Ba chuyện nhỏ của hai đứa nhỏ

Tôi nhìn S., hình dung chàng thanh niên với chiếc xe đạp khẳng khiu đứng chờ cô trong bóng tối, thương S. đến... ấm ức!

Đứa thứ nhất là con tôi, 14 tuổi, sinh trưởng bên Tây. Một ngày từ trường về, buồn xo, ả chìa ra bức vẽ chân dung đen trắng với ba mảng đỏ - môi, móng tay, mặt dây chuyền - phân bua với mẹ: “Cô nói tô màu hết sẽ cho 20 điểm, nhưng con thích để vậy. Cô không thích, cho 12 điểm. Mẹ có giận con không?”.

Tôi nhìn sơ bức vẽ, thoáng nao núng. Năm nay là năm chuyển cấp, điểm trung bình phải cao mới vô được trường tốt, trong khi môn hội họa cũng được tính trong khung điểm. Bé con áy náy: “Mẹ muốn con được 20 điểm hay muốn con được làm như con thích?”. Không biết mình nên ở đâu giữa cá tính và khuôn nếp, bà mẹ phân vân tôi nói lãng ra chuyện khác để tránh trả lời câu hỏi của con - câu hỏi mà tôi tin khiến nhiều người lớn chúng ta phải bối rối.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Guduru Ajay bhargav/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Guduru Ajay bhargav/Pexels.

Ở xứ Tây này, năm lớp 9, và chỉ duy nhất năm lớp 9, tất cả học sinh đều phải đi thực tập một tuần trong doanh nghiệp. Một tuần, dĩ nhiên là cỡi ngựa xem hoa nhưng mục đích chính là để đứa trẻ làm quen kỷ luật, tiếp cận dần thế giới lao động mà trong tương lai chúng sẽ bước vào. Kết quả thực tập sau đó sẽ phải báo cáo, chấm điểm.

Đứng trước một chương trình thông lệ nhưng cũng rất chiếu lệ, bà mẹ bao biện tôi bèn nghĩ ngay đến bằng hữu có doanh nghiệp để gửi gắm cô con: một quán ăn, một hiệu thuốc Tây, một cửa hàng thực phẩm... Tưởng nàng nhỏ vui vì được đến nơi quen biết, nhưng nàng không muốn. Nàng bảo: “Để con nghĩ...”. Vậy rồi tháng sau chúng tôi nhận được thư của... Radio France - cơ quan phát thanh quốc gia Pháp - thông báo nhận học sinh H.A vào thực tập! Cha mẹ tá hỏa.

Hóa ra nàng con đã lẳng lặng viết đơn xin việc. Tá hỏa hơn khi lá đơn của ả giống thư cho... bạn: tự nhiên, thân mật đến thô thiển. Tóm lại, một bản văn không có dấu vết bơm mớm của cha mẹ, không có những cung kính khách sáo, những rào đón khôn ngoan; chỉ có ước muốn khám phá đường đi của âm thanh, khám phá trong Ngôi nhà tròn - phổ danh của tòa nhà Radio - rộng lớn kia có cái gì. Phải chăng lá đơn đã được chọn vì tính mạo muội chân thành của nó?

Đứa thứ hai là... người dưng của tôi, 18 tuổi, quê miền Trung. Tôi biết S. qua một tờ nhật báo, rằng S. mồ côi cha, nhà nghèo, thi đậu vào Đại học Kiến trúc TP.HCM nhưng không có tiền nhập học. Như từng cảm phục những đứa trẻ nghèo học giỏi, tôi đã nhờ tòa soạn giúp S., và hẹn gặp em nhân lần về nước. “Đêm qua con đến nhà cô đúng hẹn, nhưng cô đi vắng. Con đứng chờ suốt hai tiếng. Muỗi cắn sưng hết chân”. Sau khi để tôi sốt ruột đợi trông, sáng hôm sau S. gọi điện nói với tôi như vậy.

Tôi ngạc nhiên và bực bội: “Một là con nhầm địa chỉ, hai là con nói dối, vì suốt đêm qua cô vẫn ở nhà!”. Bên kia đầu dây giọng S. hoảng hốt: “Cô ơi, con không nhầm, cũng không nói dối. Con đến đúng 56/3, đường.... Đối diện nhà cô là khách sạn N., bên trái có công ty B.”.

Trời ơi, đúng chóc. Tôi biết sai lầm của S. ở chỗ nào: nhà tập thể có hai cổng, cổng ghi bảng số luôn luôn đóng, chỉ mở cổng thứ hai cách đó 5 m. Có nghĩa chỉ cần bước tới dăm bước, S. sẽ gặp cổng thứ hai, gặp thường trực chung cư để biết nhà cô Linh ở tầng hai. Nhưng trong lúc tôi lo âu chờ mỏi cổ thì chàng trai cũng lo âu mỏi chân chờ, đúng ngay bảng số, trước cánh cửa đóng kín!

Và đây là cuộc đối thoại giữa hai cô cháu khi gặp nhau: “Tại sao con không sốt ruột hoặc bâng quơ bước tới bước lui vài bước để thấy cổng thứ hai?”. “Con không nghĩ có cổng thứ hai”. “Vậy từ đâu con nghĩ cô đi vắng?”. “Vì con thấy căn nhà bên trong cánh cổng đóng cửa”. “Sao con không nhìn lên, nhìn quanh, để thấy đó chỉ là một căn trong rất nhiều căn hộ của chung cư?”. “Cô nói nhà 56/3 nên con cứ chờ ngay bảng số”. “Trong lúc đứng con có thấy người ra vô ở cổng thứ hai?”. “Dạ có, nhiều lắm”. “Sao con không hỏi họ?”. “Con ngại”.

Tôi nhìn S., hình dung chàng thanh niên với chiếc xe đạp khẳng khiu đứng chờ cô trong bóng tối, thương S. đến... ấm ức! Kể những câu chuyện bất thường của hai đứa nhỏ mình yêu quý, tôi tin tính cách con người chịu ảnh hưởng lớn bởi môi trường giáo dục.

Việt Linh/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-chuyen-nho-cua-hai-dua-nho-post1462637.html