Ba Chẽ mạnh mẽ đi lên trong xây dựng nông thôn mới

Hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ năm 2022, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đang trong quá trình chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Và những thành quả trong liên kết làm kinh tế đang là một trong những điểm nhấn xây dựng nông thôn mới của huyện khi được Hội đồng thẩm định đánh giá cao.

Lương Mông mà một xã có thế mạnh lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Trong đó, măng mai là cây lâm sản có giá trị kinh tế cao nên đang được chính quyền địa phương khuyến khích trồng và phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Phát triển kinh tế hàng hóa

Ưu điểm của cây tre mai là chỉ trồng một lần, sau đó cho khai thác măng trong nhiều năm. Những năm sau, người dân chỉ cần bỏ công lao động chăm sóc, có thể chiết cành hoặc tách cây mẹ làm cây giống cung cấp cho thị trường, nên hiệu quả kinh tế từ trồng cây tre mai rất cao.

Trước đây, nhiều hộ dân trong xã thường làm lán trong rừng để lấy măng, bóc vỏ già, luộc kỹ rồi mang về phơi. Giờ, đường đi lại thuận lợi, hơn nữa lại có Tổ hợp tác măng mai Lý Hiền thu mua măng tươi sau đó về chế biến nên giúp bà con có thu nhập nhiều hơn. Để khai thác lâu dài, thành viên trong Tổ hợp tác hướng dẫn người dân giữ lại một số ngọn măng cho phát triển thành khóm lớn, tích cực bảo vệ rừng, tạo sinh kế bền vững.

Măng khô của Tổ hợp tác cũng tạo được tiếng uy tín với khách hàng vì sợi măng non, không sử dụng chất bảo quản trong chế biến. Sau khi phơi sấy hoàn thiện, sản phẩm vẫn giữ được mùi thơm tự nhiên và màu vàng đẹp mắt. Tổ hợp tác đã đầu tư hoàn thiện bao bì nhãn mác tham gia chương trình OCOP.

Cũng phát triển triển sản phẩm từ măng mai, HTX Kinh doanh lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ (xã Đồn Đạc) thực hiện thu mua măng tươi của người dân về chế biến. Theo các thành viên, nếu măng được nắng thì chất lượng và hương vị được đánh giá cao. Bên cạnh đó, HTX cũng được kết nối tham gia các hội chợ, các buổi xúc tiến thương mại nên đầu ra khá thuận lợi. Từ đó, sản phẩm măng mai của địa phương có điều kiện vươn xa hơn ở nhiều thị trường trong nước và người trồng măng yên tâm hơn với sản phẩm của mình làm ra.

Hiện, Đồn Đạc cũng là một trong những xã trồng nhiều tre lấy măng của huyện Ba Chẽ. Thống kê cho thấy, xã đã có khoảng 60ha măng và thu hút 140 hộ dân tham gia trồng và chế biến.

Nhận thấy lợi thế của cây măng mai, huyện Ba Chẽ đã có một số cơ chế chính sách hỗ trợ 50% giá giống tre mai cho các hộ trồng mới từ 500m2 trở lên, đồng thời khuyến khích người dân liên kết thành các tổ hợp tác, HTX cũng như hỗ trợ các mô hình này tham gia chương trình OCOP. Sự vào cuộc của huyện đã tạo sự phấn khởi cho các HTX, tổ hợp tác và hộ trồng tre lấy măng trên địa bàn.

Ngoài cây măng mai, Ba Chẽ còn nổi lên nhờ hình thành và phát triển được chuỗi giá trị hàng hóa từ cây chè hoa vàng. Đến nay, huyện đã phát triển được 200ha và thu hút khoảng 500 hộ dân tham gia sản xuất kinh doanh loại nông sản này. Trà hoa vàng có giá trị kinh tế cao, chỉ hoa tươi cũng có giá 600.000 đồng/kg, còn chế biến thành trà hoa vàng thì giá trị kinh tế lên đến 15 triệu đồng/kg.

Trà hoa vàng đang thúc đẩy kinh tế ở Ba Chẽ.

