Ba bữa ăn ngon

Cho đến bây giờ, tôi từng được dự không ít bữa tiệc với những món ăn đặc sản Tây có, ta có. Thế nhưng có ba bữa ăn gắn với cuộc đời bộ đội của mình thật ngon, thật nhớ đời mà hàng chục năm trôi qua không bao giờ tôi có lại cái cảm giác đặc biệt như thế. Quả đúng như lời các cụ ta đã dạy: Miếng ngon nhớ lâu...

Ba bữa ăn ngon này, tôi đã kể lại rất nhiều lần cho bạn bè nghe. Mỗi lần nhắc đến ba bữa ăn đầy dấu ấn trong đời ấy, chính tôi như lại được thưởng thức lại những hương vị thơm ngon ấy trong một niềm vui đầm ấm, cảm xúc trào dâng khó tả.

1. Rau muống bên bờ Thạch Hãn

Sau 81 ngày đêm chiến đấu liên tục căng thẳng với địch, quân số của đơn vị thương vong nhiều, không còn đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên Tiểu đoàn 5 chúng tôi được lệnh cho rút khỏi khu vực bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào ngày 13-9-1972. Sáng sớm 14-9 chúng tôi qua sông Thạch Hãn, tập kết ở thôn Nhan Biều và ngày 15-9 thì hành quân trở về đội hình của Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.

Đến địa phận xã Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, chúng tôi vào một vị trí có hầm hào để tạm nghỉ ăn bữa trưa. Quả thật, những ngày trong khu vực Thành cổ, với những bữa ăn vội chỉ là lương khô, gạo sấy cho qua bữa, khỏi đói, vừa không no lại cũng chẳng ngon, đến rau khô cũng không có, nên ai cũng thèm một bữa cơm có rau cho mát ruột. Giữa lúc đó, một đồng chí phát hiện có ruộng rau muống của người dân bỏ lại. Mặc dù rau đã được thu hái nhiều lượt, còn lại chân gốc nhưng qua vài trận mưa đầu mùa cũng đã đùn lên những cọng rau mới, tuy hơi ngắn nhưng vẫn có thể ăn được. Vậy là anh em bảo nhau cắt rau. Cả ruộng rau bộ đội cắt hết đến sát tận gốc. Rau non, rau già không kén chọn vì ai cũng thèm được ăn bữa cơm với rau xanh sau bao ngày thiếu thốn.

 Đồng chí Nguyễn Đức Sơn (ngồi hàng đầu, bên trái) cùng các đồng đội từ chiến trường về học tập tại Học viện Chính trị-Quân sự năm 1973.

Đồng chí Nguyễn Đức Sơn (ngồi hàng đầu, bên trái) cùng các đồng đội từ chiến trường về học tập tại Học viện Chính trị-Quân sự năm 1973.

Thời chiến, bộ đội đi đâu cũng có một chiếc xoong mang theo. Các món cơm canh, rau... đều được chế biến từ chiếc xoong đa năng đó. Rửa rau, nổi lửa nhanh chóng; cơm vẫn là những hạt gạo sấy khô cứng. May sao hôm đấy, cậu Nguyễn Hữu Biên, quê Thanh Hóa, chiến sĩ trinh sát còn lại một hộp thịt bỏ ra anh em cùng thưởng thức. Chỉ vậy thôi mà anh em chúng tôi ngồi ăn ngon như một bữa cơm “thịnh soạn”, hết sạch cả một xoong rau muống luộc to. Chỉ một hộp thịt nhỏ với ngần ấy rau không thấm vào đâu nhưng anh em ai cũng tấm tắc khen ngon và đều không hề nghĩ đến thịt hộp mà chỉ chăm chăm ăn rau. Vị rau muống chấm với nước thịt hộp quyện vào nhau sao mà ngon đến lạ, đến nước luộc rau chúng tôi cũng uống hết, không bỏ lại giọt nào.

Một bữa ăn ngon nhất, no nhất của tôi trong nhiều năm. Một bữa ăn thời chiến không có sơn hào hải vị, cũng chẳng chế biến rườm rà, chỉ huy và chiến sĩ không phân biệt cấp bậc quây quần bên nhau xì xụp. Hương vị của bữa ăn độc nhất vô nhị ấy mãi theo tôi đến tận bây giờ. Có lẽ đây cũng là một phần lý do vì sao tôi luôn thích ăn rau muống. Lúc nào cũng thấy đó là một món ăn dân dã, dễ ăn, hơn nữa là để tìm kiếm hương vị xưa...

2. Bữa tiệc mừng chiến thắng

Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, Trung đoàn 165 chúng tôi ở lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Ngày 15-5-1975, Ủy ban quân quản của tỉnh Thủ Dầu Một tổ chức tiệc chiêu đãi mừng chiến thắng. Thành phần được mời dự tiệc là cán bộ cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc cùng các lực lượng địa phương và các cấp chính quyền địa phương.

Qua quan sát, hầu hết đại biểu của buổi tiệc hôm đó hầu hết là bộ đội vì tôi thấy họ mặc quân phục. Còn bộ phận phục vụ, lễ tân thì phục trang rất đẹp.

