Azerbaijan chỉ định cựu lãnh đạo ngành dầu mỏ làm Chủ tịch COP29: Liệu có xung đột lợi ích?

Azerbaijan, nước sẽ giữ vai trò là Chủ tịch Hội nghị Khí hậu lần thứ 29 của LHQ (COP29) đã chọn Bộ trưởng Sinh thái - một cựu giám đốc điều hành công ty dầu mỏ nhà nước - để chịu trách nhiệm chỉ đạo và điều hành các cuộc đàm phán về khí hậu vào cuối năm nay. Quyết định trên một lần nữa khơi dậy cuộc tranh luận về vai trò của ngành dầu khí trong các cuộc đàm phán quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm sự phụ thuộc của nhân loại vào nhiên liệu hóa thạch.

Ông Mukhtar Babayev, Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên của Azerbaijan, đã được chọn làm Chủ tịch COP29, người sẽ dẫn dắt các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ vào cuối năm nay. Ảnh: AP

Nghịch lý dầu mỏ và khí hậu

Ông Mukhtar Babayev từng là Giám đốc Điều hành công ty dầu mỏ quốc doanh SOCAR của Azerbaijan trong gần 25 năm trước khi đảm nhận chức vụ hiện tại là Bộ trưởng Bộ sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên từ năm 2018.

Quyết định của Azerbaijan đánh dấu hai năm liên tiếp, một quan chức đứng đầu ngành nhiên liệu hóa thạch sẽ giám sát các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu. Trong năm 2023, việc Chủ tịch Hội nghị Khí hậu lần thứ 28 của Liên Hợp Quốc (COP28), ông Ahmed al-Jaber là lãnh đạo tập đoàn dầu khí nhà nước Adnoc của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), một tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới, cũng đã gây ra nhiều tranh cãi. Ông Al-Jaber đã phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ những nhà hoạt động vì môi trường và các nhà lập pháp, những người lo ngại rằng mối liên hệ của ông với ngành này sẽ tạo ra xung đột lợi ích khi một trong những mục tiêu của cuộc đàm phán khí hậu là giảm dần vai trò của ngành dầu khí và các loại nhiên liệu hóa thạch khác.

COP28 kết thúc với một thỏa thuận rộng rãi nhằm hướng tới đưa thế giới chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu, khí đốt và than đá. Đây cũng là lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập đến trong kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán về khí hậu trong gần 30 năm. Tuy nhiên, một số nhà môi trường cho rằng, thỏa thuận chưa thực sự mạnh mẽ khi không sử dụng ngôn ngữ "loại bỏ" dần nhiên liệu hóa thạch, phần lớn là do sự phản đối của các quốc gia phụ thuộc vào dầu khí.

Những lời chỉ trích

Một số chuyên gia và các nhà lãnh đạo về khí hậu đã kêu gọi xem xét lại các quy định của Liên Hợp Quốc để ngăn chặn các công ty dầu mỏ định hình các hội nghị về khí hậu hàng năm.

Michael Mann, một nhà khoa học khí hậu nổi tiếng làm việc tại Đại học Pennsylvania, đã viết trong một bài báo trên tờ Los Angeles Times vào tháng trước: “Do xung đột lợi ích to lớn, các nhà điều hành ngành dầu mỏ không được phép gây ảnh hưởng đối với các cuộc đàm phán khí hậu, chứ đừng nói đến việc chủ trì hội nghị thượng đỉnh”.

Sau khi Azerbaijan chọn ông Mukhtar Babayev làm Chủ tịch COP29, ông Mann viết trên nền tảng X: “Có vẻ như các bên đàm phán về Công ước Khung của LHQ về khí hậu không lưu tâm đến các đề xuất của chúng tôi”.

Theo quy định, nước Chủ nhà đăng cai Hội nghị COP có quyền chọn Chủ tịch cho các cuộc đàm phán. Và việc ông Mukhtar Babayev, người hiện đang giữ ghế Bộ trưởng Sinh thái, được chỉ định làm Chủ tịch COP29 không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng điều bất ngờ là ông lại từng là một giám đốc điều hành kỳ cựu trong ngành dầu mỏ.

Điều đó cũng có thể hiểu được do Azerbaijan là một quốc gia dầu khí, với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất và xuất khẩu các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, dầu khí hỗ trợ khoảng 90% doanh thu xuất khẩu của đất nước và tài trợ khoảng 60% ngân sách chính phủ.

Azerbaijan cũng là nước xuất khẩu dầu thứ ba đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu hàng năm của LHQ sau Ai Cập và UAE.

Quyết tâm của Azerbaijan trong cam kết khí hậu

Trong khi ông Mukhtar Babayev sẽ giữ vai trò Chủ tịch COP29, Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Yalchin Rafiyev, sẽ đóng vai trò là nhà đàm phán chính của các cuộc đàm phán, bắt đầu vào tháng 11 tới. Chánh văn phòng của ông Babayev, Rashad Allahverdiyev, đã xác nhận việc bổ nhiệm và cho biết các quốc gia, nhóm quan sát và Ban Thư ký khí hậu của LHQ đã được thông báo về việc lựa chọn.

Ông Babayev, 56 tuổi, có bằng khoa học chính trị của Đại học quốc gia Moscow và các bằng khác về quan hệ kinh tế đối ngoại của Đại học Kinh tế quốc gia Azerbaijan.

Trong bài phát biểu tại Dubai trong khuôn khổ COP28, ông cho biết Azerbaijan đặt mục tiêu cắt giảm 35% ô nhiễm khí hậu vào năm 2030 và 40% vào năm 2050. Nước này cũng đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo lên 30% tổng năng lượng quốc gia trong thập kỷ này.

Ông Babayev nhấn mạnh: “Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng, chúng tôi thừa nhận sự cần thiết phải đoàn kết nỗ lực, thúc đẩy hợp tác toàn cầu và đảm bảo rằng hành động của chúng tôi phù hợp với mức độ nghiêm trọng của tình hình”.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/azerbaijan-chi-dinh-cuu-lanh-dao-nganh-dau-mo-lam-chu-tich-cop29-lieu-co-xung-dot-loi-ich--i357004/