Bà con dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo ở Đắk Hà chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới

Ngọk Réo và Đắk Pxi vốn là 2 xã xa xôi, khó khăn nhất ở huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) và tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo. Sự nhiệt thành trong xây dựng nông thôn mới, tham gia kinh tế hợp tác của bà con giáo dân đang giúp cho địa phương có những chuyển biến rõ nét, trở thành vùng quê yên bình, đáng sống dưới giữa trùng điệp núi rừng.

Ngọk Réo là xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Kon Tum. Hiện trong xã có 7 thôn, với 1.179 hộ, trong đó có hơn 98% số hộ dân là người dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo.

Chuyển mình ở Ngọk Réo

Sinh ra trong một gia đình dân tộc thiểu số tại làng Kon Jong, A Thảo vừa là giáo dân vừa “đầu tàu” trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc chuyển đổi cây trồng, phát triển cây công nghiệp và các mô hình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở thôn.

Đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo ở thôn Kon Bơ Băn (xã Ngọk Réo) tạo cảnh quan đẹp trước nhà nhằm góp sức xây dựng nông thôn mới.

Để người dân trong làng làm theo, ngoài việc chịu khó nghiên cứu các chủ trương, chính sách, A Thảo còn mua máy vi tính về tự học cách sử dụng, nắm bắt thêm thông tin, kiến thức trên mạng và áp dụng các kiến thức đã học vào sản xuất và đời sống.

Theo đó, A Thảo vay vốn trồng 1,5ha cao su, 0,4ha cà phê. Cây cao su, cà phê được A Thảo áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc nên sinh trưởng tốt và đến nay đều đã cho thu hoạch.

Thấy được giá trị kinh tế của cây công nghiệp, nhất là cây cao su, làm theo A Thảo, nhiều hộ gia đình ở thôn có điều kiện cũng phát triển mạnh cây cao su như A Thuận trồng hơn 3ha, A Vỹ trồng gần 3ha, A Ghe trồng hơn 4ha, Lê Văn Cương (dân tộc Mường) trồng hơn 3ha… Cây cao su của các hộ này đang cho thu nhập từ 1,5 triệu đồng/ngày đến gần 3 triệu đồng/ngày.

Từ chỗ chỉ chuyên trồng mì, lúa rẫy, qua thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, giảm nghèo, đến nay, người dân và bà con giáo dân thôn Kon Jong phát triển gần 90ha cao su, 32ha cà phê, gần 3ha mắc ca, 11ha lúa nước... Cao su, cà phê đang trở thành cây trồng chủ lực, giúp cho nhiều hộ gia đình giáo dân thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định và khá giả.

Hoặc như thôn Kon Bơ Băn ở xã Ngọk Réo, với sự đóng góp của bà con dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo, đang có những chuyển biến rõ nét, trở thành vùng quê yên bình, đáng sống dưới giữa trùng điệp núi rừng. Bộ mặt khu dân cư – không gian sống của thôn với trên 250 hộ dân - 1.780 nhân khẩu là người theo đạo Công giáo nằm dọc tuyến tỉnh lộ 671 nay đã khang trang hơn trước rất nhiều, như khoác lên mình "áo mới", khang trang và thoáng đãng.

Đoàn kết xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới

Chị Y Khải - một giáo dân, là trưởng thôn Kon Bơ Băn cho biết, lực lượng dân quân, cán bộ xã thường xuyên tổ chức ra quân chỉnh trang lại cổng ngõ, gia cố lại hàng rào xanh và các tuyến đường hoa tự quản của các hộ dân được phân công phụ trách.

Một nhà thờ Công giáo ở huyện Đắk Hà.

Các hộ dân, giáo dân trong thôn nhiệt tình chỉnh trang nhà cửa, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới, cũng không ngần ngại chặt bỏ những loại cây không có giá trị để nhường không gian cho những con đường hoa trong thôn.

Theo bà Phạm Thị Mây, Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa trong đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo Công giáo. Toàn xã có trên 880 hộ dân đã xây dựng các hàng rào xanh, trồng hoa giấy để tạo cảnh quan môi trường khu dân cư sáng – xanh – sạch đẹp. Sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất của người dân và giáo dân xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới là cơ sở quan trọng để xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023.