Mang theo tâm lý phấn khởi, tự hào là người chiến thắng được thay mặt cho đơn vị tham gia sự kiện ý nghĩa này nên những thành phần được mời dự đều đi rất đầy đủ, đúng giờ. Hội trường buổi tiệc được bài trí rất long trọng. Các bàn tiệc đều là bàn tròn, trên đó đã bày sẵn toàn bát đĩa Nhật sáng bóng. Mấy anh em cán bộ cấp trung đoàn chúng tôi chủ động chọn vị trí ngồi cùng nhau cho tiện giao lưu, trò chuyện. Một số bàn tiệc, đơn vị tổ chức có bố trí xen kẽ cán bộ của địa phương ngồi cùng.

Mở đầu buổi tiệc là bài phát biểu bày tỏ niềm vui, sự trân trọng của địa phương với các lực lượng đã vất vả, gian khổ chiến đấu, giải phóng tỉnh nhà thời gian qua. Nghĩ lại tôi vẫn thấy thú vị, lần đầu tiên tôi được nghe cụm từ "Kính thưa các quý ông, quý bà, quý các đồng chí" của người làm công tác tổ chức bữa tiệc trong nội dung mở đầu.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (bên trái) trong lần trở lại Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào).

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (bên trái) trong lần trở lại Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào).

Đó thật sự là một buổi tiệc mừng chiến thắng, không khí rất sôi nổi, tình cảm và vui vẻ. Món ăn đầu tiên mang ra đựng trong chiếc bát nhỏ (sau này quen thuộc thì tôi biết đó là món súp khai vị). Mấy anh em chúng tôi ngồi cùng bàn, nháy nhau ra hiệu thống nhất ăn uống từ tốn, dè dặt kẻo bị người ta đánh giá. Nhưng chẳng ngờ, mới ăn được nửa đĩa thức ăn thì người phục vụ đã mang đi mất. Vậy là "thay đổi chiến thuật", chúng tôi lại ra hiệu với nhau ăn nhanh hơn và cân đối, tính toán sao cho đến lúc họ mang đi thì món ăn trên đĩa cũng vừa hết.

Nhưng thật không ngờ nhiều món ăn quá. Càng về sau các món ăn càng ngon, dễ chừng phải đến hơn 20 món, không thể ăn hết được. Chúng tôi được một bữa no nê, nhiều món ăn mới lạ và rất ngon, cả do thức ăn, cả do tâm lý phấn khởi, thoải mái của mọi người. Qua trò chuyện và nghe những bài phát biểu tại bữa tiệc, chúng tôi đều cảm nhận được niềm vui, sự yêu quý của nhân dân dành cho bộ đội. Những đơn vị, tập thể, cá nhân có công lao đều được nhắc đến với sự trân trọng.

Sau này, tôi cũng được dự nhiều bữa tiệc tương tự, thậm chí còn long trọng hơn nhưng chưa bao giờ ấn tượng và khó quên như bữa tiệc mừng chiến thắng năm 1975 đó, với nhiều cái "lần đầu tiên" được trải nghiệm và nhớ mãi...

3. Nồi cá kho của mẹ

Cuối năm 1988, tôi được trên bổ nhiệm chức vụ Phó cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị. Sau khi đã nhận công tác ở Cục Tổ chức khoảng một tháng, tôi có chuyến về Quân đoàn 1 làm việc, trên đường đi tôi ghé qua thăm bố mẹ tôi đang sống ở quê nhà xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhà tôi cách Quốc lộ 1 chừng 8km. Dự định ban đầu chỉ vào thăm hai cụ một lát rồi đi luôn nhưng hôm đó khi về đến nhà cũng tới giờ cơm chiều, ở nhà bố mẹ tôi cũng đã nấu xong cơm. Bữa cơm mẹ tôi chuẩn bị là những món ăn thường nhật gồm: Đậu rán, cá rô đồng kho tương gừng, rau muống luộc.

Riêng món cá kho (tuyệt ngon), cá ướp gia vị tương gừng vừa đủ để trong nồi đất, mẹ tôi đã kho nhừ và ủ trấu từ sáng, cá trong nồi vẫn còn ấm nóng. Con cá vẫn còn nguyên hình thù, nhưng đã được kho kỹ nên cả xương và đầu ăn vẫn ngon, cho vào miệng là tan ra, ăn được hết không bỏ tý nào, mùi cá kho thơm ngậy bay khắp nhà, nước cá sền sệt chấm với rau muống luộc hái trong vườn nhà xanh ngọt. Bố mẹ tôi ăn rất ít có ý nhường chúng tôi, nhìn chúng tôi ăn ngon các cụ cứ tủm tỉm cười và động viên chúng tôi: "Anh em cứ ăn no đi hai ông bà già ở nhà có nhiều thức ăn trong bếp kia kìa ăn lúc nào chả được".

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (thứ hai từ phải sang) cùng người thân và đồng đội trong một lần gặp mặt.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (thứ hai từ phải sang) cùng người thân và đồng đội trong một lần gặp mặt.

Đúng là bữa cơm quê nhà ngon thật. Tôi và cậu lái xe “đánh liền một mạch” tới bốn bát cơm đầy, gần hết cả nồi cá kho các cụ định để ăn dần mấy ngày. Về sau, thỉnh thoảng nhà tôi cũng kho cá theo cách đó nhưng làm thế nào cũng không “ra được cái vị" thấm đậm thơm ngon như nồi cá của mẹ! Tôi cứ luôn tự hỏi đó chính là hương vị của nồi cá kho từ bếp của mẹ hay đó chính là hương vị của gia đình, của quê hương mà phải đến một lúc nào đó ta mới nhận ra được giá trị đích thực của nó.

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/ba-bua-an-ngon-713547