Lý giải về giá của sản phẩm, ông Nguyễn Thành Trọng, Giám đốc HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ cho hay cây trà hoa vàng sinh trưởng phát triển chậm, phải hơn 5 năm mới có hoa. Bên cạnh một số loại sâu bệnh thì một năm cây lên đọt non 2 lần, khi lên đọt non có hoa thì hoa sẽ bị héo dẫn đến sản lượng giảm. Chính vì vậy, khâu chăm sóc cần phải rất tỉ mỉ. Đi liền với đó là phải áp dụng công nghệ sấy thăng hoa hiện đại để đảm bảo mẫu mã, chất lượng sản phẩm như giữ nguyên hình dạng, màu sắc, hương vị, hoạt chất của hoa trà hoa vàng.

Với định hướng đưa các sản phẩm từ cây trà hoa vàng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, huyện đã hỗ trợ 70% chi phí giống cho người sản xuất thông qua các dự án liên kết với doanh nghiệp. Đến nay, huyện đã triển khai được 9 mô hình liên kết và đã xây dựng 1 mã vùng trồng trà hoa vàng để phục vụ cho xuất khẩu. Hiện tại, trà hoa vàng đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh.

"Trái ngọt" nông thôn mới

Ngoài trồng măng, trà hoa vàng, Ba Chẽ còn phát triển mạnh cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Đến nay, diện tích dược liệu của Ba Chẽ đã đạt khoảng 300ha với gần 400 loại dược liệu tự nhiên dưới tán rừng theo hướng kết hợp hài hòa với tập tục canh tác, sản xuất của người dân.

Đặc biệt, huyện nâng cao vai trò của các HTX trong liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, chủ động hình thành các chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp, nên các loại cây dược liệu đều có đầu ra ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Phát triển kinh tế hàng hóa đã mang lại giá trị kinh tế hàng hóa cao, hình thành được những vùng sản xuất quy mô lớn, từ đó góp phần vào nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện đạt 66 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,27%, hộ cận nghèo còn 0,89%. Đời sống người dân được nâng cao, nông thôn mới phát triển theo hướng bền vững với nhiều thành tựu quan trọng.

Trước đây, Ba Chẽ có 5/7 xã đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 4,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 48,08%. Sau 12 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới bằng việc quan tâm phát triển kinh hàng hóa dựa vào thế mạnh địa phương, huyện Ba Chẽ xóa được hình thức tự sản tự tiêu, chuyển sang sản xuất trên quy mô lớn, biến tiềm năng đất rừng thành của cải, vật chất phục vụ lợi ích người dân.

Hiện, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đổi mới nhanh. Đến nay, tất cả 7/7 xã trong huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 2/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Lương Mông và Minh Cầm. Huyện cũng hoàn thiện 9/9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục phát triển kinh tế lâm nghiệp

Để tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, ngoài tiếp tục hoàn thiện và đầu tư cho cơ sở hạ tầng, huyện Ba Chẽ xác định trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây dược liệu vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Huyện sẽ tiếp tục mở rộng các vùng kinh tế hàng hóa đã có sẵn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Xác định tháo gỡ khó khăn cho người dân, HTX, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh là điều quan trong, tạo lực đẩy đưa nông thôn mới phát triển, huyện đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa.

Riêng đối với mô hình lâm nghiệp-dược hiệu, huyện đang thực hiện hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vay vốn lãi suất thấp, đề xuất phương án trồng cây dược liệu quý của địa phương dưới tán rừng gỗ lớn để người trồng rừng có thêm nguồn thu nhập, "lấy ngắn nuôi dài".

Với những hướng đi trọng tâm là phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, lấy trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu làm mũi nhọn, Ba Chẽ được tỉnh Quảng Ninh đánh giá là đang đi đúng hướng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, là tiền đề để huyện miền núi này hoàn thành mục tiêu đề ra là toàn huyện không còn hộ nghèo, không có hộ tái nghèo và phát sinh nghèo trong năm 2023 và được đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/ba-che-manh-me-di-len-trong-xay-dung-nong-thon-moi-1096718.html