chỉ phổ biến trong văn hóa Chăm. Khi những tù binh Chăm đông đảo cùng gia quyến của họ được đưa về định cư ở Đại Việt thì những ảnh hưởng của văn hóa Chăm đã tạc một dấu ấn đậm nét trong văn hóa Đại Việt mà cho đến nay nhiều thành tố văn hóa đó vẫn được coi như những “đỉnh cao nghệ thuật” trong văn hóa Việt Nam. Theo Tạ Chí Đại Trường, “lớp tù binh Chàm xây tháp, dựng đền, làm mưu sĩ, vào hậu cung, phổ biến tiếng nói,... Thiên Y A Na, thần bảo trợ quốc vương Chàm được vua Lý Thánh Tông đưa về làm một vị thần bảo trợ nước Việt. Thần Pô Yan Dari làm Bà Banh hướng cúng tế đến khoảng một phần tư đầu thế kỷ XIX mới bị nhà Nguyễn đuổi đi”.

Như vậy, biểu tượng thần Pô Yan Dari trong các ngôi đền Chăm đặt trên đất Việt (tác giả nhấn mạnh) chính là Bà Banh hay Bà Đanh trong văn hóa Đại Việt/Việt Nam. Đây cũng chính là “hình tượng nữ thần ngồi xổm trong văn hóa Chăm” mà TS Nguyễn Mạnh Cường đã đề cập ở trên. Vậy thần Pô Yan Dari của người Chăm có phải là thần Lajja Gauri trong văn hóa Ấn Độ không? Xem xét dưới góc độ biến âm trong ngôn ngữ học thì Lajja Gauri hoàn toàn có thể biến đổi thành Pô Yan Dari (chữ Chăm thuộc ngữ hệ Pali - một phân nhánh của ngôn ngữ Ấn Độ cổ).

Tuy nhiên, chứng cứ thuyết phục hơn là những biểu hiện của các bức tượng “chạm người đàn bà ngồi khỏa thân đội mặt trời, hai chân tay mở sang hai bên lộ rõ ngực, bụng, hạ bộ sung mãn” hay “người đàn bà khỏa thân ngồi xổm, dạng chân hai bên, hai tay đỡ/đội mặt trời, vú và bụng lớn, hạ bộ rõ ràng” mà Tạ Chí Đại Trường đã đề cập đủ để chứng minh: Pô Yan Dari có nguyên mẫu là Lajja Gauri trong văn hóa Ấn Độ. Điểm khác biệt, có chăng, chỉ là ở hình ảnh đội “mặt trời” mà chúng ta có thể dễ dàng suy đoán là “hoa sen” - phần đầu và cổ trong nguyên mẫu Lajja Gauri. Như vậy, thông qua biểu tượng Lajja Gauri và sự liên hệ với Bà Đanh trong văn hóa Việt Nam, tới đây chúng ta có thể đi đến kết luận rằng:

Bà Đanh là một biểu tượng nữ thần tồn tại trong văn hóa và nghệ thuật (không phải nhân vật có thật có tên gọi là Đanh);
Nguồn gốc của biểu tượng Bà Đanh đến từ văn hóa Chăm (xa hơn là văn hóa Ấn Độ) mà không phải là biểu tượng được hình thành trong văn hóa Việt hoặc Hán (có chăng chỉ là sự dung nhập của biểu tượng Lajja Gauri với tín ngưỡng phồn thực của văn hóa dân gian với người Việt);
Sự hình thành biểu tượng Bà Đanh trong văn hóa Việt Nam đến từ những quan niệm về thần lực nữ tính hay nguyên lý mẹ tồn tại trong văn hóa Ấn Độ và Việt Nam gắn với chức năng sinh sản.

Đinh Hồng Hải / NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-danh-thuc-ra-la-ai-post1378188.html