Một thách thức để đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới là tỷ lệ nghèo đa chiều ở xã Ngọk Réo vẫn còn chiếm rất cao, hiện là 24%. Để có tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 8,5% trong tiêu chuẩn xã nông thôn mới đang đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa trong chăm lo phát triển kinh tế của người dân và bà con giáo dân trong xã.

Theo đó, như lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã từng chỉ đạo xã Ngọk Réo là cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của những HTX hiện có và vận động, tạo điều kiện để thành lập các HTX mới. Nhất là xây dựng một số mô hình tổ hợp tác để các thành viên giúp nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, xã Ngọk Réo cần vận động nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo chuyển đổi một số diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như mít, sầu riêng, mắc ca. Đặc biệt là hướng dẫn người dân, giáo dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Có như vậy mới giúp cho địa phương đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và giáo dân, giúp giảm nghèo bền vững,

Cùng với đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo ở xã Ngọk Réo, tính đến nay trên toàn huyện Đăk Hà có hơn 10.000 giáo dân tham gia sinh hoạt Công giáo hợp pháp tại 8 nhà thờ, giáo xứ, điểm sinh hoạt tôn giáo. Và cần phải ghi nhận sự chung sức, chung lòng của bà con giáo dân ở huyện trong xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng.

Đắk Hà hiện có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025. Với nhiều cách làm linh hoạt, sát thực tiễn, điều kiện hạ tầng cơ sở và tập quán canh tác của người dân tộc thiểu số, huyện đã thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo.

Đời sống người dân Đăk Pxi không ngừng nâng cao

Chẳng hạn như Đắk Pxi là xã xa xôi nhất của huyện Đắk Hà, với trên 95% hộ dân trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số và phần lớn theo đạo Công giáo. Những năm trước đây, hầu hết bà con dân tộc thiểu số tại xã Đắk Pxi đều sở hữu diện tích đất rẫy khá lớn, nhưng vì tập quán canh tác lạc hậu nên đất canh tác bị bạc màu, hiệu quả kinh tế không cao.

Đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo ở huyện Đắk Hà nhiệt thành tham gia phát triển kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.

Với nhiều chính sách đầu tư của Nhà nước, điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn tại xã được đầu tư đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, UBND xã Đắk Pxi đã hỗ trợ nguồn vốn sinh kế để các hộ dân, giáo dân đầu tư vào trồng xen cây ăn trái, làm chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản, dê, heo sọc dưa... theo hướng có chuồng trại hợp vệ sinh. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giáo dân là đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao.

Điều dễ nhận thấy nhất là đến nay, trên địa bàn xã không còn tình trạng trông chờ ỷ lại như trước kia. Thay vào đó, bà con giáo dân đã chủ động học hỏi kinh nghiệm, vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình và tham gia kinh tế hợp tác.

Chẳng hạn như Tổ hợp tác nuôi heo sọc dưa với sự tham gia của 20 thành viên. Đây là tổ hợp tác nuôi heo sọc dưa đầu tiên của huyện Đắk Hà, qua đó định hướng để các hộ nông dân, giáo dân liên kết sản xuất, tiếp cận, áp dụng khoa học trong chăn nuôi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Hoặc như ở làng Linh La (xã Đắk Pxi), có trên 125 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hiện hộ nào cũng chăm lo lao động sản xuất nhờ được dạy nghề trồng trọt. Trong làng có Tổ hợp tác trồng cà phê làng Linh La đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giáo dân trao đổi kiến thức, hoàn thiện canh tác, tiếp cận thị trường, ổn định giá bán.

Từ sự phát triển kinh tế hợp tác như vậy đã giúp cho đời sống người dân, giáo dân trong xã được cải thiện đáng kể so với trước kia với mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 35 triệu đồng/năm. Từ đó, chung tay xây dựng xã Đắk Pxi đạt 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm nay đạt được 19 tiêu chí nông thôn mới.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/ba-con-dan-toc-thieu-so-theo-dao-cong-giao-o-dak-ha-chung-suc-chung-long-xay-dung-nong-thon-moi-1094856.html